"Tôi không biết cuộc sống sẽ như thế nào nếu không chứng kiến bọn trẻ lớn lên, thực hiện các bài tập cùng nhau rồi cười hả hê khi giờ trưa đến," Wenger phát biểu trên Sky Sports năm 2014
Hành trình từ Monaco, phiêu bạt sang Nagoya ở Nhật Bản rồi đến London là một bức màn đầy những bước ngoặt mà Arsene Wenger đã trải qua.
Người đàn ông sắp đến tuổi thất thập đặt bước chân lên những thớ cỏ sân Emirates lần đầu tiên vào một ngày mùa thu năm 1996. Khi ấy, ông vẫy tay chào "những hàng ghế trống không" còn các CĐV Arsenal luôn miệng đặt ra câu hỏi 'Wenger là thứ quái quỷ gì vậy?' trong một thời đại mà con người ta không có khả năng mò lên internet tìm tin tức về ai đó.
Sau cùng, chính cái thứ 'quái quỷ' ấy giúp Arsenal trở lại như phượng hoàng lửa phục sinh từ đống tro tàn với chức vô địch Ngoại Hạng Anh năm 97 sau những tháng ngày bị giăng che mờ trong bóng tối bởi lứa trẻ 92 huyền thoại của United.
“Lứa cầu thủ 98 của họ là một trong những tập thể xuất chúng nhất kỷ nguyên Premier League. Một trong những điều vĩ đại Wenger làm được là khiến Man United phải thay đổi cách chơi để đuổi kịp bước tiến của Arsenal giai đoạn ấy,” Gary Neville nhận xét về sự nghiệp của Wenger.
22 năm trôi qua, bức tượng đồng mang hình bóng Wenger bệ vệ đứng trước đại sảnh sân Emirates như một bản hợp đồng vĩnh cửu mà các pháo thủ dành cho ông. Thành công trong nửa đầu sự nghiệp của Wenger ở Arsenal với 3 chức vô địch Premier League và 4 chiếc cúp FA là mở đầu cho đoạn sau của chương bi kịch.
Những năm tháng ấy, Arsenal lắm lúc thăng trầm, cái điệp khúc thất bại xoay vòng bên tai những CĐV Arsenal như một thói quen khó bỏ. Càng thua nhiều, họ lại càng hi vọng nhiều. Càng thất bại đau đớn bao nhiêu, họ lại càng nhớ về những năm tháng vàng vọt nhiều bấy nhiêu.
Là cái tiết trời ấm áp của mùa giải bất bại, là trận chung kết C1 với những giọt nước mắt tức tưởi khi thất bại trước đội bóng của con người hay nhất thế giới Ronaldinho, là cái đêm đắm say trong chiến thắng năm sao trước Porto khi Narsi đóng vai của một anh họa sĩ, là cái buổi sáng hú gầm trời khi Arshavin ghi bàn quyết định vào lưới Barcelona, là cái khoảnh khắc Terry trượt chân rồi Persie đánh sập Stamford Bridge, là rất rất nhiều thứ tạo nên thứ văn hóa Wenger-Arsenal, nơi con người ta tận hiến vì đam mê với quả bóng.
Dù Wenger không quyết định ra đi thì sớm hay muộn, cái trát sa thải từ giới thượng tầng sẽ làm mọi chuyện khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Wenger không còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ BLĐ như những năm về trước dù Arsenal đá tốt hay tệ.
HLV người Pháp đã đánh đổi danh hiệu để khiến Arsenal đá đẹp, để còng lưng hút khán giả đến sân bù đắp cho khoảng nợ xây Emirates hậu Highbury. Wenger dừng lại, ông biết lịch sử đội bóng cần một chương mới để bước tiếp, khi cứ đá đẹp mãi mà không có danh hiệu lớn thì cũng hóa thinh không.
CĐV Arsenal không ghét Arsene Wenger, họ chỉ ghét HLV không mang lại chiến thắng cho câu lạc bộ. Giờ thì không còn ai ghét ông nữa!
Bình Luận