5 điều rút ra sau chiến thắng 2-0 của M.U trước Chelsea

Lần đầu tiên kể từ năm 2012, M.U mới đánh bại được Chelsea trên sân Stamford Bridge, đồng thời biến The Blues trở thành cựu vương của FA Cup. Cùng nhìn lại những điều rút ra từ chiến thắng ấn tượng 2-0 của Quỷ đỏ thành Manchester trước đối thủ nhiều duyên nợ này.
5 điều rút ra sau chiến thắng 2-0 của M.U trước Chelsea
1. Kế hoạch P của M.U
Triết lý tấn công của M.U dưới thời HLV Ole Gunnar Solskjaer dựa rất nhiều vào tốc độ cùng khả năng đi bóng lắt léo của Marcus Rashford, Anthony Martial và Jesse Lingard cho mặt trận tấn công.

Sơ đồ kim cương cũng là chìa khóa thành công của M.U và nó dựa rất nhiều vào những cầu thủ tấn công tốc độ. Khi mà Martial và Lingard chấn thương rời sân trong hiệp 2 trận đấu với PSG tại vòng 1/8 Champions League giữa tuần trước, M.U trở nên nhạt nhòa hơn.


Ở trận đấu đêm qua, việc Lingard và Martial cùng vắng mặt khiến HLV Solskjaer phải có những điều chỉnh về chiến thuật cũng như nhân sự. Kế hoạch B của chiến lược gia người Na Uy được mang tên 'kế hoạch P' với nhân tố mang tới thành công là Paul Pogba. Cầu thủ đắt giá nhất lịch sử đội bóng đã tỏa sáng với 1 đường kiến tạo và 1 bàn thắng.

HLV Solskjaer bố trí sơ đồ 4-3-1-2 với tiền vệ Juan Mata đá hộ công cho cặp tiền đạo Marcus Rasford và Romelu Lukaku. Tuy nhiên chiến lược gia 45 tuổi lại yêu cầu 2 tiền đạo thường xuyên đá dạt cánh và tạo cơ hội cho những tiền vệ băng lên từ tuyến 2 và xâm nhập vòng cấm thường xuyên. Kết quả đã được kiểm chứng, Herrera và Pogba là những người ghi bàn chứ không phải các ngôi sao trên hàng công.

2. Kepa không phải là thủ môn đẳng cấp
Thủ thành người Tây Ban Nha là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới dành cho 1 thủ môn, khi chuyển đến Chelsea từ Bilbao với mức phí 71,6 triệu bảng. Tuy nhiên những gì mà cầu thủ thủ này thể hiện từ thời điểm đặt chân tới sân Stamford Bridge là không tương xứng với khoản tiền khổng lồ mà Chelsea trả cho mình.


Kepa không mắc lỗi trong cả 2 bàn thua của Chelsea đêm qua, khi những cú đánh đầu của Herrera và Pogba là rất hiểm hóc. Tuy vậy, nếu là một thủ môn đẳng cấp thế giới, thủ thành 24 tuổi người Tây Ban Nha hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

3. Herrera luôn thăng hoa khi đối đầu Chelsea
Herrera không phải là cái tên quá xa lạ với những người hâm mộ Chelsea cũng như cá nhân tiền vệ Eden Hazard của đội bóng thành London. Dưới triều đại của cựu HLV Jose Mourinho, Herrera không thường xuyên được sử dụng, nhưng bất cứ trận đối đầu nào với Chelsea, cầu thủ người Tây Ban Nha đều được ra sân. Mục đích duy nhất của Mourinho là dùng Herrera bắt chết Hazard, đeo bám ngôi sao của Chelsea như hình với bóng, ở bất cứ vị trí nào trên sân.


Dưới thời Solskjaer, Herrera đã được sử dụng thường xuyên hơn ở hàng tiền vệ của M.U và cựu cầu thủ Bilbao đang thể hiện rất tốt. Trận đấu đêm qua, Herrera đá tiền vệ lệch phải và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phong tỏa tầm hoạt động của Hazard bằng lối chơi rất rát. Bên cạnh đó, điểm khác của Solskjaer là ông cho phép Herrera thoải mái dâng cao khi có cơ hội. Chính điều này đã mang đến lợi thế cho M.U, khi Herrera có pha xâm nhập vòng cấm và đánh đầu chính xác mở tỷ số trận đấu.

4. Sarri-ball thành Sarri-fail
Triết lý Sarri-ball của HLV Maurizio Sarri đề cao khả năng kiểm soát và luân chuyển trái bóng trên sân. Trận đấu đêm qua họ vẫn thực hiện rất tốt điều đó với tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 67% và cũng thực hiện nhiều đường chuyền hơn (843 so với 513). Thế nhưng, sự nghèo nàn ý tưởng tấn công khiến Chelsea không tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm trước khung thành Sergio Romero, dù rằng Hazard hay Gonzalo Higuain đã thi đấu rất nỗ lực.


Sarri-ball của Sarri lúc này biến thành Sarri-fail, khi mà chiến lược gia người Italia chưa thể tìm ra cách khắc phục do bị đối phương bắt bài. Những sự thay thế nhân sự của ông không tạo ra được sự đột biến nào, bởi các cầu thủ trên băng ghế dự bị cũng chỉ vào sân và thi đấu với cùng triết lý đó. Ở trận đấu đêm qua, Willian thay Pedro, Ross Barkley thay Mateo Kovacic ở hiệp 2, nhưng cũng chẳng để lại dấu ấn nào.

Sự mất phương hướng của Sarri còn tới từ việc ông rút đội trưởng César Azpilicueta khỏi sân nhường chỗ cho Davide Zappacosta, một cầu thủ chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng hỗ trợ tấn công. Chính điều này khiến khắp các khán đài sân Stamford Bridge không ngớt những câu la ó, thậm chí xúc phạm.

5. Rashford là chìa khóa thành công
Tốc độ của Rashford như đã đề cập ở trên, là điều không phải bàn cãi. PSG biết rất rõ điều đó và phong tỏa thành công ngôi sao trẻ người Anh ở trận đấu giữa tuần trước. Tuy nhiên, Chelsea lại không thế, khi triết lý Sarri-ball đề cao kiểm soát bóng vô hình trung đã tạo ra không gian để Rashford thực hiện những tình huống bứt tốc để đón các pha chuyển bóng phản công nhanh của đồng đội.


Là một tiền đạo cắm trong sơ đồ 2 tiền đạo ban đầu, nhưng Rashford thường xuyên đá dạt cánh và hút được hàng thủ Chelsea, tạo khoảng trống cho các đồng đội băng lên. Sau rất nhiều pha bóng làm khổ các hậu vệ đội chủ nhà, Rashford rốt cuộc cũng ghi dấu ấn ở cuối hiệp 1. Pogba xẻ cánh chính xác để Rashford băng lên và dốc thẳng xuống sát đường biên ngang trước khi tạt bóng chính xác để "số 6" xâm nhập vòng cấm đánh đầu chính xác ấn định chiến thắng.
    Bình Luận