Với sức mạnh kinh hoàng hiện tại của Man City, chỉ có những diễn biến ngoài sân cỏ mới đủ cản bước thầy trò Pep Guardiola làm nên lịch sử. Man xanh hiểu điều đó, nên chỉ vài giờ sau khi đánh bại Real Madrid 4-0 giành vé vào chung kết Champions League 2022/23, họ đã tăng cường nỗ lực chống lại những cáo buộc vi phạm từ Ngoại hạng Anh nhằm đảm bảo mọi chuyện không có gì bất trắc.
Theo Telegraph, Man City đang cảm thấy không hài lòng, đồng thời đặt dấu hỏi khi Murray Rosen KC - người đứng đầu Hội đồng tư pháp độc lập của Premier League - mới đây đăng tải hồ sơ của ông trên website với nội dung là "thành viên của MCC (Marylebone Cricket Club) và Arsenal FC". Theo các quy tắc, Rosen có quyền bổ nhiệm chính bản thân mình làm Chủ tịch ủy ban nếu ông muốn. Rõ ràng, việc một người là fan ruột Arsenal đứng đầu một cơ quan tư pháp điều tra Man City đã vấp phải nhiều nghi vấn.
Về 115 cáo buộc liên quan đến vi phạm quy tắc, Man City lập luận rằng Premier League không nên áp dụng điều tra mà được cho là đã xảy ra trước đó. Phía Premier League chưa đưa ra phản hồi về quan điểm này. Dù vậy, các chuyên gia pháp lý đã ước tính vụ việc có thể mất từ 2 đến 4 năm để được giải quyết, và những lời phản công mới nhất từ Man City có thể khiến mọi chuyện còn kéo dài hơn nữa.
Khi Premier League công bố các cáo buộc vào tháng 2 vừa qua, Man City cho biết họ sẽ hoan nghênh phiên điều trần của ủy ban như một cơ hội để xóa bỏ các cáo buộc về sự vi phạm tài chính đã đeo bám CLB trong nhiều năm "một lần và mãi mãi". Man xanh phủ nhận mạnh mẽ có sai phạm, đồng thời nhấn mạnh họ nắm trong tay "toàn bộ bằng chứng không thể chối cãi để hỗ trợ cho quan điểm của mình". Các cáo buộc được Premier League đưa ra sau 4 năm điều tra. Nếu bị chứng minh có tội, Man City có thể đối mặt với một loạt án phạt chưa từng có, bao gồm đình chỉ thi đấu, trừ điểm, phạt tiền, thậm chí trục xuất khỏi giải đấu.
Các cáo buộc liên quan đến báo cáo tài chính trải dài trong 9 mùa giải từ 2009/10 đến 2017/18. Ngoài ra, Man xanh còn bị buộc tội không hợp tác với cơ quan điều tra, và không bàn giao các tài liệu theo yêu cầu trong khoảng thời gian 5 mùa giải, từ 2018/19 đến mùa giải này. Một vài rắc rối khác cũng liên quan đến việc Man City bị cáo buộc không cung cấp đầy đủ chi tiết về tiền lương của HLV Roberto Mancini trong mùa giải 2012/13, và không cung cấp "chi tiết đầy đủ về thù lao của các cầu thủ trong các hợp đồng liên quan đến họ" từ mùa 2010/11 đến 2015/16. Cả hai việc này đều là bắt buộc theo quy định của Premier League.
Trước đó vào năm 2020, Man City đã bị LĐBĐ châu Âu (UEFA) cấm thi đấu tại cúp châu Âu 2 năm vì cáo buộc vi phạm các quy tắc của Luật công bằng tài chính (FFP). Dù vậy, đội bóng của Pep Guardiola đã kháng cáo thành công lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS). Tuy nhiên, trong trường hợp bị Premier League kết tội, Man City sẽ không thể một lần nữa cầu cứu CAS, do Tòa án châu Âu không được các CLB công nhận. Thay vào đó, nếu muốn "lật kèo", Man City sẽ phải theo đuổi các lựa chọn thông qua tòa án luật London.
Nhìn chung, như đã đề cập, với sự phức tạp của vụ việc, sẽ phải mất tương đối nhiều thời gian nữa để Premier League có thể kết tội Man City nếu có. Giờ đây, Man xanh sẽ vừa phải căng sức thi đấu trên sân, vừa phải tiếp tục dồn sức bám theo những cáo buộc tiêu cực chĩa về mình ngoài sân cỏ. Chưa rõ ai đúng, ai sai, song có một điều hiện hữu, đó là Man City đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử với "cú ăn ba" kỳ vĩ.
Bình Luận