Premier League mùa giải 2018/19 chỉ mới diễn ra được 2 vòng nhưng đã có một số lo ngại dành cho Chelsea, Arsenal và M.U bởi chất lượng phòng ngự của các đội bóng lớn này là quá tệ. Vậy, chuyện gì đang xảy ra với họ?
Sự khác biệt ở hàng phòng ngự
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Premier League có xu hướng bùng phát về số bàn thắng. Kể từ mùa 2009/10 tới nay, bình quân bàn thắng mỗi trận là 2,74, cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,65 suốt chiều dài 26 năm lịch sử giải đấu. Ngoài ra, có tới 8 mùa trong giai đoạn này nằm trong Top 10 mùa giải có nhiều bàn thắng nhất.
Khi các đội đều cải thiện khả năng ghi bàn, yếu tố quyết định chiến thắng nằm ở khâu phòng ngự. Đội nào thủng lưới ít hơn, khả năng giành chiến thắng sẽ cao hơn. Mùa giải trước là một ví dụ, với 5 đội đứng đầu giải đấu cũng lần lượt là 5 đội nhận ít bàn thua nhất. Câu chuyện này tiếp tục ở mùa hiện tại. Sau 2 vòng, Man City đang dẫn đầu và chỉ nhận 1 bàn thua. Ở vị trí kế tiếp là Liverpool, đội duy nhất chưa thủng lưới, như một sự tưởng thưởng cho nỗ lực khắc phục được điểm yếu cố hữu nơi hàng thủ của Juergen Klopp.
Trong khi đó, M.U hiện đứng thứ 9 còn Arsenal lóp ngóp ở vị trí 17 trên BXH. Điểm chung của cả hai là kỹ năng phòng ngự kém cỏi, để rồi phải nhận lần lượt 4 và 5 bàn thua. Chelsea cũng tương tự. Mặc dù đã chiến thắng cả 2 trận nhưng nếu tiếp tục phòng thủ theo cách này, họ khó có thể duy trì vị trí thứ 3.
Tại sao M.U, Arsenal và Chelsea lại dễ tổn thương đến vậy? Điều đầu tiên dễ nhận thấy là họ thiếu các trung vệ đẳng cấp. Jose Mourinho đã cảnh báo về “một mùa giải khó khăn” nếu không được tăng cường trung vệ. Và màn trình diễn tệ hại của bộ đôi Victor Lindelof - Eric Bailly trước Brighton đã chứng minh ông ta đã đúng.
Tiếp đến là phong cách pressing tầm cao ngày càng được ưa chuộng ở xứ sương mù. Đó là chiến lược khá hiệu quả nếu được thực hiện tốt và thành công của Man City, Liverpool hay Tottenham là những minh chứng sống động. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi bởi hàng phòng ngự đẩy cao dễ sụp đổ trước các đường bóng dài và những pha phản công tốc độ. Trong trận đấu ở Stamford Bridge mới đây, Arsenal đã nhận 2 bàn thua đầu tiên từ các tình huống như vậy, khi hàng thủ của họ di chuyển lên gần vạch giữa sân.
Hệ quả của tiến hóa chiến thuật
Liên quan tới phong cách pressing thời thượng, mẫu tiền vệ kiến thiết lùi sâu đang là một phần quan trọng trong kế hoạch thay thế cho những tiền vệ phòng ngự chuyên trách. Nếu như trước đây Chelsea đối đầu với Arsenal, Claude Makelele cùng Gilberto Silva có nhiệm vụ phá vỡ lối chơi và ngăn chặn các cầu thủ sáng tạo bên phía đối thủ thì bây giờ, di chuyển trước hàng thủ là Jorginho và Granit Xhaka. Cả hai rất xuất sắc khi có bóng nhưng lại là những gã khờ trong phòng ngự, để rồi trở thành điểm yếu chí mạng của đội nhà.
Ngoài ra, các đội bóng lớn cũng chú trọng xây dựng lối chơi từ tuyến dưới. Trong một hệ thống hoàn thiện, nó sẽ đem lại phần thưởng tuyệt vời, như việc Arsenal ghi bàn thứ 2 vào lưới Chelsea thông qua 20 đường chuyền xuất phát từ Petr Cech. Nhưng nếu mắc sai lầm trước sự quấy phá liên tục bên phía đối thủ, việc mất bóng trước vòng cấm sẽ lập tức bị trả giá. Bàn thua đầu của Chelsea do Willian mất bóng là ví dụ tiêu biểu.
Vào những ngày này, sai lầm kiểu đó không phải quá hiếm bởi tiết tấu trận đấu ngày một nhanh hơn bởi các đội đang cố rút ngắn tối đa công đoạn chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công. Các hậu vệ bây giờ có rất ít thời gian để đưa ra quyết định xử trí tình huống, và mọi chuyện càng tệ hơn nếu họ thiếu tốc độ. Bên cạnh đó cũng có sự biến đổi về nhiệm vụ của các hậu vệ cánh. Để đối phó với mẫu “số 10” hiện đại thích hoạt động ở khu vực hành lang trong, các hậu vệ biên sẽ cố thu hẹp khoảng cách với trung vệ thay vì bám cánh. Điều này cho phép đối thủ tạt bóng tự do hơn, và nó đắc dụng nếu có một tiền đạo chơi đầu tốt.
Cuối cùng, với sự xuất hiện của hàng loạt HLV tài năng, các phương án tấn công đang trở nên tinh vi, biến hóa khôn lường hơn. Trong khi đó, những đội như M.U, Arsenal hay Chelsea lại không có được bộ khung phòng ngự hoàn chỉnh và liên tục phải xoay vòng, dẫn đến sự mất ổn định cũng như tính gắn kết. Nếu họ không sớm cải thiện, mùa giải này thực sự sẽ rất dài và đầy rẫy khó khăn.
Đắt xắt ra miếng Man City hiện là đội bóng sở hữu hàng phòng ngự (bao gồm cả thủ môn) đắt giá nhất Premier League với tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 356,9 triệu bảng. Và sự đầu tư đắt giá đó đã mang lại hiệu quả khi 40 trận kể từ đầu mùa giải 2017/18 tới nay, họ chỉ thủng lưới 0,7 bàn mỗi trận, thấp nhất giải đấu. Những hàng thủ được đầu tư ít tiền hơn là M.U (216 triệu bảng), Chelsea (209) và Liverpool (201). Để vô địch, phải phòng ngự tốt Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, 18 đội vô địch Premier League chỉ nhận trung bình 30,1 bàn thua/mùa. 17 trong số luôn nằm trong nhóm 3 đội thủng lưới ít nhất và không quá 37 bàn. Ngoại lệ duy nhất là M.U với 43 lần thủng lưới, nhiều hơn 4 đội khác trong mùa 2012/13. |
TỪ KHÓA: M.UArsenalChelseaJorginhoGranit XhakaMan CityLiverpoolTottenhamNgoại hạng AnhBình luận Bóng đá quốc tế
Bình Luận