10 năm trước, ngay cả những CĐV trung thành và giàu trí tưởng tượng nhất cũng không hình dung nổi Man City sẽ vươn đến tầm vóc như hiện tại. Nhưng kể từ khi các ông chủ Arab xuất hiện ở đội bóng, họ đã lạc vào một giấc mơ hoang đường nhất và có thật!
Những ngày đầu gian khó
Pep Guardiola đã nói: “Để giành danh hiệu với thứ bóng đá đẹp, điều kiện tiên quyết là phải có các cầu thủ hàng đầu”. Để sở hữu họ, đương nhiên phải chi tiền. Trong 2 năm qua, HLV người Tây Ban Nha đã tập hợp quanh mình những ngôi sao hàng đầu nhờ tiêu tới 450 triệu bảng của Man City. Sắp tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều sao số khác gia nhập Etihad, bởi tiền là thứ mà đội bóng này rất sẵn.
Nhưng cách đây 10 năm thì dù có tiền, nhưng danh tiếng và lịch sử nghèo nàn của Man City khiến công tác chuyển nhượng gặp vô vàn khó khăn. Robinho, bản hợp đồng đầu tiên mà tỷ phú Sheikh Mansour thực hiện, từng tiết lộ là tham vọng của các ông chủ người Arab khi đó là mua Kaka và Messi. Và họ cũng muốn có John Terry, Xabi Alonso hay Steven Gerrard. Nhưng tất cả đều bất thành.
“Vào những ngày đầu, các cầu thủ chỉ mới, hoặc chưa từng nghe nói và cũng không quan tâm đến Man City”, một cựu quan chức cấp cao của nửa xanh thành Manchester nói. Khi họ gõ cửa phòng khách sạn Dimitri Seluk ở Roma, người đại diện của Yaya Toure đã chế giễu: “Man City? Tại sao Yaya phải rời Barca để tới đó?”.
Để thuyết phục tiền vệ người Bờ Biển Ngà, họ đã phải đưa ra mức lương kỷ lục khi ấy là 220.000 bảng/tuần. Tương tự là David Silva, người sau này trở thành huyền thoại sống của CLB, không hào hứng tới Man City. Họ chỉ may mắn có được anh bởi Valencia khi ấy đang cần tiền trả nợ. Trong 10 năm qua, Sheikh Mansour đã tiêu tốn 1,2 tỷ bảng cho việc mua sắm. Đội hình Man City liên tục được nâng cấp sau mỗi năm và cho đến hiện tại, tổng giá trị dàn cầu thủ ở Etihad lên đến 777 triệu bảng, đắt nhất thế giới.
Kỳ công của Al Mubarak
Các thương vụ Man City thực hiện phần lớn đều rất thành công, từ Vincent Kompany, David Silva, Toure, Sergio Aguero tới Kevin De Bruyne hay Gabriel Jesus. Tất cả là nhờ Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak. Ngay từ những năm đầu hỗn loạn, ông đã thiết lập một chính sách tuyển dụng khắt khe và khoa học, với các mục tiêu được xác định sớm, gồm 3 đến 4 cầu thủ xếp theo thứ tự ưu tiên.
Nhằm lôi kéo ngôi sao, ngoài vấn đề tiền bạc, Man City cũng duy trì mối quan hệ gần gũi với các bản hợp đồng tiềm năng và vẽ lên bức tranh hấp dẫn về cuộc sống ở Manchester. Ví dụ như năm 2012, họ đã có cuộc trò chuyện với Eden Hazard ở một khách sạn tại Lille. Đại diện của ngôi sao người Bỉ, John Bico hết sức quan tâm và gợi ý Man City nên trao đổi với Hazard về bóng đá và cuộc sống tương lai, thay vì tiền bạc. Tiếc là Roberto Mancini lại đề cập tới tiền lương. Và thế là Hazard đến Chelsea.
Bên cạnh đó, Man City cũng nỗ lực cải thiện cơ sở vật để phù hợp với tầm vóc của CLB, như tu bổ sân Etihad, làm mới sân tập và xây dựng Học viện. Tất cả tạo dựng nền tảng để Man City vươn lên là đội bóng hàng đầu, một điểm đến hấp dẫn cho các cầu thủ hàng đầu. “Thành công của The Citizens không được tạo ra sau một vài năm”, GĐĐH Ferran Soriano nói.
TỪ KHÓA: Manchester CityLiverpoolPep GuardiolaChampions LeagueNgoại hạng anhBình luận Bóng đá quốc tếMan City vô địch Ngoại hạng Anh
Bình Luận