"Manchester không phải là Nam California, với những bờ biển vàng và những bầu trời xanh ngắt. Nó được nhớ đến với những cần trục và những đám mây trĩu nước xám xịt thì hơn."
Thành phố của những điều đơn giản. Manchester từ đó đến nay vẫn luôn giữ được nét cũ kỹ ẩn sau lớp khói bụi mờ nhạt của mình.
Năm 1878, nơi đây đã xuất hiện một sự kiện mà không ai ở thời điểm đó có thể nghĩ rằng, nó đã tạo nên một tâm chấn lớn sau này.
"Nửa cuối những năm 1870, đỉnh điểm của công cuộc mở rộng thời kỳ Victoria, khu North Road, những đầu tàu hơi nước vận chuyển than đá tới các lò luyện sắt, thép và xưởng hoá chất chạy cắt qua những khu công nghiệp hiện đại nhất thời bấy giờ theo tuyến đường sắt mới nhất."
"Và cũng chính tại nơi đây, khu công nghiệp Hades, giữa những con hẻm và xưởng hoá chất, đế chế bóng đá giàu có nhất thế giới đã chào đời. Chính tại nơi đây, nơi vốn lạc lõng với thế giới bên ngoài trừ những lằn ranh phân định sự bần hàn của chính mình, một hiện tượng toàn cầu được tôn sùng bởi lòng tôn kính của hàng triệu người đã đặt những bước đi chập chững đầu tiên."
Không giống như những câu lạc bộ khác thời bấy giờ được lập nên bởi niềm tin và mối liên hệ với giáo hội, Manchester United của những ngày đầu tiên là một tập hợp những công nhân thuộc công ty đường sắt Lancashire và Yorkshire (L&YR) của Newton Heath. Và câu lạc bộ đã được dựng lên ngay lập tức với cái tên ban đầu là Heathens (đọc gần giống với Heath trong 'Newton Heath' và có nghĩa là 'những kẻ ngoại đạo').
L&YR là một công ty lớn. Những đường ray của công ty thời đó uốn khúc trên toàn miền Bắc nước Anh và do thế, họ luôn trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Lao động được tuyển đến đây từ khắp nơi trên toàn quốc để phục vụ cho thời kỳ "đầu máy và xe lửa". Đó từng là một nơi làm việc "cực kỳ nguy hiểm, bẩn thỉu và chỉ có chút thời gian để giải trí cuối ngày".
Vấn đề là hầu hết những công nhân này đều ném tất cả sức khoẻ, tiền bạc và thời gian của mình vào việc rượu chè. Họ say khướt sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc và một thống kê vào thế kỷ XIX cho biết độ tuổi trung bình của nam giới ở Little Ireland - một khu nổi tiếng đáng sợ của Manchester chỉ ở vào mức 17 tuổi. Và điều đó đã thúc đẩy các lãnh đạo của công ty phải suy nghĩ về đời sống sinh hoạt của các công nhân của mình.
Năm 1878, L&YR quyết định mở rộng "các trò chơi tập thể" để công nhân có được những sự giải trí lành mạnh hơn. Hội đồng công ty đã đưa ra đề xuất về một câu lạc bộ thể thao và được thông qua.
Một sự thật là vào thời điểm bấy giờ, bóng bầu dục tỏ ra lấn lướt và nổi trội hơn so với bóng đá ở thành phố này nhưng ban lãnh đạo vẫn tin tưởng: "Bóng đá, môn thể thao giúp mọi người tận hưởng hình ảnh lịch lãm của người Gorin sẽ đáp ứng các hoạt động hướng đạo tốt hơn cho giới công nhân đường sắt." Một khoảng đất trống cạnh đường sắt khi ấy đã được san phẳng và sẵn sàng để đưa vào sử dụng.
Không phải một Old Trafford đầy tiện nghi như hiện nay, sân bóng thuở ban đầu ấy là một cái sân - nói cho đúng thì chỉ là một khu đất phủ đầy bùn. Thật khó để tưởng tượng được những "cầu thủ công nhân" ngày đó đã phải làm gì để có thể chơi bóng trên "mặt sân" đó! Thậm chí "sau trận đấu", họ còn không có một phòng thay đồ đúng nghĩa và vì thế, những "gã lực điền" lấm lem bùn đất đã phải lội tới tận quán rượu Three Crowns cách đó không xa để thay đồ.
Đồng phục của đội vào thời điểm mới thành lập hoàn toàn không liên quan đến màu đỏ được cho là "màu truyền thống" hiện tại. Áo đấu thời kỳ đó vô cùng đơn giản: chia làm hai nửa, nửa bên phải màu xanh lá cây và nửa bên trái màu vàng - đó đồng thời cũng chính là đồng phục của công ty L&RY. Ở dưới chân, vì không thể tìm được những đôi giày thể thao đúng nghĩa (hoặc do nó quá đắt), các cầu thủ đã ra sân bằng ... những đôi ủng bảo hộ.
