Manchester United và Adidas đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích cực kỳ dữ dội từ phía dư luận sau khi họ công bố giá tiền cho một bộ áo đấu mùa sau của câu lạc bộ lên đến 193 bảng Anh. Đối với người hâm mộ, con số đó chẳng khác nào "một nỗi ô nhục".
Manchester United đã cho ra mắt bộ áo đấu sân nhà mùa giải 2018/2019 vào hôm qua. Được biết, mẫu áo đấu lần này lấy cảm hứng từ đội bóng tiền thân của Manchester United 140 năm trước - đội bóng đoàn tàu Newton Heath và đó là nguyên nhân dẫn đến việc áo đấu của Quỷ đỏ mùa sau sẽ có thêm vài sọc đen trên đấy.
Một bộ trang phục "đích thực" và được tự hào là làm với "công nghệ cao cấp", "phù hợp với hoạt động thể thao" mà những cầu thủ của Jose Mourinho sẽ mặc khi thi đấu ở Old Trafford mùa tới, có giá lên đến 109,95 bảng (chỉ có áo), thêm 42,95 bảng tính cả quần và nếu mua thêm vớ, người hâm mộ phải chi thêm 29,95 bảng nữa.
Bảng giá ban đầu dành cho bộ áo đấu sân nhà mùa sau của MU phân theo các lứa tuổi
Bộ tiêu chuẩn - người lớn
Áo: 109,95 bảng
Quần: 42, 95 bảng
Vớ: 29,95 bảng
Tổng cộng: 182,85 bảng
Bộ bình thường - người lớn
Áo: 64,95 bảng
Quần: 34,95 bảng
Vớ: 16,95 bảng
Tổng cộng: 116,85 bảng
Bộ cho trẻ em (7 đến 16 tuổi)
Áo: 49,95 bảng
Quần: 24,95 bảng
Vớ: 16,95 bảng
Tổng cộng: 91,85 bảng
Bộ mini kit dành cho trẻ nhỏ
Chưa đủ 18 tháng - 37,95 bảng cho cả áo, quần và vớ
Từ 18 tháng đến 6 tuổi - 44,95 bảng cho cả áo, quần và vớ
Khi tên và số áo được thêm vào, giá trị tổng cộng cho một bộ trang phục tiêu chuẩn sẽ lên đến 192,85 bảng (gần 6 triệu đồng tiền Việt).
Bộ trang phục nhái (cũng do Adidas sản xuất nhưng có thể dùng chất liệu không tốt bằng bộ tiêu chuẩn và có thể sẽ không có tên cũng như số áo) có giá 126,85 bảng cho người lớn, 109,8 bảng cho trẻ từ 7 đến 16 tuổi và 44,95 cho bộ mini kit.
Phía United đã lên tiếng cho biết giá thành như thế này được đưa ra bởi các nhà bán lẻ và gần như tương đương với các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu khác.
Quả thật, nếu nhìn sang gã hàng xóm Manchester City, đội bóng có hai phiên bản áo đấu được sản xuất bởi Nike, giá cho một chiếc áo đấu tên "Vapor" cũng lên đến 89,95 bảng. Nếu tính toàn bộ, tức là thêm một chiếc quần "Vapor" và tên cũng như số áo, tổng số tiền mà người hâm mộ phải chi cho một bộ trang phục của Man xanh mùa sau là 169, 86 bảng.
Một chiếc áo đấu của tuyển Anh cũng có giá tương tự - 89,95 bảng - trong khi mẫu áo tiêu chuẩn của Arsenal do Puma chịu trách nhiệm thiết kế và dùng chung loại chất liệu với những mẫu áo khác - có giá 100 bảng.
Loại áo đấu mắc nhất của Liverpool do New Balance sản xuất, có giá 70 bảng. Áo sân nhà khi thi đấu ở đấu trường châu Âu là 60 bảng và một bộ cho trẻ sơ sinh là 40 bảng.
Justine Roberts - người sáng lập và đồng thời cũng là giám đốc điều hành của một trang web nuôi dạy con, lên tiếng chỉ trích đội bóng đang khai thác quá nhiều từ người hâm mộ.
