MU vừa thắng liên tiếp 2 trận, trong đó có chiến thắng 4-3 đầy oanh liệt trước Liverpool để vào bán kết FA Cup. Tiền vệ trẻ Kobbie Mainoo sau “một đêm ngủ dậy” thành ngôi sao, và sau đợt tập trung ở đội tuyển Anh về thì ẵm luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất trận. Anh chàng trở về Man United trong trạng thái lâng lâng, và MU thì đón anh về với những mỹ từ tán dương mới. Tất cả như đang đợi giờ phút “ăn tươi nuốt sống” Brentford. Nhưng hãy cẩn thận, vì vào lúc hy vọng nhất cũng là lúc Man United gây thất vọng nhất.
Khi xưa người ta vẫn hay trêu cái gọi là “Vòng đời của Ole Gunnar Solskjaer”, hàm ý về việc HLV người Na Uy cứ khi nào bị dọa sa thải thì lại thắng tưng bừng. Nhưng mà sau khi thắng tưng bừng, được tưởng thưởng bằng hợp đồng mới hay nhận lời khen thì lại thua sứt đầu mẻ trán.
Vòng quay đó cứ lặp đi lặp lại suốt gần 3 năm. Khi ấy, người ta đổ sang lỗi là do Solskjaer không có triết lý, cầm quân dựa trên cảm hứng của bản thân và cầu thủ, cho nên mới xảy ra việc đội bóng đá thiếu ổn định như thế. Nhưng tất cả đã nhầm to khi Erik ten Hag - môn đồ của Johan Cruyff đến Old Trafford.
Mặc dầu cũng là “dân trong nghề”, sở hữu lối kiểm soát bóng không thua kém ai, nhưng cái kết cho Ten Hag cũng chẳng hơn gì “Vòng đời của Solskjaer”, thua và thắng lộn tùng phèo hết cả lên. Vì vậy người ta mới ồ ra: “À, đội bóng này vốn dĩ chưa bao giờ ổn định.” Mà lý do của việc không ổn định thì chỉ có thể đến từ bản sắc đội bóng mà thôi. Gary Neville từng cảm thán: “CLB đã lạc lối và mất đi bản sắc. Tôi không còn nhận ra Manchester United nữa."
Vậy bản sắc của MU chạy đi đâu rồi? Sir Alex Ferguson trong 26 năm cầm quân của mình đã tạo ra thứ phong cách gắn bó giữa ông và MU. Khi ông ra đi, bản sắc đó cũng mang theo ông. Kẻ ghen ghét gọi là “ăn rùa”, người yêu quý gọi đó là “máu quỷ”. Nhưng hãy nói một cách dễ hiểu hơn, đấy là thái độ không bao giờ bỏ cuộc.
Đương nhiên, Real Madrid hay ĐT Đức cũng có cái bản sắc này. Nhưng với MU đó lại là thứ định hình nên họ, khi mà những khoảnh khắc quyết định nhất trong lịch sử của Manchester United đều đến từ việc không bỏ cuộc. Điển hình là trận chung kết Champions League năm 1999 ở Camp Nou, và khái niệm “Fergie Time” nổi tiếng.
Ngoài ra là bi kịch Munich, một tai nạn máy bay có thể giết chết tất cả hy vọng, nhưng không thể giết chết tinh thần của Manchester United. Những câu chuyện đó đã nói lên bản sắc kiên trì và tính chiến đấu đến cùng để giành chiến thắng của Quỷ Đỏ. Thế nhưng điều này đã mất đi trong các cầu thủ trẻ lẫn các cầu thủ sao số ở Man United.
Khi tinh thần mất đi thì sẽ nảy sinh ra thứ tâm lý tự thỏa mãn bản thân, khiến MU hay thua nhất ở thời điểm được tung hô. Đồng thời cũng sẽ sinh ra những cảm giác như ảo tưởng, cằn nhằn và vô trách nhiệm khi thua đậm
Brentford không phải là đối thủ mạnh, nhưng cũng chẳng hề là đối thủ dễ xơi. Chưa cải tổ tâm lý MU, thì Ten Hag sẽ còn mệt mỏi cho đến cuối mùa.
Bình Luận