Việt Nam học được gì từ trận thua Indonesia?

Chiến lược “cài răng lược” của Indonesia đang mang đến cho bóng đá nước này những dấu hiệu rất tích cực.

Trận thua 2-4 của Việt Nam trước Nhật Bản đã khơi ngợi một niềm cảm hứng to lớn cho Đông Nam Á. Các CĐV khắp nơi gửi những lời có cánh trước màn trình diễn “quá ổn” của thầy trò HLV Troussier. Đối thủ trực tiếp Indonesia cũng trở thành những người anh em thiện lành dù biết, đôi bên sẽ phải “sinh tử chiến”. Ông Chủ tịch LĐBĐ Indonesia, tỷ phú Erick Thohir không ngại ngùng viết tâm thư rằng, các bạn hãy học hỏi tinh thần màu cờ sắc áo của Việt Nam…

Nhiều năm qua, người Indonesia từng xem những thất bại trước Việt Nam như một “thói quen”. Họ bắt đầu hành động để thay đổi “thói quen” và nếp nghĩ đã ăn sâu vào tâm trí của các CĐV. Nền tảng cho sự thay đổi ấy là nhập tịch các cầu thủ có gốc gác Indonesia. Đã có nhiều người cho rằng, đội bóng xứ vạn đảo cũng đi vào vết xe đổ như Malaysia. Không, giữa hai đội bóng này có sự khác biệt hoàn toàn. Sự khác biệt ấy nằm ở chỗ, Indonesia đầu tư cho bóng đá trẻ còn người Mã thì không. 

Văn Khang là một trong những cầu thủ trẻ của Việt Nam

Elkan Baggot (23 tuổi) William Struick (20 tuổi), Ivar Jenner (19 tuổi), Justin Hubner (20 tuổi) được kèm cặp với những đàn anh nhập tịch khác là Jordi Amat (31 tuổi), Sandy Walsh (27). Đến đây sẽ có nhiều người sẽ chợt nhớ ra: À, Indonesia có độ tuổi trung bình trẻ nhất Asian Cup 2023. Một con số còn đáng sợ hơn cả một trận thua, bởi lứa cầu thủ này được dự báo sẽ còn tiến rất xa, chứ không phải quẩn quanh khu vực Đông Nam Á. HLV Shin Tae Yong sẽ dẫn dắt những cầu thủ ở tuổi đôi mươi ấy. Điều lạ lùng, ông Shin từng nhiều lần bị CĐV đòi tống cổ khỏi xứ vạn đảo.

Bóng đá luôn có chu kỳ, hết thịnh rồi… suy và không ai có thể đứng mãi trên đỉnh cao. Việt Nam vẫn còn đó những “người hùng” năm xưa, nhưng cũng phải chuẩn bị cho một chu kỳ mới. Indonesia cho thấy họ đang đi đúng con đường đã chọn nhờ sự kiên định. Có lẽ chúng ta cũng phải kiên định lẫn kiên nhẫn với con đường mới đã chọn. Tất nhiên, muốn nhanh cũng phải từ từ, đôi khi ta phải học Indonesia trong cái cách mà “ông chú” Jordi Amat kèm cặp những đồng đội bằng tuổi con cháu mình. 

Đó không phải thứ “bia kèm lạc” mà là chiến lược “cài răng lược” rất khoa học trong bóng đá.

    Bình Luận