Bakayoko trở thành cầu thủ cuối cùng trong số 5 bản hợp đồng ở mùa Hè 2017 chính thức rời Chelsea. Trong ngày chấm dứt giao kèo sớm 1 năm với cầu thủ người Pháp, lời cảm ơn của The Blues kết thúc bằng câu “cảm ơn vì sự đóng góp” một cách rất sáo rỗng.
Bởi trên thực tế, ngoại trừ mùa đầu tiên thi đấu 29 trận tại Premier League, 5 mùa giải liên tục sau đó Bakayoko khoác áo Monaco, Napoli và Milan theo dạng cho mượn. “Đó là những đóng góp” của cầu thủ người Pháp cho đội bóng phía Tây London. Thậm chí, có nhiều người quên mất rằng, Bakayoko đã từng chơi ở sân Stamford Bridge, đã từng thuộc biên chế The Blues.
Bakayoko ra đi cũng đồng nghĩa với việc Chelsea cuối cùng cũng hoàn toàn thoát ra khỏi được kỳ chuyển nhượng kinh hoàng sau 7 năm. Họ đã chi 190 triệu bảng để mang về Bakayoko Alvaro Morata, Drinkwater, Rudiger và Zappacosta, đồng thời ký hợp đồng 4 hoặc 5 năm.
Thế nhưng, cả 5 người chỉ ra sân tổng cộng 126 trận cho The Blues tại Premier League sau mùa 2017/18, mà riêng đã chiếm tới 106 trận. Sự thật từ “kỳ chuyển nhượng kinh hoàng” ấy cung cấp cho đồng chủ sở hữu Todd Boehly cùng các cộng sự những bài học quý giá để tránh trượt vào "vết xe đổ" từng xảy ra ở năm 2017.
Không mua bán vội vã
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến một kỳ chuyển nhượng thảm họa của Chelsea ở Hè 2017. Đặc biệt trong những ngày cuối cùng của phiên chợ Hè 6 năm trước, The Blues vội vội vàng vàng dồn mọi chú ý cả vào hai mục tiêu Drinkwater và Zappacosta.
Cả hai đều không phải là mục tiêu ưu tiên chuyển nhượng của Conte. Drinkwater chỉ là “lốp dự phòng” sau những nỗ lực giành giật Arturo Vidal từ Bayern thất bại, còn Zappacosta là bản giao kèo lấp vào chỗ trống của Alex Oxlade-Chamberlain, người thà chơi ở hàng tiền vệ của Liverpool còn hơn trở thành Victor Moses tiếp theo thi đấu ở vị trí hậu vệ phải tại đội chủ sân Stamford Bridge.
Không hẳn họ là những cầu thủ kém chất lượng, mà đơn giản vì họ không hợp với hệ thống của Chelsea. Cả Drinkwater và Zappacosta khi ấy đều không có tiềm năng tăng giá khi CLB cần bán, đồng thời sự xuất hiện của họ đã chiếm mất không gian phát triển của các cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của The Blues. Điển hình là Ruben Loftus-Cheek đã phải sang Crystal Palace theo dạng cho mượn.
Tại đây, cầu thủ 21 tuổi khi ấy đã thi đấu cực hay, đến mức anh giành được 1 suất tại ĐT Anh của Gareth Southgate dự World Cup 2018. Ngay cả khi được khuyên can không nên ký hợp đồng với Drinkwater (35 triệu bảng) và Zappacosta (25 triệu bảng) thì cuối cùng họ vẫn cứ đến sân Stamford Bridge.
Kết quả, người thứ nhất chơi 12 trận trong 5 mùa, người thứ 2 chơi 26 trận trong 4 mùa khoác áo The Blues. Dường như 60 triệu bảng của Chelsea trở thành… đống giấy vụn.
