Thay đổi trong chính sách chuyển nhượng của Arsenal
Đã 3 mùa bóng liên tiếp, Arsenal đều về nhì tại giải Ngoại hạng Anh. Đáng chú ý, có mùa giải họ dẫn đầu bảng xếp hạng tới 30 vòng đấu, nhưng cuối cùng vẫn là kẻ thất bại do hụt hơi ở giai đoạn cuối. Có nhiều lý do giải thích cho sự “lỡ làng” của Pháo thủ. Trong đó, vấn đề bản lĩnh và kinh nghiệm luôn được nhắc đến đầu tiên. Người ta thậm chí còn mỉa mai rằng, Arsenal rốt cục vẫn chỉ là một “Nhà trẻ” không hơn không kém.
Arsenal không muốn một lần nữa trở thành kẻ về nhì. Do vậy, họ đang ép “đám trẻ” của HLV Mikel Arteta phải “chín”. Cách làm của đội bóng thủ đô London là tìm cách đưa về Emirates những cầu thủ đã tới độ chín của tuổi nghề hoặc dạn dày kinh nghiệm, thay vì chỉ tập trung tìm kiếm các tân binh vẫn còn ở dạng tiềm năng. Đó là lý do để Christian Norgaard (31 tuổi), Kepa (30), Martin Zubimendi (26) lần lượt được chiêu mộ và sắp tới có thể thêm cả Eberechi Eze và Viktor Gyokeres (đều 27 tuổi)…
Có nhìn vào những thương vụ đình đám của Arsenal trong vài năm trở lại đây, người ta mới có thể thấy rõ sự thay đổi lớn lao trong chính sách chuyển nhượng ở Emirates. Cụ thể hơn trong đội hình thường xuyên được ông Mikel Arteta tung ra sân ở mùa trước, chỉ có tiền vệ Mikel Merino ký hợp đồng với Pháo thủ khi đã 28 tuổi, tiếp đến là Kai Havertz (24) và Ben White (23). Đa phần còn lại đều từ 22 tuổi đổ về. Đặc biệt, William Saliba và Gabriel Martinelli gia nhập Emirates khi đang ở tuổi 18.
Quyết xóa đi cái tiếng “Nhà trẻ”
Sự thay đổi này cũng có một phần nguyên nhân từ sự xuất hiện của giám đốc thể thao mới Andrea Berta. Đây là nhân vật đã gây được tiếng vang với nhiều thương vụ mua cầu thủ khi còn giữ chức vụ tương tự ở Atletico. Trong đó, đa số các bản hợp đồng mà ông Berta thực hiện đều là những cầu thủ đã ở độ tuổi chín muồi như là Alexander Sorloth từ Villarreal, thậm chí có những ngôi sao sắp sang phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp, điển hình là vụ mua lại tiền đạo Antoine Griezmann từ Barca.
Với những bản hợp đồng đã tăng cường và đang nhắm đến trong phiên chợ hè 2025, có thể thấy rằng, HLV Arteta đang quyết khỏa lấp điểm yếu về bản lĩnh và kinh nghiệm của “đám trẻ” tại Arsenal bằng những ngôi sao “già rơ”. Về mặt lý thuyết, đó là nước đi hợp lý để Pháo thủ hướng đến tham vọng chinh phục ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh sau hơn 2 thập kỷ chờ đợi. Nhưng chính sách phát triển “nóng” này trên thực tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Thứ nhất, lựa chọn mua về các cầu thủ không còn trẻ cũng đồng nghĩa với việc Arsenal phải chấp nhận khả năng họ không thể thích nghi (hoặc rất chậm thích nghi) với môi trường mới cũng như với hệ thống thi đấu mới. Bởi sức ì của họ là khá lớn. Tình trạng này đã từng xảy ra ở Emirates, khi ông Mikel Arteta quyết định chiêu mộ những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm như tiền vệ Jorginho hay các tiền đạo Gabriel Jesus, Raheem Sterling…
Thứ hai, những sự bổ sung này chưa chắc đã đáp ứng được sự kỳ vọng của Arsenal, để giúp Pháo thủ hoàn thành giấc mơ vô địch giải Ngoại hạng Anh. Nên nhớ rằng, Kepa từng thất bại ở Chelsea. Còn Christian Norgaard và Martin Zubimendi, nếu quá hay, thì chắc có lẽ đã có “ông lớn” nào đó rước về từ lâu rồi. Trong khi mục tiêu đang được nhắm đến trong nỗ lực giải quyết bài toán hàng công - Viktor Gyokeres - thậm chí đã từng thất bại trên đất Anh nên mới phải phiêu bạt sang tận Bồ Đào Nha chơi bóng.
Nói vậy để thấy rằng, những sự bổ sung trong phiên chợ hè 2025 chưa hẳn đã mang lại hiệu quả tức thì cho Arsenal. Không những vậy, việc nôn nóng đốt cháy giai đoạn còn có thể dẫn đến những rủi ro khôn lường, chẳng hạn như những xáo trộn bất đắc dĩ trong cách vận hành của Pháo thủ. Là một nhà cầm quân, hơn ai hết, HLV Mikel Arteta phải hiểu rõ nhất ý nghĩa của câu “dục tốc bất đạt”. Trong quá khứ, không có nhiều đội bóng thành công theo cách “chín ép” mà Arsenal đang làm.
Thay cho lời kết
Real Madrid từng mua về không ít cầu thủ đã chín muồi. Tuy nhiên, họ vẫn có hệ thống đào tạo trẻ để thường xuyên “xuất xưởng” những tài năng trẻ cho đội 1. Họ đặc biệt chú trọng đến việc mua về những cầu thủ tiềm năng, sau đó mài giũa để họ trở thành những viên ngọc sáng. Trong những ngôi sao như thế ở đội hình đã giúp Real Madrid gặt hái nhiều thành công trong vài năm trở lại đây, có thể kể đến Rodrygo, Vinicius Jr, Eder Militao…
Arsenal có lẽ cũng nên nhìn vào Real Madrid mà học tập. HLV Mikel Arteta cần phải biết rằng, một khi Arsenal có thể vung tiền để đưa về Emirates những ngôi sao như Zubimendi hay có thể sắp tới là Gyokeres, thì Man City, Liverpool hay Chelsea cũng có thể chi đậm hơn để sở hữu những bản hợp đồng có chất lượng chỉ bằng hoặc hơn, chứ không hề kém cạnh các tân binh của Pháo thủ.
Bình Luận