Năm 2017, tạp chí Billboard bầu chọn Daniel Ek là “nhân vật có quyền lực mạnh nhất trong làng âm nhạc”. Tỷ phú người Thụy Điển là nhà đồng sáng lập và CEO của Spotify, dịch vụ phát nhạc trực tuyến chiếm thị phần lớn nhất thế giới. Spotify hiện được định giá 70 tỷ USD, còn ông bố hai con có tài sản ước tính 5 tỷ USD theo Forbes.
Daniel Ek hâm mộ Arsenal từ năm 8 tuổi, khi chứng kiến đoàn quân của HLV George Graham vô địch nước Anh mùa giải 1990/1991. Hôm 23/4 vừa rồi, tỷ phú 38 tuổi khẳng định tình yêu với Pháo thủ trên Twitter: “Nếu Kroenke muốn bán CLB, tôi sẽ rất vui nếu được tiếp quản”.
Daniel Ek công bố kế hoạch mua lại Arsenal chỉ ba ngày sau khi dự án European Super League sụp đổ. Đấy là thời điểm giới chủ Arsenal bị CĐV phản ứng dữ dội vì tham gia vụ ly khai. Trước trận gặp Everton tại vòng 33 Premier League, hàng nghìn CĐV biểu tình bên ngoài sân Emirates đòi nhà Kroenke rời khỏi Arsenal.
Daniel Ek đã chọn thời điểm vàng để nhận được sự ủng hộ từ fan Arsenal. Tỷ phú người Thụy Điển còn được hỗ trợ bởi bộ ba bất bại năm 2004: Henry, Vieira, Bergkamp. “Khi chúng tôi biết chắc chắn rằng mục tiêu của Daniel Ek là tới gần fan Arsenal, chúng tôi đã đi gặp các hiệp hội CĐV để nói với họ rằng chúng tôi muốn giúp họ trở lại là một phần của CLB, là những người có tiếng nói và cùng chung tay tìm lại AND Arsenal”, Henry phát biểu trên Sky Sports.
Trước luồng tin bùng nổ về việc Arsenal có thể bị bán, nhà Kroenke đã lập tức bác bỏ. Phát biểu trên Telegraph, ông chủ Stan Kroenke “cam kết 100% gắn bó với Arsenal”. Tỷ phú người Mỹ khẳng định “sẽ không bán bất kỳ cổ phần nào tại CLB”. HLV trưởng Mikel Arteta cũng đề nghị mọi người “chấm dứt mọi suy đoán vô căn cứ”.
Nhưng, vụ Arsenal đổi chủ mới chỉ dừng ở tập đầu tiên của một cuốn phim truyền hình dài tập. Thierry Henry khẳng định “việc mua lại Arsenal sẽ mất nhiều thời gian và gặp khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại”. Daniel Ek cũng thừa nhận “đây là một hành trình dài”. Trong diễn biến mới nhất, nhà sáng lập Spotify sẽ chính thức hỏi mua Arsenal trong tuần này. Đã tới lúc các bên kéo nhau lên bàn đàm phán. Kroenke, với bản tính con buôn, sẽ nghĩ tới những con số trước tiên.
Năm 2018, Kroenke chi 550 triệu bảng mua lại 30% cổ phần tại Arsenal của đồng sở hữu Alisher Usmanov, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của đội bóng thành London. Giá trị của Arsenal vì thế chắc chắn không nhỏ. Tập đoàn Kroenke Sports & Entertainment (KSE), chủ sở hữu của Arsenal, mới đây đã niêm yết trên sàn thương mại điện tử mức giá của đội chủ sân Emirates là 1,8 tỷ bảng. Trong vòng hai năm tới, những đơn vị hay cá nhân nào muốn mua Arsenal, có thể gửi hồ sơ đấu thầu.
Theo truyền thông Anh, 1,8 tỷ bảng cũng chính xác là lời đề nghị đầu tiên mà Daniel Ek gửi tới Stan Kroenke. Điều đó cũng có nghĩa tỷ phú người Thụy Điển có thể nâng giá trong những lần “offer” tiếp theo.
Sức khỏe tài chính không tốt của Arsenal có thể thúc đẩy một cuộc đổi chủ. Doanh thu của Arsenal, không bao gồm chuyển nhượng, đã giảm 13% trong mùa giải 2019/20, xuống còn 388 triệu euro so với 445 triệu euro của mùa bóng 2018/19 (theo Deloitte). Việc gia hạn hợp đồng với nhà tài trợ Emirates và ký hợp đồng với nhà tài trợ mới Adidas (thay cho Puma) đã bù đắp phần nào khoản thâm hụt bản quyền truyền hình (lên tới 55 triệu euro tại mùa giải 2019/20).
Chưa kể, “hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19 tiếp tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu mùa giải 2020/21”, theo thông cáo báo chí của Arsenal hồi đầu tháng Ba vừa rồi. Đội bóng thành London đã phải đi vay 120 triệu bảng từ ngân hàng Anh quốc vào tháng Một vừa qua nhằm trả các khoản nợ liên quan tới việc xây dựng sân vận động.
Cho dù Kroenke thực sự chưa muốn bán Arsenal, nhưng sức ép dữ dội từ các CĐV và lời đề nghị hấp dẫn từ Daniel Ek có thể làm thay đổi mọi thứ.
Nhà Kroenke chỉ tốn 15 triệu bảng cho Arsenal trong 10 năm
Theo thống kê của tờ Swiss Ramble (Thụy Sỹ), nhà Kroenke chỉ đầu tư 15 triệu bảng tiền túi vào Arsenal trong giai đoạn 2010-2020. Phần lớn mọi chi tiêu của Arsenal trong một thập kỷ qua đều thuộc dạng “lấy mỡ nó rán nó”. Để so sánh cần biết giới chủ Man City đã bỏ ra 1,1 tỷ bảng cho đội bóng thành Manchester, đứng thứ hai là giới chủ Chelsea với 570 triệu bảng. Ngay cả một đội bóng nhỏ như West Brom cũng tốn 22 triệu bảng tiền túi của giới chủ trong một thập kỷ qua.
Kroenke xoa dịu CĐV bằng shopping mạnh tay
Theo báo giới Anh, Stan Kroenke có kế hoạch chi bạo trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè nhằm xoa dịu làn sóng phẫn nộ của các CĐV. Các vị trí mà Arsenal sẽ tăng cường gồm hậu vệ trái, hậu vệ phải và tiền vệ tấn công. Mục tiêu ưu tiên của Pháo thủ là tiền vệ Yves Bissouma của Brighton, người có giá chuyển nhượng không dưới 20 triệu bảng. Ngoài ra Arsenal cũng muốn có hậu vệ phải Achraf Hakimi của Inter.
1,8. Arsenal hiện được định giá 1,8 tỷ bảng (tương đương 2 tỷ euro) trên sàn đầu tư quốc tế. Để so sánh cần biết City Football Group, tập đoàn sở hữu Man City, được định giá 4 tỷ bảng.
Bình Luận