Hè năm ngoái, bộ đôi Boehly và Clearlake đã phạm phải sai lầm tương tự với Marc Cucurella, khi đồng ý chi tới 60 triệu bảng đề chiêu mộ một cầu thủ giỏi nhưng không xuất sắc cho vị trí hậu vệ trái.
Cucurella gặp quá nhiều khó khăn trong mùa đầu tiên tại Chelsea. Anh không cạnh tranh nổi vị trí chính thức của Ben Chilwell. Thậm chí còn thua Lewis Hall - một cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đạo tạo trẻ của Chelsea, trong cuộc đua dự bị cho tuyển thủ Anh Chilwell.
Tin tưởng ở HLV trưởng
Cái đinh cuối cùng trên "nắp quan tài" chuyển nhượng của Chelsea chính là việc sa thải Conte hồi tháng 7/2018, để đưa Maurizio Sarri về dẫn dắt CLB. Chỉ vài tuần sau khi Sarri đến, Bakayoko bị đẩy sang Milan theo dạng cho mượn, trong khi Drinkwater không còn xuất hiện trong màu áo The Blues thêm bất cứ trận nào tại giải Ngoại hạng Anh.
Vấn đề nằm ở Bakayoko và Drinkwater được mua để phù hợp với tuyến giữa trong hệ thống 3-4-3 của Conte; còn Sarri nhanh chóng khẳng định rằng, bộ đôi này không có chỗ trong bộ ba tiền vệ do Jorginho cai quản ở khu vực giữa sân với sơ đồ 4-3-3 của mình. Zappacosta cũng vậy, là một hậu vệ cánh bẩm sinh hơn là một trung vệ và do đó, thời gian thi đấu thực sự duy nhất của anh trong mùa 2018/19 là 10 trận ở Europa League.
Không ai có thể đổ lỗi Conte hay Sarri vì muốn mua các cầu thủ phù hợp với chiến thuật và phong cách chơi bóng của họ. Nhưng tác hại của việc không tin tưởng ở HLV trưởng là quá lớn, gây đổ vỡ hết mọi kế hoạch về nhân sự.
Chelsea đã rơi vào hoàn cảnh này nhiều lần trong kỷ nguyên Roman Abramovich và một lần nữa lại xảy ra ở Hè 2023. Mauricio Pochettino không thích mẫu hậu vệ cánh như những người tiền nhiệm Thomas Tuchel và Graham Potter. Nhà cầm quân người Argentina đang thu dọn chiến trường ở 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất. Liệu ông có nhận được sự tin tưởng và kiên nhẫn để mang về những cầu thủ phù hợp với phong cách của mình trong cuộc tái thiết The Blues?
Không níu kéo và gia hạn với những bản hợp đồng thất bại
Bakayoko và Chelsea có thể đã chia tay nhau từ 2 năm trước, nếu GĐĐH Marina Granovskaia không khăng khăng bảo vệ cái lý thuyết về “giá trị cầu thủ” bằng cách gia hạn 3 năm với cầu thủ người Pháp. Điều tương tự đã kéo dài những năm tháng gắn bó không cần thiết với The Blues của Michy Batshuayi và Kenedy.
Gần nhất là trường hợp của Romelu Lukaku. Tốt nhất là nên chấm dứt sự hợp tác với cầu thủ người Bỉ khi cả hai bên đều chẳng mang lại lợi ích gì cho nhau. “Sự dễ dãi” trong các hợp đồng béo bở dành cho Raheem Sterling, Kalidou Koulibaly và Pierre- Emerick Aubameyang vào hè năm ngoái không được phép lặp lại.
The Blues cần nhanh chóng thanh lý hai cái tên sau càng nhanh càng tốt để giải phóng không gian phát triển cho các cầu thủ trẻ, giảm tải tiền lương và gánh nặng tài chính dẫn đến nguy cơ vi phạm Luật công bằng tài chính của UEFA.
Tóm lại, bộ đôi Boehly và Clearlake cần biết tiêu tiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu.
Bình Luận