Khi Maurizio Sarri nhận lời dẫn dắt Chelsea từ mùa giải 2018/19, ông trở thành HLV người Ý thứ 6 làm việc ở sân Stamford Bridge.
Khởi đầu cho trào lưu các HLV Ý ở Chelsea là Gianluca Vialli trong giai đoạn 1998-2000. Vialli đặc biệt ở chỗ vừa là HLV lại kiêm luôn cầu thủ. Ngày đó, Vialli 33 tuổi, nhưng đã đưa The Blues giành Cúp C2 năm 1998. 14 năm sau, lại thêm một người Ý nữa giúp Chelsea giành được một chức vô địch châu Âu, đấy là Di Matteo với danh hiệu còn cao quý hơn gấp bội, là chức vô địch Champions League 2011/12. Chỉ trong 6 tháng cầm quyền với vị trí của “người đóng thế”, Di Matteo không chỉ đưa Chelsea vô địch Champions League, mà còn có đoạt thêm một danh hiệu FA Cup nữa.
Nói về các HLV Ý giàu thành tích tại Chelsea còn phải kể đến Carlo Ancelotti, với cú đúp vô địch ở Ngoại hạng Anh và FA Cup mùa giải 2009/10 bằng sơ đồ hàng tiền vệ hình kim cương nổi tiếng. Sau đó là Antonio Conte, ngay mùa giải đầu tiên ông đã giúp Chelsea vô địch Premier League 2016/17. Conte ra đi vì mâu thuẫn với BLĐ, nhưng cũng kịp chia tay bằng chiếc Cúp FA.
Người Ý duy nhất đến thời điểm này không đạt được danh hiệu vô địch nào tại Chelsea chính là “Gã thợ hàn” Claudio Ranieri (2000-2004). Tuy không vô địch, nhưng công lao lớn của Ranieri chính là xây dựng nền tảng cho The Blues. Ranieri là người đã mua huyền thoại số một trong lịch sử Chelsea là Frank Lampard từ West Ham, cũng là người đã đôn John Terry lên đội 1. Chưa hết, khi các đồng rúp của tỉ phú Roman Abramovich đến với Chelsea vào tháng 7/2003, chính Ranieri đã đem về Claude Makelele, Joe Cole hay Damien Duff, đều là các trụ cột của Chelsea sau này. Đến mùa Hè 2004, khi bị thay thế bởi Jose Mourinho, thì Ranieri cũng đã “chốt hạ” được 2 bản hợp đồng mang tên Petr Cech và Arjen Robben. Nhìn vào những cái tên đó, chỉ có thể nói rằng: công lao của Ranieri ở Chelsea thật sự sánh ngang với một chức vô địch.
Maurizio Sarri khi nhận lời đến với Chelsea, có lẽ ông cũng đã được tư vấn khá kỹ về bài học thành công trong quá khứ của những người đồng hương tiền nhiệm. Tài năng của Sarri đã được kiểm duyệt trên đất Ý, còn Chelsea đem về được những bản hợp đồng ưng ý và giữ chân được ngôi sao số một là Eden Hazard trong mùa Hè này, rõ ràng Sarri hứa hẹn sẽ giúp Chelsea còn bùng nổ hơn cả Napoli.
Tuy nhiên, cái khó của Sarri là ông phải đương đầu với một trong những đội bóng xuất sắc nhất lịch sử Premier League, và vẫn chưa có dấu hiệu “giảm tần suất”, đó là CLB mà ông đã kịp “nếm mùi” trong trận tranh Siêu Cúp tuần trước: Man City của Pep Guardiola. Một trận đấu thể hiện sự thua sút toàn bộ của Chelsea mà nếu Man City nắn nót hơn hẳn thì có thể đã có 4 bàn thắng.
Tuy nhiên, nói qua cũng phải nói lại, đấy là Chelsea và Sarri chẳng cho Pep hay Premier League biết mình có cái gì. Ngược lại, Pep vẫn cho cả thế giới thấy mình giống năm ngoái. Cho nên Man City lúc này là kẻ ở ngoài sáng, còn Chelsea của Sarri lại là kẻ ở trong bóng tối. Vì vậy không ai biết họ có gì, sẽ làm gì, và sẽ chơi thế nào? Đấy là cảm giác nguy hiểm của kẻ đao phủ.
Kẻ đao phủ ấy chưa chắc sẽ hiện hình trong trận cầu khai mạc vào tối nay với Huddersfield, nhưng nếu ai vì sợ hãi trước sức mạnh của Man City hay sự tăng cường lực lượng của Liverpool mà gạch tên Chelsea ra khỏi cuộc đua vô địch, thì xin lỗi bạn đã việt vị.
Bình Luận