Từ một cầu thủ không nhận được nhiều sự kỳ vọng
Rõ ràng, Nhật Bản nói riêng, và châu Á nói chung, chưa bao giờ thôi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Bởi vậy, một cầu thủ người Nhật Bản, lẽ dĩ nhiên là sẽ không nhận được sự kỳ vọng từ những người hâm mộ giải bóng đá cao nhất nước Anh. Trước Okazaki, từng có sáu tiền bối người Nhật khác đặt chân xuống Premier League, nhưng tất cả họ đều không để lại dấu ấn gì. Trong số sáu người ấy, đáng kể nhất phải nói đến, đó là Shinji Kagawa.
Kagawa từng mang theo rất nhiều hy vọng khi đích thân Sir Alex Ferguson đã bay sang Đức để mang anh về Manchester United từ Borussia Dortmund. Thế nhưng, di sản mà Kagawa để lại Nhà hát của những giấc mơ, chỉ là sự thất vọng tràn trề.
Bởi tiền lệ của Kagawa, hay trước đó là một vài huyền thoại của bóng đá Nhật Bản như Ryo Miyaichi và Hidetoshi Nakata, những cầu thủ đến với Premier League khi đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp, nhưng cũng đành ngậm ngùi rời giải, thế nên người ta càng không có lý do gì để tin chàng cầu thủ nhỏ con này sẽ có thể thành công. Thậm chí, phần lớn còn cho rằng, việc chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha đem anh về King Power, thực chất chỉ là bàn đạp để lấn sân sang thị trường Nhật Bản.
Đến chàng Samurai của The Fox
Có lẽ không nhiều người để ý, nhưng người biến Okazaki từ một cầu thủ bình thường, trở thành một tài năng bóng đá, chính là Thomas Tuchel. Dưới sự chỉ dạy của ông thầy người Đức, cầu thủ người Nhật đã có những tiến bộ vượt bậc, nhanh chóng hoàn thiện các kỹ năng của mình, để rồi, chỉ 2 mùa chơi cho Main 05, Okazaki vẫn có cho mình 29 bàn thắng, con số thực sự ấn tượng cho một cầu thủ 1m74, giữa một rừng hậu vệ khổng lồ ở giải đấu nước Đức.
Tuy nhiên, Okazaki, chỉ được người ta biết đến, nhớ đến, khi anh làm việc với chiến lược gia người Italia, Claudio Ranieri. Hẳn mỗi khi nhớ lại kỷ niệm đẹp ở Leicester, ông sẽ cảm thấy may mắn khi có số 20 trong đội hình, một cầu thủ mang trong mình phẩm chất một Samurai - tinh thần luôn ‘cháy’ hết mình trên sân cỏ, một món quà thừa kế quý giá mà người tiền nhiệm Nigel Pearson đã để lại.
Với hạn chế về thể chất trời sinh, lại thi đấu ở một môi trường khắc nghiệt như Premier League, không khó hiểu khi Okazaki không nổi trội ở khả năng ghi bàn. Dù thế, cá nhân anh cũng có cho mình những bàn thắng, dù không nhiều, nhưng đều là những pha lập công vô cùng quan trọng.
Trở lại mùa giải 2015/16, ở vòng đấu thứ ba mươi, trong lúc cuộc đua đến chức vô địch giữa Leicester và Tottenham đang đến hồi gay cấn nhất, khi Bầy cáo chỉ hơn Gà trống vỏn vẹn hai điểm. Đó là trận đấu mà nhà cựu vương nước Anh đã gặp vô vàn khó khăn trước quyết tâm sắt đá của Newcastle. Giữa lúc bộ đôi Mahrez – Vardy bỗng chốc trở nên bế tắc, thì Okazaki xuất hiện như một người chia lửa, một Samurai cứu vớt Leicester.
Cú ‘ngả bàn đèn’ của anh đã giúp Bầy cáo tiếp tục tiến đi trên hành trình kỳ diệu, tái lập lại cách biệt 5 điểm so với Tottenham và gần như chính thức loại bỏ Arsenal và Man City khỏi cuộc đua khi tạo cách biệt lần lượt là 11 và 12 điểm.
Dù được đào tạo để trở thành một trung phong, nhưng vai trò của anh ở đội hình của ‘gã thợ hàn’ lại không phải săn bàn, mà là quấy rối hàng phòng ngự đối thủ, tạo tiền đề để các đồng đội thăng hoa. Nghe qua thì vai trò này của anh không có gì nổi bật, nhưng thực chất, anh lại là mảnh ghép không thể thay thế của mùa giải 2015/16 thần thánh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ở người thực hiện phải hội tụ đủ ba yếu tố, đó là lối chơi lăn xả, nền tảng thể lực sung mãn và ham muốn hy sinh vì tập thể. Hai yếu tố đầu tiên, trên thế giới không hề thiếu những cầu thủ như vậy, thế nhưng, yếu tố sau cùng, ham muốn và hy sinh tất cả vì tập thể, thì dường như chỉ có ở một Samurai như Okazaki.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận