Lỗ hổng khiến bóng đá Trung Quốc thất bại

Trung Quốc luôn có tham vọng lớn trong mọi lĩnh vực, môn thể thao vua không ngoại lệ. Tuy nhiên, nền bóng đá nước này đang đi xuống rất nhanh trong thời gian ngắn.

Jia Boyan nhận bóng từ giữa sân, thoải mái đi bóng khi một tiền vệ của Kyrgyzstan lao xuống nhưng không thể ngăn cầu thủ 15 tuổi tiến lên. Jia lao nhanh về phía trước, bỏ lại một cầu thủ khác đang đuổi theo. Jia quyết định tung cú sút từ cự ly 25 m vào góc dưới ghi bàn, sau một pha ngoặt bóng sang phải để loại bỏ thêm một cầu thủ nữa.

Trận đấu với U16 Kyrgyzstan vào năm 2019 kết thúc với chiến thắng 6-0 dành cho Trung Quốc. Jia ghi một bàn và có 2 kiến tạo. Màn trình diễn của anh khiến giới truyền thông Trung Quốc và quốc tế chú ý. Cầu thủ này sau đó được xếp vào danh sách "Next Generation 2020: 60 tài năng trẻ hay nhất" của The Guardian.

 - Bóng Đá

Jia (trái) trong đợt tập trung cùng tuyển trẻ Trung Quốc.

Hệ thống đào tạo trẻ khác lạ

Năm 16 tuổi, Jia ra mắt Shanghai Port và trở thành cầu thủ trẻ thứ 3 lịch sử giải VĐQG Trung Quốc (CSL) khi vào sân thay cựu tiền đạo Premier League Marko Arnautovic vào tháng 8/2020. Vào tháng 2 năm nay, Jia gia nhập CLB Grasshoppers ở Thụy Sĩ và sau đó được gửi đến CLB NK Dubrava ở Druga HNL (giải hạng hai Croatia) dưới dạng cho mượn.

"Tôi cảm thấy ổn, tôi rất vui vì có cơ hội để chứng tỏ bản thân", Jia nói với truyền thông khi đang tập luyện cùng tuyển U20 Trung Quốc. “Châu Âu có môi trường bóng đá tốt, sân bãi, cơ sở vật chất và trình độ đào tạo tốt hơn ở Trung Quốc. Ở đó chỉ có thể giúp tôi tiến bộ hơn".

Bất chấp những gì đạt được khi còn rất trẻ, Jia không phản ánh sự thành bại của bóng đá Trung Quốc. Năm nay, tuyển Trung Quốc không vượt qua được vòng loại World Cup 2022, đánh dấu 20 năm kể từ lần đầu tiên và duy nhất họ góp mặt tại giải đấu.

Việc thiếu hụt những cầu thủ đẳng cấp thế giới là một trong nhiều lý do khiến Trung Quốc không thể chơi tốt. Không cầu thủ Trung Quốc nào hiện nay đủ khả năng đá chính ở một trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu lục.

Jia, năm nay 18 tuổi, là ví dụ điển hình của một cầu thủ bóng đá Trung Quốc. Anh bước vào bóng đá thông qua con đường trung học cơ sở - học viện - chuyên nghiệp mà Trung Quốc thiết lập vào cuối những năm 1980.

Cá nhân Jia đến năm 9 tuổi mới bắt đầu chơi bóng cho đội trường học ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Sau đó, Jia gia nhập Shanghai Lucky Star, một học viện bóng đá ở Thượng Hải, cách nhà anh 1.000 km, khi 13 tuổi.

13 tuổi nghe có vẻ trẻ, nhưng nếu thử so sánh với các học viện khác, thì không phải vậy. Vào tháng 10/2021, Arsenal ký hợp đồng với Zayn Ali Salman thời điểm cầu thủ này mới 4 tuổi.

Thế hệ cầu thủ trẻ ở Trung Quốc cũng khó phát triển do áp lực của nền giáo dục đất nước này. Các trung tâm đào tạo bóng đá được dùng vào việc giúp cho bọn trẻ có cơ hội giáo dục tốt hơn. Và tất nhiên, trẻ em ở tầng lớp lao động càng không thể tiếp cận bóng đá theo cách chuyên nghiệp.

