Johan Cruyff từng nói: “Bóng đá là môn chơi đơn giản, nhưng chơi bóng một cách đơn giản lại là điều khó nhất”. Làm được cái điều như Cruyff nói, một cách gần nhất, chính là M.U của Jose Mourinho.
Một cầu thủ trực tiếp nhận bóng từ pha phát bóng của thủ môn (hoặc quả ném biên, phạt góc), thì dĩ nhiên là không việt vị - bất kể anh ta đứng ở vị trí thế nào so với hàng thủ đối phương. Đấy là luật. Chẳng những rõ ràng, mà còn quá dễ hiểu (về mặt logic) tại sao luật bóng đá lại như thế. Và tóm lại, đấy có lẽ là điều cuối cùng chúng ta có thể ngờ vực, rằng giới bóng đá nhà nghề lại không nhớ đến chi tiết này.
Nhưng, hễ đấy là quả phát bóng từ thủ môn Ederson của Man City “vô đối”, người ta sẽ ca ngợi, cứ như Pep Guardiola thần thánh gấp trăm lần Albert Einstein. Pep “phát hiện ra kẽ hở” trong luật bóng đá? Ôi chao!
Cách đây gần nửa thế kỷ, từng có một đường chuyền dài nổi tiếng đến mức ngôi sao người Hà Lan Rob Rensenbrink phải... ẩn dật, để không phải nghe thêm những bình luận chối tai. Đấy là đường chuyền từ phần sân nhà của Ruud Krol, đưa bóng về phía Rensenbrink ở tận cuối sân bên kia. Rensenbrink sút dội cột, từ góc hẹp. Khi ấy, trận chung kết 1978 (Argentina - Hà Lan) chỉ còn 2 phút, với tỷ số hòa. Có nghĩa, Rensenbrink đã bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan?
Hàng chục năm sau, có người tìm được Rensenbrink và nghe ông nói: “Tôi làm sống lại một pha bóng đã coi như vứt đi, rồi lại biến nó thành một cú sút dội cột”. Nhưng trên mặt báo, người ta vẽ ra câu chuyện khác hẳn. Từ đó, Rensenbrink không muốn đọc hoặc nghe bình luận bóng đá nữa.
Tình huống Rensenbrink nhận bóng trong ví dụ vừa nêu khó gấp trăm lần những gì người ta từng ca ngợi Pep Guardiola (hoặc thủ môn Ederson; người nhận bóng, thường là Sergio Aguero; hoặc “cách chơi” của Man City nói chung). Các tình huống nhận quả phát bóng dài từ Ederson đâu bị chi phối bởi luật việt vị! Thật ra, vài quả phát dài của Ederson cũng không phải là bài bản quen thuộc, vì không phải bao giờ hàng thủ đối phương cũng sơ suất, hở lưng. Tỷ lệ phát bóng dài của Ederson là bao nhiêu nhỉ, xét trên số lần chuyền bóng thường lên đến gần con số 1.000 trong mỗi trận đấu của Man City?
Chắc chắn một điều: cách chơi bóng dài của M.U trong vừa qua là rõ ràng hơn, về mục đích. Đấy mới là bài bản công phu, đã chuẩn bị sẵn. Và khi triển khai thành bàn, đấy không bao giờ là chuyện may mắn - khác hẳn ý đồ chuyền thẳng về phía sau lưng hậu vệ đối phương để “cầu may” kiểu Ederson.
Romelu Lukaku có khả năng tuyệt vời trong việc làm chủ những đường chuyền dài và bổng về phía mình. Mặt khác, việc chống đỡ các đường chuyền như vậy lại là sở đoản của hậu vệ Liverpool. Và thầy trò Jose Mourinho dễ dàng tìm đến chiến thắng qua con đường ấy, cứ như đấy là một lẽ tất yếu.
Hồi gặp Tottenham, M.U cũng thắng bằng con đường giống hệt. Cũng là sân nhà Old Trafford. Cũng là đường chuyền dài và bổng từ thủ môn De Gea, rồi Lukaku dùng đầu chuyền tiếp, chỉ một nhịp duy nhất trước khi Anthony Martial ghi bàn duy nhất vào lưới Hugo Lloris - một thủ môn giỏi. Xin nhắc lại: De Gea chủ động chuyền bổng về phía Lukaku, chứ không chuyền thẳng ra sau hàng thủ đối phương. Đấy là cách chơi rất khó, rất công phu.
Johan Cruyff từng nói: “Bóng đá là môn chơi đơn giản, nhưng chơi bóng một cách đơn giản lại là điều khó nhất”. Còn phải bận tâm chiến thuật, chiến lược làm gì nữa, nếu bạn luôn có khả năng chuyền 70m và đặt tiền đạo của mình vào vị trí có thể ghi bàn? Chẳng qua, đấy là điều không ai thường xuyên làm được, nên người ta mới phải tìm đến khung thành đối phương bằng những con đường vòng vo, mang tên chiến thuật.
Làm được cái điều như Cruyff nói, một cách gần nhất, chính là M.U của Jose Mourinho. Nhưng tất nhiên, ít ai khen, và ông cũng chẳng hề quan tâm điều đó.
Bình Luận