Kevin de Bruyne đang trên đường trở thành tiền vệ công xuất sắc nhất trong lịch sử Premier League. Nhưng con đường sự nghiệp của siêu sao người Bỉ có thể đã rất khác, nếu năm xưa anh không bị Chelsea hắt hủi. De Bruyne gia nhập The Blues từ Genk vào năm 2012, nhưng sau một mùa giải mài đũng quần trên ghế dự bị, anh đã đòi ra đi và được bán cho Wolfsburg với giá chỉ 18 triệu bảng. Một năm rưỡi sau, De Bruyne được Man City đón về như một ngôi sao. Và phần còn lại thì như chúng ta đã biết.
Chelsea không rút ra được bài học nào từ vụ De Bruyne. Hai năm sau, họ đi vào vết xe đổ của chính mình với vụ Mo Salah. Sau khi đánh bại Liverpool để có được chữ ký của “Messi Ai Cập”, họ chỉ sử dụng anh một cách nhỏ giọt trước khi bán đứt cho Roma với giá chỉ 12 triệu bảng vào năm 2016. Chỉ một năm sau, Salah được Liverpool mua về và lập tức trở thành sát thủ lợi hại nhất ở Permier League. Với Salah, The Kop đã trải qua thời kỳ rực rỡ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Vào năm 2012, Paul Pogba quyết định chia tay M.U sau khi HLV Sir Alex Ferguson cho rằng tiền vệ người Pháp không xứng đáng với một vị trí trong đội hình của Quỷ đỏ. Pogba gia nhập Juventus và lập tức trở thành một ngôi sao ở Serie A. Trong 4 năm chơi bóng cho Juve, Pogba giành được tổng cộng 8 danh hiệu lớn, trong đó có 4 chức vô địch liên tiếp. Năm 2016, M.U đã phải chi ra 89 triệu bảng, kỷ lục chuyển nhượng lúc ấy, để đón anh trở lại.
Có thể lúc này Sancho đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế là khi trở lại Premier League, cầu thủ chạy cánh người Anh chính là một trong những ngôi sao được săn đón nhất trên thế giới. Đó là điều mà Man City có lẽ đã không không hình dung ra nổi khi để cầu thủ 17 tuổi Sancho rời đi vào năm 2017. Quyết định tới Đức để đầu quân cho Dortmund của Sancho lúc đó bị cho là mạo hiểm, nhưng đó là sự mạo hiểm được đền đáp xứng đáng khi Sancho tỏa sáng rực rỡ trước khi được M.U mua về với giá tới 73 triệu bảng.
Trường hợp Matic cũng giống De Bruyne với Salah, nhưng lần này Chelsea đã kịp sửa sai. Họ lần đầu mua tiền vệ người Serbia từ Kosice vào năm 2009, nhưng chỉ cho anh ra sân 3 lần trước khi bán cho Benfica như một phần trong vụ chuyển nhương David Luiz vào năm 2011. Ba năm sau, khi Matic đã khẳng định mình như là một trong những tiền vệ toàn diện nhất châu Âu, Chelsea quyết định chi lớn để đưa anh trở lại. Trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên, Matic giúp The Blues đăng quang Premier League.
Không nhiều người biết, Madueke, tân binh 28 triệu bảng của Chelsea, từng là một kẻ thất bại ở Premier League. Anh vốn là sản phẩm của lò đào tạo Crystal Palace, rồi được Tottenham đưa về, nhưng ngay khi còn chưa chơi trận nào cho đội một Spurs, anh đã quyết định học theo Sancho và ra nước ngoài. Trong màu áo PSV, Madueke tỏa sáng rực rỡ, khiến Chelsea phải chi lớn để đưa anh về.
Thực tế thì trước khi rời Premier League vào năm 2019, Trippier vốn đã là một ngôi sao được thừa nhận trong màu áo Tottenham. Nhưng anh vẫn xứng đáng có tên trong danh sách bởi phong độ ấn tượng đã thể hiện từ khi trở lại sau hai năm rưỡi khoác áo Atletico Madrid ở La Liga. Khả năng công thủ toàn diện của Trippier đang giúp Newcastle bay cao cả ở Premier League lẫn Cúp Liên đoàn, giải đấu mà họ đã có mặt ở chung kết.
Phong độ mà Mustafi thể hiện trong màu áo Arsenal tiến khá gần tới khái niệm “thảm họa”. Nhưng điều đó không thay đổi được một thực tế là anh được Arsenal đón về từ Valencia vào năm 2016 như một siêu sao, thể hiện qua giá chuyển nhượng tới 35 triệu bảng. Ít ai biết là trước đó, trung vệ người Đức từng trải qua những năm tháng đáng quên trong học viện của Everton, trước khi gia nhập Sampdoria vào năm 2012.
Con trai của huyền thoại Peter Schmeichel không ra nước ngoài. Nhưng anh thực sự đã rời khỏi Premier League khi rớt thẳng xuống giải hạng Ba sau một giai đoạn đầy thất vọng với Man City. Sau khi khoác áo Notts County rồi Leeds, Kasper đầu quân cho Leicester và đó là một bước đi đổi đời. Lên hạng Premier League vào năm 2014, trụ hạng trong gang tấc vào năm 2015, rồi vô địch vào năm 2016, Kasper đã trải qua những năm tháng thực sự khó tin với “Bầy cáo”.
Bình Luận