Ai thích theo dõi những chuyện bên lề của bóng đá Anh, sẽ dễ dàng nhận ra tình trạng sau đây trên những báo “lá cải”: cầu thủ nào ở Premier League cũng đều dễ dàng được gọi là... ngôi sao. Đấy là nền bóng đá có tính giải trí cao nhất thế giới. Bóng đá Anh khi nào cũng nhộn nhịp, sôi động, bất kể đẳng cấp chuyên môn của nó như thế nào.
Về giá trị chuyên môn của bóng đá Anh, cựu HLV Alex Ferguson có câu bất hủ mà giới thạo tin không bao giờ quên. Trong một lần “lên dây cót” cho các cầu thủ M.U, Ngài Alex vừa cười vừa nói một cách nhẹ nhàng: “Đấy chỉ là Tottenham thôi mà”. Cứ như ông thật sự thấy ngạc nhiên vì sao các cầu thủ M.U lại tỏ ra căng thẳng, và phải lập tức nhắc họ về một điều căn bản nhất.
Vâng, chỉ là Tottenham thôi mà! Thời gian gần đây, M.U của Jose Mourinho đã thắng ngược sau khi bị dẫn đến 2 bàn trên sân của Man City. Họ cũng từng thắng ngược trước Chelsea của bậc thầy chiến thuật Antonio Conte. Vậy thì, đâu có gì lạ khi M.U lại thắng ngược sau khi bị Tottenham dẫn trước từ ở phút 11. Cần lưu ý: bị dẫn bàn càng sớm thì khả năng thắng ngược càng cao, do còn nhiều thời gian.
Xin được nói thêm một tí ngoài lề. FIFA đành khai tử luật “bàn thắng vàng” ở đấu trường World Cup vì cái luật ấy không chỉ làm cho cuộc chơi... dở hẳn, mà nó còn có tính chất phản bóng đá, nói chung là quá ngờ nghệch. Chẳng lẽ FIFA không biết rằng môn bóng đá luôn hấp dẫn, đầy kịch tính, nhờ khả năng chiến thắng của đội bị dẫn điểm? Ai còn thấy lạ khi đội chiến thắng là đội thủng lưới trước, tốt nhất nên chọn môn khác để xem.
HLV Jose Mourinho nói đúng - nhưng chỉ đúng phần nào - khi cho rằng M.U của ông đã bị chỉ trích hơi nhiều. Họ sẽ kết thúc Premier League ở vị trí nhì bảng (điều này gần như chắc chắn). Họ đã thắng mọi đối thủ ở Premier League mùa này. Và họ đã vào chung kết FA Cup.
Về chiến thuật, Mourinho bỏ qua sức trẻ của Anthony Martial và Marcus Rashford để có chỗ cho kinh nghiệm trận mạc của Alexis Sanchez, và đấy là quyết định dẫn đến chiến thắng vừa qua trước Tottenham. Việc Sanchez (và cả Paul Pogba) vừa chơi thành công, cũng như M.U thường xuyên thắng ngược trước các đối thủ mạnh, cho thấy nội bộ M.U đâu có rạn nứt như những tin đồn trên mặt báo. Nếu có “chiến tranh lạnh”, người ta không thể thắng ngược nhiều lần như thế. Đúng là báo giới đã chỉ trích M.U quá nhiều so với thực tế.
Nhưng, đấy là việc của báo giới và là đặc điểm rõ nét của bóng đá Anh - nền bóng đá được thể hiện trên mặt báo nhiều không kém gì trên sân cỏ. Khi Sanchez mờ nhạt và vẫn chiếm chỗ của các ngôi sao trẻ xuất sắc, giới quan sát chỉ trích cách dùng người của Mourinho. Khi anh thành công, người ta khen hay. Công bằng đấy chứ, ngài Mourinho! Cũng vậy, người ta chỉ trích hình ảnh nhạt nhòa trong lối chơi của M.U, chứ không chỉ trích thứ hạng.
Chỉ còn một bước nữa thôi, thắng nốt trận chung kết, M.U sẽ kết thúc một mùa bóng “xem được”, và Mourinho sẽ đi vào lịch sử với tư cách HLV thứ ba trong lịch sử 146 năm của FA Cup đưa được hai đội khác nhau lên ngôi vô địch. Trong hai người trước thì một là HLV huyền thoại Herbert Chapman (Huddersfield, Arsenal). Một là Billy Walker (Sheffield Wednesday, Nottingham Forest, với 2 lần đoạt cúp cách nhau những 24 năm). Bấy nhiêu cũng đã là oanh liệt rồi, Mourinho còn phải bận tâm những lời chỉ trích làm gì.
Điều quan trọng là, cứ phải thắng nốt trong cuộc chiến cuối để xây đắp huyền thoại. Khi ấy, những tràng khen ngợi chắc chắn sẽ ập xuống như mưa. Mourinho vừa thắng Mauricio Pochettino. Nhưng, hãy mượn ý Ferguson ngày xưa: “Chỉ mới là Pochettino thôi mà!”.
Bình Luận