Nhìn lại trận đấu Việt Nam vs Nhật Bản: Sự sống từ bóng… chết

“Chúng tôi có thể học hỏi được vài điều từ trận đấu này. Kể từ bây giờ, sức mạnh của Nhật Bản sẽ được cải thiện nếu chúng tôi sửa chữa những sai lầm từ trận gặp Việt Nam”, HLV Hajime Moriyasu nói sau trận ra quân hôm 14/1.

Dám chơi tấn công

Nhà cầm quân của Nhật Bản không hề đãi bôi, cũng không khiêm tốn bởi thực tế, đội bóng của ông đã bị dội một “gáo nước lạnh”. Hai bàn thắng của Đình Bắc và Tuấn Hải từ những tình huống “bóng chết” thực sự mẫu mực. ĐT Việt Nam đã chuẩn bị những phương án chiến thuật khác nhau và thành quả đã đến chứ không hề có sự ăn may. 

Nên nhớ trước trận gặp Việt Nam, đội bóng xứ sở mặt trời mọc đã thắng 10 trận liên tiếp (kể từ tháng 6/2023), nhưng đội bóng duy nhất có thể chọc thủng lưới họ 2 lần là Thổ Nhĩ Kỳ (Nhật Bản thắng 4-2). Những con số đã đề cập phần nào đó cho thấy, ĐT Việt Nam đã chọn được một lối chơi phù hợp trước đối thủ ở đẳng cấp cao hơn.

Trên sân Al Thumama, Việt Nam kiểm soát 42% so với 58% của Nhật Bản. Các học trò của HLV Troussier thực hiện 529 đường chuyền và có tỷ lệ thành công 81,5% (so với 739 đường chuyền, thành công 86,7% của Nhật Bản). Chúng ta có 6 pha kết thúc, 3 trong số này trúng đích và có 2 bàn thắng. Dường như những con số này chỉ diễn ra trong hiệp 1 nhưng nó đã chứng minh, Việt Nam rất chủ động với cách tấn công của mình. Và điểm sáng, những tình huống “bóng chết” đã được tận dụng gần như tuyệt đối. 

Đình Bắc (số 15) đã có pha đánh đầu ghi bàn ngoạn mục vào lưới Nhật Bản

Phòng ngự chưa hoàn hảo, nhưng…

Thêm một con số khiến người ta lo lắng cho Việt Nam, ở 4 trận trước đó, Nhật Bản khiến các đối thủ khiếp sợ vì trận nào cũng ghi 5 bàn trở lên. Không có Mitoma, Kubo chỉ ngồi dự bị nhưng Nhật Bản vẫn sở hữu một hàng tấn công cực mạnh và chơi rất đa dạng.

Thế nhưng, đội bóng của HLV Troussier đã phòng ngự khu vực và hạn chế rất nhiều khả năng tấn công ở hành lang cánh của đối thủ. Chúng ta chỉ để thua ở những tình huống xuất thần hay quá xuất sắc của Minamino hay Nakamura. Nhiều ý kiến cho rằng, Nguyễn Filip chơi không tốt nhưng thực tế, ngoài cú đấm bóng hụt, thủ môn này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và được HLV Troussier dành sự khen ngợi.

Trong số 3 trung vệ, Việt Anh là người chơi tốt nhất. Ngoài tranh chấp tay đôi, phối hợp bọc lót hợp lý, trung vệ này cũng tham gia tấn công hiệu quả mà cụ thể là cú đánh đầu hiểm hóc khiến thủ môn Suzuki đẩy bóng ra và Tuấn Hải có bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1. Người đồng nghiệp Thanh Bình mắc những lỗi cá nhân nhưng có thể hiểu vì vị trí trung vệ phải không phải là sở trường của cầu thủ đang khoác áo Viettel. Trong khi Tuấn Tài được cho là vị trí sẽ bị khai thác nhiều nhất nhưng cầu thủ này đã chơi tương đối tốt trong nhiệm vụ phòng ngự.

Hai hậu vệ biên Minh Trọng và Xuân Mạnh cũng đã chơi đầy nỗ lực nhưng trước những cầu thủ hàng đầu, họ chưa có nhiều cơ hội tấn công. Tất nhiên cũng phải nhắc tới Thái Sơn, Tuấn Anh - những người chơi ở giữa sân. Bộ đôi tiền vệ này đã hoạt động hết công suất, dù chưa như ý nhưng cũng không hề tệ khi đối thủ quá mạnh.

Nói tóm lại, không có gì bàn cãi khi Nhật Bản giành chiến thắng nhưng không vì thế phủ nhận nỗ lực của ĐT Việt Nam. Các học trò của HLV Troussier đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ bởi hàng công dám công, còn hàng thủ dám chơi.

    Bình Luận