Lấy đội bét bảng Sheffield United đụng độ một Chelsea bất bại 13 trận gần nhất, đặc biệt mới chỉ thủng lưới 2 bàn, lại còn ở Stamford Bridge, thì cửa thắng chắc chỉ trong đầu những người mộng mơ. Dẫu sao thì thêm một trận đấu nữa nhằm tôn vinh chuỗi ngày trăng mật ngọt ngào của Thomas Tuchel trước khi bước vào đợt tập trung ĐTQG cũng là dịp để nhìn lại thành quả chiến lược gia người Đức sau gần 2 tháng tiếp quản đội bóng.
2 tháng, 13 trận bất bại, ghi 15 bàn, thủng lưới 2 bàn (1 bàn phản lưới nhà). Ở 6 trận gần nhất, The Blues giữ trắng lưới, trong khi phải gặp các siêu cường Atletico (2 lần), MU, Liverpool và Everton, chưa kể một Leeds cũng vô cùng khó chịu.
Lúc này, nói Tuchel gặp may có vẻ quá khiên cưỡng rồi. Ông thực sự có tài và chứng minh được điều đó ngay tức thì.
Nhìn qua thành tích thống kê và sơ đồ 3 trung vệ, có cảm giác như Tuchel đang sao chép lại thành tựu của Antonio Conte. Nhưng trong khi Conte nghiêng hẳn về phòng ngự số đông, Tuchel lại xây dựng sự chắc chắn bằng việc đề cao kiểm soát bóng.
Điều này rõ hơn qua lời giải thích của hạt nhân tuyến giữa Jorginho: "Huấn luyện viên muốn chúng tôi kiểm soát trận đấu, chơi bóng từ phía sau dù có bất cứ áp lực gì. Đối với tôi, đó là một cách hay để chơi thứ bóng đá mà tôi thích. Và tôi nghĩ nó phù hợp với năng lực của mình hơn là chơi bóng dài và bóng hai như trước đây".
Trên thực tế, cách chơi này không mới nhưng với những tinh chỉnh của Tuchel, Chelsea đang thực sự hiệu quả. Thực ra, cách vận hành xây dựng bóng từ phần sân nhà chỉ là nền tảng mà Tuchel áp lên các học trò. Ông muốn họ tìm lại sự tự tin từ những việc đơn giản như ban bật ở phạm vi hẹp, tìm cách thoát pressing trên phần sân nhà - giống hệt những bài tập "bóng ma" các cầu thủ thực hiện hàng ngày.
Khi có được nền tảng đó, phần còn lại mới là đỉnh cao. Tuchel để các học trò tự đọc trận đấu rồi tự đưa ra những quyết định quan trọng, thay vì đi theo một bài vở cố định nào. Chính vì thế, Chelsea mới trở thành một con "tắc kè hoa", lúc thì chơi bóng ngắn như lời Jorginho, lúc lại tận dụng triệt để những đường chuyền dài như trước Everton và Atletico (lượt về).
Tùy vào đối thủ sẽ có cách riêng biệt để giải quyết trận đấu, đó mới là tôn chỉ của Tuchel. Cứ nhìn vào cách ông luân phiên sử dụng tổ hợp 2 tiền vệ trung tâm từ 3 lựa chọn có phong cách hoàn toàn khác nhau là Jorginho, Kovacic, Kante là biết.
"Phong cách chơi bóng của Kovacic là ngắn, nhanh", Jorginho chia sẻ. "Vì vậy, tôi biết khi nào cậu ấy muốn đập nhả hoặc khi nào muốn có khoảng trống để di chuyển về phía trước và đi bóng. Tôi sẽ cố gắng giúp cậu ấu, cho cậu ta không gian hoặc lại gần để có một lựa chọn chuyền bóng, bất cứ điều gì cậu ấy cần để thoát pressing".
"Với Kante cũng vậy. Tôi biết rằng cậu ấy có nền tảng thể lực đáng kinh ngạc. Khi đá cùng cậu ấy, tôi thường ra dấu hoặc hô to để thông báo cho cậu ấy mình đang ở đâu. Kante và Kovacic là những cầu thủ xuất chúng và tôi rất may mắn khi được thi đấu cùng họ", Jorginho nói thêm.
Với một đội bóng ổn định, theo lẽ thường, tuyến tiền vệ phải cố định. Nhưng đằng này, không chỉ tiền vệ trung tâm luân phiên, đến cả wing-back, hộ công hay trung phong, Tuchel đều có thể "trộn" lên.
Trận lượt về vòng 1/8 Champions League trước Atletico là một ví dụ điển hình. Tuchel thậm chí không sử dụng một phút nào 2 cầu thủ ghi bàn tốt nhất kể từ lúc ông đến là Giroud và Mason Mount. Chelsea vẫn thắng, lại còn đầy thuyết phục.
Bất lợi trước đây của Tuchel về sự hiểu biết hạn chế các học trò giờ trở thành... lợi thế. Vì sao? Vì ông không phải tuân theo bất cứ khuôn khổ nào về việc sử dụng con người, sách hướng dẫn mà Frank Lampard bỏ lại có khi Tuchel còn chẳng đọc trang nào.
Thế nên mới có chuyện một cầu thủ tưởng như đã bị lãng quên ở Stamford Bridge như hậu vệ trái Emerson vẫn có thể ra sân và ghi bàn quyết định vào lưới Atletico. Dưới thời Lampard, đó là chuyện không thể. Nhưng trong hiện tại, mọi thứ đều có thể, vì nó tùy biến trong suy nghĩ của Tuchel.
Vào 20h30 tối nay, hãy chờ xem trí tưởng tượng của Tuchel còn bay xa đến mức nào, khi đối thủ chỉ là Sheffied United đã sẵn sàng chịu đựng.
Bình Luận