Tháng 1/2014, Lukaku được hàng loạt tờ báo xếp hạng nằm trong top 10 cầu thủ trẻ sáng giá châu Âu. Đáng tiếc, sau quả penalty đá hỏng trong trận tranh siêu cúp châu Âu trước Munich, anh bị Chelsea đem cho mượn sang Everton và sau đó được đội bóng Merseysides mua đứt với giá 28 triệu bảng. Hè năm ngoái, MU bỏ ra số tiền khổng lồ lên đến 90 triệu bảng để có được tiền đạo người Bỉ - gấp 3 lần những gì Chelsea từng nhận được khi bán Lukaku.
Salah là một trường hợp tương tự. Cầu thủ Ai Cập vừa chân ướt chân ráo đến với Stamford Bridge đã bị đem cho mượn sang Fiorentina và sau đó được AS Roma mua lại với giá 11 triệu bảng vào mùa hè 2016. Một năm sau đó, Liverpool trả cho Roma gần 45 triệu bảng để đưa về ngôi sao sáng nhất của họ ở mùa giải này.
Với De Bruyne, tiền vệ người Bỉ đã có một bước tiến nhanh đến khó tin. Cách đây 4 năm, hiếm CĐV Chelsea nào tin nổi anh có khả năng đạt đến đẳng cấp chơi bóng tiệm cận thế giới như hiện tại. Khi De Bruyne ghi bàn thắng duy nhất giúp cho Man City vượt qua Chelsea ở trận lượt đi Premier League diễn ra trên sân Stamford Bridge mùa này, Mourinho bị mang ra chế giễu.
Vấn đề với cả 3 cầu thủ ở trên là họ đều không có được chỗ đứng dưới thời Mourinho, rời Chelsea và sau đó bằng nỗ lực đã khẳng định được tiếng nói của mình trên bản đồ bóng đá thế giới.
Mùa 2013/2014, De Bruyne và Salah ngồi mòn kiếp trên ghế dự bị còn Lukaku sang Everton, Chelsea không vô địch Premier League nhưng sở hữu kỷ lục bất bại trước các đội nằm trong top 6 và vào đến bán kết Champions League.
Trong mùa giải 2014/2015, một Chelsea không có sự phục vụ của cả Salah, De Bruyne giành cú đúp danh hiệu Premier League và Capital One Cup. Rõ ràng, không có họ, Chelsea của Mourinho vẫn sống khỏe, sống béo tốt và gặt hái được những thành công.
Thời điểm ấy ở khu trung tuyến, Oscar là một hình mẫu cần cù, nhiệt huyết và hiệu quả hơn rất nhiều so với De Bruyne. Còn với Salah, anh không có cửa để cạnh tranh với Schurrle, Hazard và cả Willian nữa. Còn Lukaku, anh lại không hợp ý Mourinho về thái độ thi đấu, Mourinho cực ghét những cầu thủ có tài nhưng lười biếng và không nỗ lực cầu tiến.
Mourinho hoàn toàn không có lỗi, ông chỉ cố gắng sử dụng những cầu thủ tốt nhất, phù hợp nhất với hệ thống bóng đá mình xây dựng. Sự ra đi của bộ 3 cầu thủ cũng không đến từ quyết định của Mourinho. Kể từ mùa giải 2012/2013 khi cựu GĐKT Emenalo lên nắm quyền. Chelsea bắt đầu lao đầu vào guồng quay kim tiền xung quanh những cầu thủ trẻ. Họ không đơn thuần ngắm đến các mầm non để cung cấp sức mạnh cho đội một nữa, mà họ dùng các cầu thủ trẻ để kinh doanh.
Ai đá hay thì được lên đội một, ai ở mặt bằng dưới thì cho mượn rồi bán nếu được giá. Các cầu thủ trẻ phải sống trong một môi trường mà họ chỉ biết nỗ lực hết mình còn tương lai đơn thuần là dấu chấm hỏi đầy mơ hồ. Cuộc sống ở Cobham giống như một lò xay, bạn còn trẻ, bạn không phát triển nhanh, bạn sẽ bị nghiền nát bởi chính sách của CLB. Salah, Lukaku và Bruyne không ngoại lệ.
Mourinho không phải nhà quản lý, ông chỉ là một HLV được trả lương để làm việc. Vấn đề HLV không được mua bán cầu thủ theo chiến lược riêng của mình không còn mới ở Chelsea. Conte hiểu rõ nhất điều này. Hãy tưởng tượng nếu bộ 3 này ở lại, ngồi mòn ghế dự bị và quẩn quanh mãi những ảo tưởng về danh xưng “thần đồng”, “cầu thủ trẻ tiềm năng”… và sẽ không bao giờ đạt đến tầm vóc của hiện tại. Họ sẽ chết dần chết mòn trong một môi trường không có chữ “từ từ”...
Vấn đề của Chelsea, sự hà khắc của Mourinho ngày ấy đối với họ chính là cú đánh động tâm lý đúng thời điểm để để sự tự ái đó biến thành bản lĩnh của những cầu thủ đẳng cấp thế giới ngày hôm nay. Sự đào thải và vươn lên là một phần của cuộc sống. Mourinho không có lỗi. Cũng không có một nuối tiếc nào ở đây cả.
Bình Luận