14 năm trước, Mourinho và Benitez đã tạo nên một cuộc cách mạng chiến thuật thực sự với bóng đá Anh. Bộ đôi này đã giới thiệu với giới mộ điệu xứ sở sương mù một hệ thống chiến thuật mới lạ từ cách tổ chức các vị trí trên sân cho đến tư duy tiếp cận trận đấu.
Mourinho không tin vào những điều hoàn hảo, ông cho rằng càng cầm nhiều bóng thì càng dễ mắc sai lầm. Vì thế, Mourinho tổ chức một hàng thủ trứ danh, hạn chế tối đa sai sót của bộ tứ hậu vệ và chờ đối phương mắc sai lầm. Benitez bị chỉ trích vì thay đổi 180 độ bản sắc thi đấu của Liverpool, ông thích tổ chức phòng ngự khu vực, tận dụng triệt để những tình huống phối hợp bóng chết và xoay tua nhiều nhất có thể để giữ sức cho cầu thủ trên nhiều mặt trận khác nhau.
Chelsea vô địch Premier League trong hai mùa giải liên tiếp (2004/2005 và 2005/2006), còn Benitez giúp Liverpool lên ngôi ở Champions League 2005 đã cho thấy cải tiến của cả hai từng rất thành công.
Trong những năm gần đây, Premier League vẫn tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của lối đá phản công. Từ kiểu nằm sâu chờ đối phương mắc sai lầm như Mourinho ngày trước, giờ đây Klopp và Pochettino chủ động tạo ra áp lực cao bằng lối đá áp sát trên khắp mặt sân để tìm kiếm sai lầm của đối phương.
Chức vô địch Premier League 2017 của Chelsea chứng kiến tỉ lệ kiếm soát bóng trung bình của đội bóng London dừng ở mức 53%. Trước đó một năm, Leicester của Ranieri thậm chí chỉ có con số khiêm tốn ở mức 40%. Triết lý “giữ nhiều bóng là thượng sách” tưởng như đã chết nếu Manchester City của Pep Guardiola không vô địch Premier League mùa này.
Pep Guardiola đã đến và thực sự để lại dấu ấn. Pep thích dùng những thủ môn có khả năng chơi chân tốt, đội hình của ông từ hàng thủ cho đến hàng tiền đạo đều là những cầu thủ chuyền bóng tốt, có óc sáng tạo cao và phải đá được đa năng nhiều vị trí. Với Pep, có bóng là lẽ sống. Mùa giải này, tỉ lệ kiểm soát bóng trung bình của Man City là 71% - con số kỉ lục mà Premier League từng ghi nhận.
Thành công của Man City khiến một bộ phận phê phán cách đá của The Citizens mùa trước phải ngậm miệng, dù thực tế ông sẽ khó lòng thay đổi lối chơi và cách tiếp cận của phần lớn các đội bóng Anh như từng làm ở Đức. Ít ra, Pep chưa thay đổi được phần cứng, nhưng về phần mềm, chỉ trong 2 mùa giải ngắn ngủi, một bộ phận người xem bóng đá đã phải thay đổi định kiến “triết lý của Pep khó sống ở Premier League” họ từng có khi xem City đá mùa trước.
Xem triết lý xây dựng lối đá của Pep:
Bình Luận