Man City - Chelsea là trận đấu giữa đội đầu bảng, coi như chắc chắn vô địch, với đội đang đứng bên ngoài Top 4, không dễ có suất dự Champions League mùa tới?
Đấy là trận đấu giữa hai đội cách nhau 22 điểm - lớn hơn khoảng cách giữa “đội mạnh” Arsenal với đội Stoke trong nhóm rớt hạng hiện thời? Khoảng cách về số bàn thắng ghi được giữa Man City với Chelsea lớn hơn cả khoảng cách về số bàn thắng của đội nhì bảng M.U với đội chót bảng West Brom?
Vâng, tất cả đều là sự thật. Nhưng, những con số lạnh lùng trong môn bóng đá đôi khi chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Hoặc, người ta có thể nhìn vào những con số bất di bất dịch và cảm nhận những điều hoàn toàn khác nhau.
Hãy gọi Man City - Chelsea là cuộc so tài giữa đội đầu bảng hiện thời với đội ĐKVĐ, và ý nghĩa của một cuộc thư hùng thượng đỉnh sẽ lập tức hiện ra, khác hẳn với sự thể hiện của những số liệu dễ làm cho người ta liên tưởng đến một cặp đấu hoàn toàn chênh lệch về đẳng cấp.
Dĩ nhiên, ai cũng dễ dàng chỉ ra những chỗ xuất sắc, mạnh mẽ, choáng ngợp của Man City ở mùa này. Nhược điểm hoặc những chỗ sa sút của Chelsea cũng đã lộ rõ. Nhưng tóm lại, bao nhiêu người dám quả quyết trước giờ bóng lăn, rằng Man City chắc chắn chiến thắng? Rất khó nói.
Mùa trước, nhà vô địch Chelsea lần lượt thua (ít nhất là một trận) trước 4/5 đội mạnh còn lại trong hàng ngũ Big Six ở Premier League. Liverpool là đội duy nhất trong nhóm này không thua trận nào ở những cuộc chiến thượng đỉnh, nhưng họ chỉ đứng thứ 4, phải đá play-off để được ghi tên vào Champions League.
Bóng đá đỉnh cao luôn có những câu chuyện “bình thường” như vậy. Real vô địch La Liga - giải đấu dường như chỉ có mỗi Real với Barca cạnh tranh ngôi cao. Nhưng khi đối đầu trực tiếp thì Real thua Barca ngay tại sân nhà (trận còn lại hòa).
Hãy bàn về những gì sẽ xảy ra trong 90 phút, bằng quy luật của cái tạm gọi là thứ “bóng đá 90 phút”. Pep Guardiola không phải là con người của “bóng đá 90 phút”. Man City chọn ông huấn luyện cũng vì vậy. Pep làm việc, tồn tại, thắng hoặc thua trong bóng đá đỉnh cao bằng triết lý nhiều hơn chiến thuật.
Triết lý có thể làm nên hẳn một “triều đại”, mở ra hẳn một trường phái. Nhưng nội trong 90 phút trên sân, người ta tranh hùng với nhau bằng chiến thuật, hơn là triết lý. Và - HLV Chelsea. Vậy nên, sẽ chẳng bao giờ là lạ lùng, trớ trêu, nếu Chelsea của Conte thắng trong một trận cụ thể, còn Man City của Pep thắng trong mùa bóng, hoặc cả một giai đoạn lâu dài hơn.
Ai cũng chờ xem rút cuộc Man City sẽ vô địch Premier League mùa này với bao nhiêu kỷ lục, với những cột mốc hào nhoáng đến mức độ nào. Nghĩa là đội bóng của Pep hẳn nhiên cũng rất muốn thắng, càng nhiều càng tốt. Nhưng đấy chỉ là “muốn”, và suy cho cùng Man City cũng chẳng mất gì nếu họ không thắng Chelsea như mong muốn.
Ngược lại, Chelsea “phải” thắng, chứ không chỉ “muốn”. Đấy là vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Phải thắng để may ra có thể trở lại Top 4 và không mất những quyền lợi to lớn ở Champions League. Trong tay Conte có thể là một lực lượng yếu hơn, lối chơi xoàng hơn, phong độ tệ hơn.
Nhưng tóm lại, “phải” thắng vẫn là mục tiêu, nhiệm vụ... nặng ký hơn. Đây cũng là chi tiết đáng kể, để nhắc nhở những ai thích xem bóng đá qua những con số: trận Man City - Chelsea sẽ không phản ánh chuẩn xác những khác biệt lớn lao mà số liệu ghi nhận về hai bên trong mùa bóng này. Mọi kết quả đều có thể xảy ra trong cuộc thư hùng hấp dẫn này. Và đấy chính là điều làm cho môn bóng đá luôn hấp dẫn.
Bình Luận