Pep: "Muốn trưởng thành, phải học cách sống với nỗi đau"

Với Pep Guardiola, đôi khi người giỏi nhất không phải người giành chiến thắng chung cuộc. Và một lúc nào đó, đội bóng của bạn sẽ giành trọn 3 điểm dù chơi tệ hơn đối phương. Đó là bài học lớn nhất Pep rút ra trong mùa giải 2018/19 mà theo ông là hấp dẫn nhất lịch sử.
Pep: "Muốn trưởng thành, phải học cách sống với nỗi đau"

Động lực 100 điểm 

“Phải làm gì khi đạt 100 điểm? Quả thật, câu hỏi ấy cứ văng vẳng trong đầu tôi sau danh hiệu Premier League 2017/18. Duy trì động lực là công đoạn khó khăn nhất của nghề bóng đá bởi đó là thời điểm bạn đã chủ động thả lỏng cơ thể sau nhiều tháng trời căng cứng”, Pep bắt đầu bài trả lời phỏng vấn với BBC.

“Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm cảm giác ấy. May mắn thay càng gắn bó trên hành trình này, tôi càng nhận ra sự vĩ đại của tập thể mà mình đang sinh hoạt cùng. Họ không chỉ là những cầu thủ giỏi chuyên môn mà trên hết, là những nhân cách lớn trong đời sống bóng đá tôi từng biết đến nhiều năm qua”, Pep tán dương các thành viên của Man City. 

Pep cho rằng, rồi một lúc khán giả nhận ra đội bóng đã lâu không có danh hiệu sẽ dễ vô địch hơn là CLB đứng trên đỉnh cao nhiều năm liền. Man City, trong con mắt của Pep, đã phải làm việc cật lực để bảo vệ thành quả đã gặt hái cách đây 1 năm. 


Khi càng thắng nhiều, con người càng chủ quan. Đấy là logic của phản ứng tâm lý. Loài người hàng ngàn năm nay đều đi qua diễn biến như vậy. Càng ở thế cửa trên, bạn càng để lộ ra sai số. Hơn ai hết, Man City thấm thía triết lý sống ấy. Đã có giai đoạn, họ bị Liverpool bỏ xa 7 điểm. 

Nhưng rồi, sự miệt mài, tận tụy và cả may mắn song hành cũng cho ra trái ngọt. Gần 5 tháng, ban huấn luyện Man City không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Chờ cầu thủ tập xong, phòng kỹ thuật sẽ xuất băng hình cho Pep và cộng sự nghiên cứu. 

“Hằng ngày, tôi đều phân tích trận đấu, cố gắng tìm ra khuyết điểm của hệ thống và khắc phục nó. Cái khó của việc này là tôi đã ở cùng đội 3 năm, cầu thủ hiểu bài tập nên thoạt nhìn, họ chơi bóng như những cỗ máy lập trình sẵn vậy. Nhưng phải đi vào tiểu tiết, phải rất chú ý tới hành vi của từng người mới biết à trận hôm nọ, mình sai ở chỗ này chỗ kia”, Pep bộc bạch. 

Trường đời, đấu trường khốc liệt 

Sau 1 tháng, Pep vẫn chưa nguôi ngoai thất bại cay đắng ở tứ kết Champions League. Ông thừa nhận cảm thấy rạo rực và hồ hởi trước viễn cảnh 60.000 khán giả nhà chứng kiến Man City vào bán kết. Nhưng không, khoảnh khắc thiên tài của Llorente và bàn thắng của Sterling bị từ chối do lỗi việt vị đã giết chết 6 vạn trái tim đứng ở Etihad hôm đó. Lại một năm qua đi, Man City là kẻ học việc ở Champions League. 


Trong phòng thay đồ, Pep đã an ủi các học trò. Nhưng ông không dặn mọi người hãy quên đi thất bại ấy. Muốn trưởng thành, phải vứt đi khuôn mặt đáng thương, trở nên gai góc và sẵn sàng đương đầu với chông gai. Sống chung với nỗi đau, tự mình dằn vặt nỗi đau ấy để luôn nhận thức được, chiến thắng là con đường duy nhất. 

“Bóng đá là một dạng trường học xã hội. Ở đó, các công thức hay định lý không còn đúng đắn nữa. Bạn bước vào thế giới đó và đừng hy vọng sẽ nhận lại sự đối xử tử tế. Đời không cho bạn cái bạn muốn, chỉ có đôi chân của chúng ta tự lê bước đi tìm vinh quang”, Pep đúc kết kinh nghiệm sau 3 năm liền dừng bước sớm tại giải đấu danh giá nhất cấp CLB. 

Công thức chiến thắng 

Ngồi xuống và nhìn lại mùa giải, Pep chợt nhận ra một điều: Bước ngoặt của mùa giải lại đến từ… sở đoản của Man City. Trong trận đấu gặp Leicester, Man City gần như không có cơ hội. Thế rồi, Kompany tung cú sút từ khoảng cách 30m. Pep thừa nhận ông chẳng bao giờ cho Kompany tập sút, cũng chưa từng nghĩ đội bóng này có thể dựa vào sút xa. 

Lần gần nhất Kompany sút trúng đích đã diễn ra cách đây 7 năm, trong trận đấu gặp Crystal Palace. “Bóng đá là thế đấy. Man City chơi dưới sức, không phát huy sở trưởng kiểm soát chuyền ngắn nhưng vẫn giành 3 điểm nhờ một trung vệ cả đời không sút bóng”, Pep thẳng thắn thừa nhận vận may đã đứng về phía ông. 


Những chiến thắng xấu xí là một phần của bóng đá. Nó không đơn thuần nhằm phục vụ mục đích điểm số hay danh hiệu. Chỉ đơn giản, là nó giúp bạn tái tạo động lực. Một trận thắng “ăn may” sẽ thôi thúc HLV, cầu thủ và toàn đội quay trở về quỹ đạo cũ. 

FA Cup là giải đấu cuối cùng trước khi xả trại, trả cầu thủ về những bãi biển đầy nắng gió bên cạnh gia đình họ. Còn Pep, có lẽ ông đã lên kế hoạch cho mùa giải mới. “Bởi cơn nghiện công việc, cơn nghiện danh hiệu là ngọn lửa tuôn trào thôi thúc tôi tiến lên phía trước”, Pep kết thúc bài trả lời phỏng vấn BBC. 

Tiền nhiều để làm gì? 
Trước lập luận “Pep luôn chọn các đội bóng nhiều tiền để huấn luyện”, HLV người Tây Ban Nha phản pháo chính Man City trước thời điểm ông tới cũng đã tiêu nhiều tiền như một thói quen, nhưng cũng chưa thể tạo ra dấu ấn đặc biệt. “Cũng là đồng tiền, vào tay mỗi người sẽ cho sản phẩm đầu ra khác nhau. Tiền nhiều là tốt, nhưng nhiều mà không biết tiêu thì cũng vô nghĩa”, Pep khẳng định. 
    Bình Luận