Bà cho biết: "Những câu lạc bộ bóng đá tăng mức giá dành cho các bộ áo đấu cho thiếu niên lên cao hơn mỗi mùa. Những bậc phụ huynh rất vui khi thấy con mình yêu thích bóng đá nhưng cái giá để giúp con mình trở thành một cổ động viên chính thức là quá sức đối với nhiều người."
"Đó là một điều đáng hổ thẹn khi các câu lạc bộ muốn làm tăng doanh thu bằng cách khai thác từ những người ủng hộ nhỏ nhất của đội bóng."
Một cổ động viên của MU và là cha của hai đứa trẻ - ông Gareth Asomaning cho biết cái giá đó là một sự "tai tiếng". "Năm ngoái, chúng tôi đã tốn hết 170 bảng cho các bộ áo đấu" - ông nói.
Asomaning, một cổ động viên khác cho biết: "Đứa nhỏ nhất của tôi, Hugo, sáu tuổi nhưng nó khá lớn người và vì thế, bộ mini không thể vừa với nó. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chi nhiều hơn (cho một chiếc áo người lớn hoặc thiếu niên) và tôi cá là có hàng ngàn trường hợp tương tự ngoài kia giống chúng tôi."
"Tôi nghĩ năm sau có lẽ mọi thứ sẽ lên đến 300 bảng. Đó là một nỗi ô nhục."
Asomaning cũng bác bỏ quan điểm rằng những bậc phụ huynh chỉ cần đơn giản từ chối mua áo đấu cho những đứa trẻ là được: "Đi mà nói với những ông bố bà mẹ có hai đứa trẻ cực kỳ yêu bóng đá thử đi rồi biết."
"Trước đây thì áo đấu mới chỉ ra mới 2 năm 1 lần, giờ là cứ mỗi năm lại thêm một bộ áo mới, đúng là một trò hề."
"Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi chúng ta phải suy nghĩ tới những trận đấu, nói đúng hơn là việc phải trả các khoản phí truyền hình để có thể theo dõi được đầy đủ các trận đấu."
"Năm nay, với Sky và BT, chúng tôi đang quan tâm đến việc phải trả 125 bảng mỗi tháng để có được gói truyền hình đầy đủ. Tôi muốn đưa Hugo đến xem trực tiếp vài trận đấu nếu chúng tôi có thể và nếu trở thành thành viên, chúng tôi có thể mua vé với giá chỉ 60 bảng."
Anh cũng cho biết MU nên nhận thức tốt hơn về vấn đề tài chính của các cổ động viện.
"Họ đã ký những bản hợp đồng đáng kinh ngạc với adidas và sau đó hãng này cố gắng thâu lại thật nhiều từ túi người hâm mộ."
"Vấn đề trở nên tồi tệ hơn ở chỗ, Hugo nhà tôi rất thích Ronaldo và giờ tôi cần mua cho cậu bé một chiếc áo khác của Juventus!"
Richard Arnold, giám đốc quản lý của Man United cho biết: "Có rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử câu lạc bộ nhưng không gì có thể qua được ngày đầu tiên câu lạc bộ được thành lập - năm 1878. Mẫu áo lần này dành một sự ngưỡng mộ lớn đến năm đầu tiên mà chúng tôi được thành lập."
Inigo Turner - giám đốc thiết kế của adidas bổ sung thêm: "Khi thiết kế kiểu áo này, chúng tôi muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện về sự hình thành của United 140 năm trước."
Manchester United đã ký một bản hợp đồng kỷ lục thế giới giá 750 triệu bảng với Adidas năm 2015 cho phép họ trở thành nhà tài trợ áo đấu chính thức cho câu lạc bộ trong 10 năm tới. Một báo cáo vào năm 2016 cho biết người hâm mộ phải trả số tiền mắc hơn tới 1000% cho một chiếc áo đấu có giá trị sản xuất thực chỉ vỏn vẹn 5 bảng Anh.
Video giới thiệu áo đấu mới của Manchester United
Bình Luận