Cameron Wilson, biên tập viên của tờ Wild East Football, giải thích: "Không chỉ bóng đá Trung Quốc bỏ lỡ những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động, mà cả tầng lớp trung lưu. Những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động không có tiền, còn những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu không có thời gian. Tôi nói chuyện với các HLV ở Thượng Hải và họ đều trả lời như vậy. Có nhiều đứa trẻ đến chơi bóng nhưng khi lớn lên, có quá nhiều bài tập về nhà và chúng bỏ cuộc".

Mặc dù FIFA xác nhận Trung Quốc có 700.000 cầu thủ được đăng ký toàn cầu, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) tuyên bố con số này chỉ dừng ở mức 8.000, tức chỉ đạt 0,00057% dân số. Nếu so sánh với Nhật Bản, quốc gia có 126 triệu dân, chưa bằng 1/10 Trung Quốc, họ có hơn 800.000 cầu thủ được đăng ký. Ngay cả khi con số của FIFA là chính xác, Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách xa so với các quốc gia khác.

 - Bóng Đá

Giải VĐQG Trung Quốc nhiều lần trì hoãn và không thể diễn ra theo cách thông thường.

Nhiều vấn đề tồn tại

Năm 2009, China Daily đưa tin hai phó chủ tịch CFA, trưởng đoàn bóng đá nữ, HLV trưởng tuyển Olympic và CLB Shanghai Shenhua bị điều tra hoặc bị cảnh sát thẩm vấn vì dàn xếp tỷ số và nhận hối lộ.

“Thế hệ của Jia đang phải gánh chịu nạn tham nhũng vào đầu những năm 2000. Không có bất kỳ loại hình bóng đá trong nước nào đủ tốt, vì vậy điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ cầu thủ tiếp theo," Wilson nói.

Năm 2016, chiến lược đưa bóng đá Trung Quốc lên đỉnh cao thế giới vào năm 2050. Kế hoạch bao gồm tăng số lượng sân và trung tâm đào tạo vào năm 2020 và hơn thế nữa vào năm 2030. Mục tiêu là tuyển nữ được xếp vào hàng đẳng cấp thế giới năm 2030 và tuyển nam trở thành siêu cường quốc bóng đá năm 2050.

Tuy nhiên, cách tổ chức hiện tại của tuyển Trung Quốc có thể gây hại cho cầu thủ trong nước và tác động xấu tới việc ươm mầm tài năng. Thường khi các đội tuyển có lịch thi đấu quốc tế, cầu thủ sẽ tập trung trong một tuần, chơi 1 hoặc 2 trận. Cách thiết lập này phù hợp và cho phép cầu thủ tham dự các trận đấu cạnh tranh ở giải quốc nội.

"Trung Quốc thì khác, khi đội tuyển thi đấu, họ nghỉ 3 tuần, vì vậy đó là một lỗ hổng lớn", Wilson khẳng định. "Bạn có thể cho đó là điều tốt vì đội tuyển tập trung cùng nhau thường xuyên. Nhưng mặt trái là, đó chỉ là một đội hình gồm 23 cầu thủ. Vì vậy, về cơ bản, phần còn lại của bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc sẽ không làm gì cả trong nhiều tuần liền. Nó không thật sự tốt cho bóng đá nói chung".

Mặt khác, giải quốc nội của Trung Quốc hiện không thể diễn ra theo cách thông thường vì chính sách "zero Covid". Tháng 5/2022, có thông tin các cầu thủ Liangjiang Athletic phải chuyển sang nghề shipper giao hàng và lái taxi vì họ đã không được trả lương trong 16 tháng.

Các thành viên của một đội bóng tham dự CSL bao gồm cầu thủ, sẽ sinh hoạt kín trong một khách sạn và hoạt động theo hình thức "bong bóng an toàn" cách ly khỏi xã hội.

Người hâm mộ hầu như không được vào sân. Điều này khiến nhiều CLB khó kiếm tiền từ việc bán vé và doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Wilson, đó là lý do khiến bóng đá Trung Quốc thất bại.

Hiểu Phong - Zing.vn | 18:30 29/06/2022
    Bình Luận