Thách thức cho bóng đá Việt Nam không phải là đi bao xa tại Asian Cup

Bước vào tứ kết Asian Cup là dấu ấn đầu tiên của bóng đá Việt Nam trong năm 2019, nhưng bài toán quan trọng hơn là làm cách nào để duy trì những thành tích này.

Trên trang Goal, cây bút Ooi Kin Fai bắt đầu bài bình luận với nhận định: "Thời gian dài Thái Lan là vầng hào quang số một trong khu vực ASEAN, nhưng hiện tại vị trí ngai vàng của họ bị đe dọa nghiêm trọng bởi đội tuyển Việt Nam."

"Sẽ là thiếu khôn ngoan khi cho rằng chỉ với chiến thắng ở vòng 1/8 Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam đã thay thế Thái Lan trở thành 'vua bóng đá' Đông Nam Á. Thế nhưng, trải qua khoảng thời gian dài, cuối cùng cũng đến lúc 'Voi chiến' phải dành sự tôn trọng cho những thành tích của một quốc gia khác trong khu vực", tác giả viết.

 - Bóng Đá

 Đội tuyển Việt Nam đang viếp tiếp hành trình tham dự Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến.

Chiến dịch Asian Cup 2019 vẫn chưa kết thúc đối với tuyển Việt Nam khi đoàn quân của HLV Park Hang-seo vượt qua Jordan để tiến vào tứ kết giải đấu lớn nhất châu Á.

Thành tích này xuất hiện ngay sau một năm 2018 đầy vinh quang khi bóng đá Việt Nam lọt vào chung kết U23 châu Á, top 4 ASIAD và lần đầu tiên nâng cúp vô địch Đông Nam Á kể từ năm 2008.

Với HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã tìm thấy một nhà cầm quân đưa họ đạt đến tiêu chuẩn của một cấp độ hoàn toàn mới. Nhà đương kim vô địch AFF Cup 2018 không đơn thuần chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi phép màu như những gì mà đội tuyển Hy Lạp đã làm sau khi đoạt cúp châu Âu năm 2004. Tuyển Việt Nam bước vào Asian Cup với lối chơi tự tin trước những đối thủ xếp trên họ nhiều bậc tại bảng xếp hạng FIFA.

Những thành công của bóng đá Việt Nam không phải đến chỉ trong một đêm, mà sự tiến bộ đáng kinh ngạc đã bắt nguồn từ năm 2016 khi Việt Nam lọt vào vòng chung kết U20 World Cup 2017. Tại đây, dù nhanh chóng bị loại ở vòng bảng, đội hình này đã chứng kiến Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài trưởng thành và hứa hẹn đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lúc này dành cho đội tuyển Việt Nam không phải là liệu họ sẽ tiến đến bao xa tại Asian Cup hay có thể đánh bại Nhật Bản hay không. Bởi ngay cả khi đáp án là có thể, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc tuyển Việt Nam chính thức trở thành một trong những nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục.

 - Bóng Đá

 Vô địch AFF Cup là một cái kết đẹp cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018. Ảnh: Thuận Thắng.

Theo nhận định của Goal, những gì bóng đá Việt Nam đang thu được đều đến từ một "thế hệ vàng". Bài toán dành cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần giải đáp, đó là đảm bảo rằng những tiến bộ đạt được trong suốt 3 năm qua không tan thành mây khói khi thế hệ cầu này già đi hoặc giải nghệ.

Thách thức này sẽ tiếp tục thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong châu lục như cách mà bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được trước đó.

Trong khối ASEAN, bóng đá Malaysia cũng đang đi trên con đường tương tự như Việt Nam nhưng với mức độ thành công kém hơn nhiều. Lọt vào tứ kết U23 châu Á, chung kết AFF Cup là thành công của "Harimau Malaya" trong năm 2018, nhưng vẫn còn khá mờ nhạt so với những gì Việt Nam làm được trong cùng các giải đấu đó.

Thời gian trở lại đây, bóng đá Đông Nam Á đang dần định vị được chỗ đứng trên bản đồ châu lục. Ở đó, tuyển Việt Nam đã xây dựng được những dấu ấn rõ nét - thành tích mà đội tuyển như Thái Lan trứ danh cũng phải ngước nhìn, đồng thời trở thành tấm gương để Malaysia phấn đấu trong những năm tới.

Khi đã tiến xa, bóng đá Việt Nam cần nghĩ đến việc làm cách nào để sự phát triển ấy không dừng lại trong tương lai.

Nguồn: Zing.vn
    Bình Luận