Với những gì đã thể hiện, Boehly cho thấy mình là một doanh nhân quyết đoán. Không ngồi một chỗ buồn bã vì kết quả kém cỏi của Chelsea dù đã đầu tư gần 600 triệu bảng mua sắm, hay trước đó là hơn 3 tỷ bảng mua lại CLB, doanh nhân người Mỹ tiếp tục dốc hầu bao để thực hiện những kế hoạch tiếp theo của mình.
Mới nhất, Strasbourg đã trở thành người "anh em" không chính thức của Chelsea khi được Boehly mua lại với giá 65 triệu bảng. Thực tế, đội bóng Ligue 1 không phải mục tiêu ngắm nghía đầu tiên của Boehly, khi họ còn hướng tới những đội bóng khác ở Bỉ, Bồ Đào Nha và Brazil. Nhưng sau cùng, Boehly vẫn chốt mua Strasbourg, qua đó đặt viên gạch thứ 2 cho đại công trình ở châu Âu.
Sau Strasbourg, kế hoạch của Boehley sẽ là mua tiếp Rio Ave (Bồ Đào Nha), Royal Antwerp (Bỉ)... Khi đủ cứng cáp tại châu Âu, ông chủ của Chelsea sẽ chuyển sang Nam Mỹ, với những mục tiêu như Fluminese (Brazil), Lanus (Argentina), Colo Colo (Chile)...
Mô hình mà Boehly theo đuổi chính là hệ thống CLB của tập đoàn City Football Group với trọng tâm là Man City, hay hệ thống CLB của tập đoàn Reb Bull, bao gồm 2 cái tên chính là Salzburg và Leipzig. Tính ưu việt của những hệ thống CLB này đã được chứng minh bằng thành công của Man City trong mùa 2022/23, trong khi Salzburg và Leipzig luôn đạt thứ hạng cao ở giải đấu của mình.
Ngoài yếu tố chuyên môn thuần túy, việc tạo ra những "sân sau" cho một đội bóng "mẹ" còn giúp các ông chủ linh hoạt hơn trong việc huy động tài chính, điều động cầu thủ hoặc nhiều dự án tham vọng khác. Đây là mô hình của tương lai mà ngay đến luật hiện hành của UEFA cũng chưa theo kịp, dẫn tới những lỗ hổng mà những cái đầu tinh ranh có thể khai thác.
Thực tế trước thời của Boehly, Chelsea trong tay Roman Abramovich cũng có một vài "sân sau" không chính thức ở Bỉ và đặc biệt là Vitesse của Hà Lan. Đã có rất nhiều cầu thủ thuộc học viện Chelsea đến Vitesse theo dạng cho mượn, trước khi được bán đi khắp thế giới.
Dù cung cấp không nhiều nhân tài cho đội một The Blues, nhưng học viện Chelsea luôn "làm ăn" có lãi, một điều chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Những người đứng đầu đã rất tài tình khi dùng thương hiệu Chelsea để kiếm lời, đơn cử như việc "trần" một vài cầu thủ vô danh qua "nồi nước dùng" là học viện Chelsea, để từ đó bán đi với giá cao hơn giá trị thật. Quy định của FA và UEFA không cho phép một đội bóng sở hữu hơn 35 cầu thủ, nhưng với hệ thống CLB thì không gì là không thể.
Là một doanh nhân, Boehly nhìn ra hướng kiếm tiền này từ lâu. Thế nên, ngay khi mua thành công Chelsea, ông đã thực hiện ngay các bước tiếp theo, chỉ để hợp thức hóa "đa vũ trụ" mà The Blues là hạt nhân.
Bình Luận