Chỉ trong vòng ít ngày ngày ngắn ngủi, M.U tạo nên hai cơn địa chấn khi lần lượt đánh bại Tottenham cùng Man City ở Premier League. Sở dĩ gọi là địa chấn bởi trước thời điểm trận đấu diễn ra, ít người dám tin Quỷ đỏ sẽ làm nên chuyện.
Với Tottenham, đội bóng này sở hữu sự hưng phấn cao độ dưới thời tân HLV Jose Mourinho, trong khi Etihad lâu nay vẫn là pháo đài bất khả xâm phạm của Man City. Thế nhưng, gạt qua tất cả những bất lợi, M.U đã có hai thắng lợi đầy thuyết phục, khiến ai nấy cũng phải gật gù.
Trước Tottenham và Man City, những Chelsea hay Leicester cũng trở thành nạn nhân của thầy trò HLV Ole Gunnar Solskjaer, trong khi Liverpool thoát thua ở vào cuối trận nhờ sự tỏa sáng kịp thời của Adam Lallana. Xuất sắc là vậy khi gặp các "ông kẹ" của giải đấu, song M.U lại bỗng chốc hóa tầm thường mỗi khi giáp mặt những đội bóng được đánh giá nằm ở cửa dưới.
Mùa này, họ đã thua Crystal Palace, West Ham, Newcastle, Bournemouth và hòa Aston Villa, Sheffield. Dĩ nhiên, điều này đặt ra câu hỏi: "M.U đá kiểu gì mà thua các đội bóng nhỏ nhưng thắng các đội bóng lớn?".
Câu trả lời có thể được giải thích như này. Trước mỗi trận đại chiến, M.U thường bị đánh giá là đội chiếu dưới nên họ ra sân với tinh thần quyết tâm cao độ nhằm thể hiện mình. Khát khao chiến thắng được thổi vào từng cầu thủ, giúp họ gần như thi đấu với 100% khả năng, thậm chí còn hơn.
Sự quyết tâm của các chàng trai Quỷ đỏ được thể hiện rõ nét qua từng bước chạy, những pha tranh chấp bóng cùng việc duy trì cự ly đội hình. Dù vậy, cứ hễ gặp đối thủ dưới cơ, M.U lại không duy trì được luồng sinh khí ấy, hay nói cách khác là tinh thần, tâm lý chiến đấu như các trận đấu lớn.
Gọi là xem thường đối thủ thì không hẳn, nhưng M.U thực tế thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các trận đấu được coi là không có tính chất quá quan trọng, căng thẳng. Dĩ nhiên, đó không phải là Man United mà Solskjaer biết. "Khi tôi còn là cầu thủ của Man United, chúng tôi không bao giờ đánh rơi điểm số trước các đội bóng yếu hơn. Đó là cách chúng tôi vô địch Ngoại hạng Anh", Solsa tâm sự.
Vào ngày 6/2/1999, năm mà M.U đã đoạt "cú ăn 3" lịch sử, Sir Alex Ferguson đã tung Solskjaer vào sân từ ghế dự bị ở phút 71 thay Dwight Yorke trong trận gặp Nottingham Forest. Thời điểm Solsa vào sân, Quỷ đỏ đang dẫn đối thủ 4-1. Ông lập cú poker (ghi 4 bàn) cho riêng mình trong 10 phút cuối, bao gồm 2 bàn ở phút bù giờ để giúp M.U thắng chung cuộc 8-1.
Nghe chừng có vẻ đơn giản, nhưng không phải vậy. Để làm được điều đó, nó đòi hỏi sức mạnh đáng kinh ngạc trong tính cách của mỗi cầu thủ để duy trì động lực thi đấu qua từng phút, từng trận và từ mùa này sang mùa khác. Solskjaer chính là hình mẫu chuẩn mực của "chế độ M.U" thời Sir Alex, bởi ông không phải lúc nào cũng được ra sân.
Sau chiến thắng trước Nottingham, Solskjaer vẫn ngồi dự bị và không được ra sân phút nào ở trận gặp Arsenal. Kế đến, ông tiếp tục không được đá chính trước Coventry, nhưng bản thân không bao giờ phàn nàn bất kỳ một lời nào. Solskjaer vẫn không để khát khao thi đấu suy giảm, và đó là lý do tại sao vị thuyền trưởng hiện tại của Quỷ đỏ được fan yêu mến.
"Các cầu thủ phải chiến đấu cho một suất ra sân. Bạn cần phải cho Ferguson thấy bạn nên được ra sân tuần tới. M.U hiện giờ cũng vậy. Mỗi trận đấu là cơ hội cho các chàng trai chứng tỏ với tôi là họ xứng đáng ra sân. Tâm lý phải luôn luôn như vậy", Solskjaer chia sẻ.
Rõ ràng, những gì Solskjaer từng trải qua là điều mà M.U còn thiếu hiện tại, đó là tâm lý, khát khao chiến thắng, thể hiện bản thân ở từng trận đấu chứ không riêng gì những trận mang tính chất đại chiến.
Việc M.U hạ các đối thủ lớn là điều đáng ngợi khen và cần được duy trì, nhưng song song với nó, họ cần phải biết cách hạ những đội bóng nhỏ để tích lũy điểm số cho tham vọng vô địch.
Bình Luận