Premier League kiếm tiền tấn rồi lại mất tấn tiền

Premier League tiếp tục vững vàng là giải đấu hàng đầu thế giới về kiếm tiền. Ở chiều ngược lại, người Anh kiếm rất nhiều tiền, nhưng cũng để mất không ít.

Mùa hè là mùa kiếm tiền của Premier League, kiếm tiền một cách bất chấp thông qua các tour du đấu châu Á. Năm ngoái, Liverpool phải chơi bóng tại Hong Kong trong điều kiện độ ẩm lên tới 82%.

Huấn luyện viên Juergen Klopp không tán thành chơi bóng trong điều kiện thời tiết và sân bãi phản khoa học như vậy, nhưng hợp đồng đã ký, các học trò của ông phải cắn răng mà đá.

Du đấu hè - kiểu kiếm tiền bất chấp

Năm 2013, Tottenham kéo quân sang Hong Kong chơi bóng kiếm tiền. Vì điều kiện sân bãi không tốt, hậu vệ Jan Vertonghen bị đứt dây chằng mắt cá chân phải nghỉ suốt vài tháng sau đó. Cựu tiền đạo Chelsea, Demba Ba cũng từng bị gãy gập chân trong một trận đấu tại Thượng Hải.

Rất nhiều huấn luyện viên ở Premier League từng than phiền về điều kiện thời tiết và sân bãi ở các quốc gia châu Á không thích hợp để kéo quân sang đó đá giao hữu và không ít người thậm chí đã trực tiếp lên tiếng.

Tiền vệ Jordan Henderson bình luận trên cá nhân của mình đoạn video ghi lại cảnh anh và các đồng đội mệt bơ phờ vì chuyến tàu đêm ở Hong Kong trong điều kiện thời tiết quá nóng. Olivier Giroud từng phải nhảy ngay vào bồn nước lạnh để chống cái nóng ở Singapore.

Premier League kiếm tiền tấn rồi lại mất tấn tiền - Bóng Đá

Liverpool của Anh trải qua trận đấu giao hữu với Dortmund (áo vàng). 

Thời còn là huấn luyện viên của Man United, Sir Alex Ferguson thích kéo quân sang Thụy Sỹ hoặc Áo để tập huấn hơn là đi lang bạt châu Á. Những bất cập được chỉ ra rõ ràng, tại sao hàng năm, đặc biệt vào các năm không có World Cup hay EURO, châu Á vẫn là điểm đến ưa thích của các đội bóng Premier League?

Tờ Daily Mail khẳng định một cầu thủ nếu muốn hưởng mức lương 100.000 bảng mỗi tuần, thì đội bóng của anh ta buộc phải sang châu Á du đấu. Thù lao cho một chuyến đi từng được tờ Telegraph công bố lên tới 5 triệu bảng đến 15 triệu bảng - tức là nhiều gần bằng số tiền thưởng cho đội bóng vô địch World Cup. Miếng bánh ngon lành như vậy tội gì mà từ chối.

Premier League và cái vòng tròn luẩn quẩn

Người Anh là những bậc thầy về mặt kiếm tiền, và điều đó lý giải tại sao Premier League luôn là giải đấu giàu có, thịnh vượng bậc nhất thế giới, dù thành tích ở sân chơi Champions League hay Europa League thì luôn lẹt đẹt.

Tuy nhiên, quy luật cuộc sống quả rất công bằng. Người Anh kiếm tiền tấn, nhưng mất cũng không ít cũng chính vì họ chỉ giỏi làm kinh doanh chứ không giỏi tạo ra những đội bóng hàng đầu châu Âu. Ngay trong mùa hè này, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Chelsea sẽ chia tay cả siêu sao Eden Hazard lẫn thủ thành Thibaut Courtois và cầu thủ đá cánh Willian.

Premier League kiếm tiền tấn rồi lại mất tấn tiền - Bóng Đá

Hazard có thể chia tay Chelsea để đến La Liga thi đấu. Ảnh: Getty Images. 

Như thường lệ, đích đến của những cầu thủ hàng đầu Premier League lại là Real Madrid hoặc Barcelona. Dường như thành một quy luật, Premier League cứ đào tạo ra ngôi sao hàng đầu thế giới nào là lập tức La Liga lại trở thành người được thụ hưởng thành quả.

Từ Cristiano Ronaldo, Gareth Bale, Luis Suarez cho tới Coutinho và có thể cả Hazard, Courtois… toàn bộ đều kéo sang La Liga khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Về mặt lý thuyết, bán được ngôi sao thì thu được nhiều tiền, tại sao lại có chuyện mất tiền ở đây?

Thực tế là Chelsea bán Hazard rồi cũng phải mua một cầu thủ khác thay anh. Nhưng vị thế của Premier League vài năm gần đây không hút được ngôi sao hàng đầu thế giới, nên việc thay thế một cầu thủ lớn lại phải trải qua năm lần bảy lượt mua sắm mới tìm ra người xứng đáng.

Ví dụ điển hình là Liverpool. Sau khi bán Luis Suarez, họ thu về gần 70 triệu bảng. Nhưng trong 3 năm ròng rã sau đó, Liverpool chi 145 triệu bảng để mua rất nhiều cầu thủ (Balotelli, Markovic, Lallana, Origi, Lambert…) với mục tiêu tìm lại đẳng cấp thời Suarez còn thi đấu.

Số tiền khổng lồ ấy đã gần như ném vào sọt rác. Phải tới tận năm ngoái, "The Kop" mới mua được Mohamed Salah và nhờ cầu thủ này tái hiện thời kỳ hoàng kim.

Tottenham bán Bale cho Real được 86 triệu, nhưng tiêu mất 110 triệu vào tiền mua cầu thủ thay thế Bale (Soldado, Lamela, Capoue, Chiriches…). Mua nhiều, nhưng rốt cuộc thành công của Spurs lại dựa trên những cầu thủ mãi sau này họ mới tìm được như Harry Kane, Dele Alli.

Premier League giỏi kiếm tiền nhưng không giỏi tái đầu tư số tiền họ kiếm được. Vậy nên, kể cả Chelsea có bỏ túi số tiền khổng lồ nhờ bán Hazard hay Willian, nhiều khả năng họ sẽ còn mất gấp đôi, gấp ba lần như thế để tìm ra những người thay thế.

Nguồn: Zing.vn
    Bình Luận