Người Anh tự hào là cha đẻ của bóng đá nhưng thành tích so với người Đức thì đúng là một trời một vực. Đức vô địch World Cup, EURO nhiều không đếm xuể nhưng Anh mới chỉ vô địch World Cup được 1 lần vào năm 1966, khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà, và đánh bại Đức bằng bàn thắng gây tranh cãi đến tận bây giờ.
Rồi người Anh lại ghét người Đức ở World Cup 2010 khi mà bàn thắng của Frank Lampard bay vào lưới ĐT Đức cả mét nhưng vẫn bị trọng tài từ chối, dẫn tới việc Anh bị loại và cáo chung cho cả một thế hệ vàng, nhưng là vàng mỹ kim, vàng không có hoá đơn mua bán.
Nhưng rồi, ghét thế chứ ghét nữa, người Anh vẫn phải dùng người Đức. Cựu danh thủ Jurgen Klinsmann là ngôi sao Đức đầu tiên chinh phục được tình yêu của đảo quốc sương mù và giải Premier League. Rồi Jurgen Klopp là HLV Đức đầu tiên giúp Liverpool vô địch Premier League (cũng lần đầu tiên) và Champions League.
Ngay cả Thomas Tuchel, người sẽ ngồi lên ghế HLV ĐT Anh từ ngày 1/1/2025 và trở thành người Đức đầu tiên làm được chuyện này, cũng từng giúp Chelsea vô địch Champions League vào năm 2021. Chưa kể đến sự giao thoa huyết thống khiến cầu thủ Đức khoác áo ĐT Anh, còn cầu thủ Anh lại khoác áo ĐT Đức.
Bóng đá giờ đã nhạt nhoà phong cách và các đường biên giới. Thế nên, cái gọi là kẻ thù “bất cộng đái thiên” chỉ là câu chữ lừa đảo của đám dân tuý theo chủ nghĩa địa phương chủ nghĩa, quốc gia dĩ thượng mà thôi. Bởi đến ngay cả linh cữu chở nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng là xe của hãng Mercedes (Đức) nữa là.
Khi điều này xảy ra, những tưởng đây là một cú đấm trực tiếp vào lòng tự hào và tính bảo thủ của người Anh. Vốn dĩ người Anh và Đức cũng kình nhau về công nghệ, công nghiệp ô tô, nước nào cũng sở hữu vài thương hiệu khét tiếng nhất thế giới cả.
Thế nhưng, những chiếc xe tự hào của người Anh như Aston Martin (gắn liền với điệp viên 007 James Bond), Roll Royce (biểu tượng của Hoàng gia Anh), Jaguar, Land Rover… đều trở thành “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.Thương hiệu vẫn còn đấy nhưng chủ sở hữu lại là nước khác, ví dụ như hãng Tata của Ấn Độ.
Nên nhớ, Ấn Độ là thuộc địa của Anh, nhưng bây giờ lại sở hữu nhiều tài sản của Anh. Việc dùng xe của một hãng xe ở thuộc địa để chở linh cữu Nữ hoàng nghe có vẻ sai sai về đẳng cấp, thế nên thà dùng xe của Đức còn hơn.
Ở đời, hễ ghét của nào là trời trao của đó, muốn chối cũng không được. Do vậy, việc Tuchel có trở thành ông chủ của Tam sư thì cũng là điều dễ hiểu. Đến Nữ hoàng là bậc quân chủ còn giá hạc du tiên bằng xe Mercedes Benz E-Class nữa là.
Tuy nhiên, Tuchel sẽ bị cánh truyền thông Anh "soi mói cho bằng chết" nếu như không sớm cho thấy hiệu quả. Bởi ĐT Anh chưa bao giờ là mảnh đất lành với cả những HLV người Anh.
Bình Luận