Điều kiện thi đấu thời đó cũng cực kỳ khó khăn. Các trận đấu thường diễn ra vào buổi chiều khi mặt trời đã dần tắt nắng và trong màn khói bụi bao phủ quanh những cây thạch nam, đám đông công nhân tụ họp lại để coi hoặc chơi đá bóng. Không huấn luyện viên, không tuyển trạch viên, một sự nghiệp dư đến tận cùng của bóng đá ngày cũ.
Một thời gian trôi qua và mọi thứ dần tiến bộ hơn. Chủ tịch F. Attock Esq đã có một quyết định táo bạo khi bắt đầu cho thiết lập trụ sở câu lạc bộ tại số 493 đường Oldham. Những tấm lịch thi đấu dần xuất hiện và tấm lịch của mùa giải 1882-1883 hiện vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng Manchester United hiện nay.
Đội bóng càng ngày càng trở nên tự tin hơn và thành tích thi đấu của họ đã được cải thiện. Một làn gió mới đã được thổi đến những khu phố ẩm ướt của Manchester và uy tín của công ty chủ quản tăng lên thấy rõ. Ban lãnh đạo dần cởi mở hơn trong việc chiêu mộ các cầu thủ từ nơi khác đến thi đấu và ở những năm cuối thế kỷ 19, những đãi ngộ mà đội bóng đưa ra như việc "luôn đảm bảo cho các cầu thủ đi thi đấu trên những toa xe hạng nhất" đã thu hút không ít cầu thủ tài năng chấp nhận đầu quân về đây. Tờ Manchester Evening News từng đăng vào năm 1886 rằng "Người ta đã không thể tìm thấy bất cứ cầu thủ bản địa nào trong đội hình".
Bắt đầu thế kỷ 20, công ty L&YR bắt đầu gặp khó khăn về tài chính và câu lạc bộ cũng vì thế mà chật vật theo. Đội trưởng của họ thời điểm đó - Harry Stafford từng phải trở thành một người đi gây quỹ để có thể giữ cho đội bóng "không phá sản". Điều đặc biệt là mỗi khi đi làm việc như vậy, Stafford đều dẫn theo một chú chó tên là Major - cùng với một cái lon đeo trước cổ để "đi vòng quanh các quán rượu xin tiền".
Một ngày nọ, Major đột nhiên biến mất. Hai ngày sau, chú chó được phát hiện tại một quán rượu thuộc quyền sở hữu của ông John Davies. Một câu chuyện tưởng chừng không liên quan gì mấy đến Newton Heath nhưng thật ra từ đây, đội bóng đã được tái sinh một lần nữa. John Davies muốn một con chó như thế cho cô con gái bé bỏng của mình trong khi câu lạc bộ thành Manchester cần tiền để không phá sản.
Người đàn ông này đã đem đến một sự cách mạng lớn. Ông thay đổi màu sắc trang phục thành đỏ và trắng - vẫn còn tồn tại đến ngày nay và quyết định tìm một cái tên mới. Ngày 26/04/1902, một cuộc họp giữa những người hâm mộ và ban giám đốc đã được tổ chức để luận bàn về điều này. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và, dù rằng không có một ghi chép cụ thể nào về vấn đề đổi tên, cái tên mới Manchester United đã được rất nhiều người tán thành và một thiên sử mới ra đời từ đó.
Những khó khăn ập đến, Manchester United từ đây đã bắt đầu học được cách bước qua mọi nghịch cảnh và khoảng hơn 100 năm sau kể từ ngày câu lạc bộ được thành lập, Man United đã vươn mình đến một tầm cao mới và trở thành một biểu tượng của bóng đá Anh ngày nay. Họ đánh bật cả Liverpool oai hùng - người từng đạt được đến 18 danh hiệu vô địch Anh trong quá khứ để chạm tay vào chiếc cúp 20 của bản thân mình mùa 2012/2013.
Giờ đây, nhắc đến Manchester United, đó đã không còn đơn thuần là một câu lạc bộ bóng đá mà thay vào đó, Man United đã trở thành biểu tượng của thành Man - một biểu tượng "vừa huênh hoang vừa tự ti rất Manchester" và đồng thời, là biểu tượng của một sự vươn lên đáng để tự hào của bóng đá xứ sương mù.
*Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ quyển "Manchester United - thiên sử về quỷ đỏ" của Jim White.
Bình Luận