Diogo Jota: 'Tôi không thể tin mình với tới Liverpool'

Mùa Hè 2020, Diogo Jota được mua về với thử thách khủng khiếp là phá bỏ kết cấu đinh ba biểu tượng của hàng công Liverpool: Salah-Mane-Firmino. Anh đã làm được nhưng bây giờ, những đối thủ tiếp theo lại xuất hiện ở Anfield.
Diogo Jota: 'Tôi không thể tin mình với tới Liverpool'

Sống là cạnh tranh

“Klopp nói rõ ràng, tôi ở đây là để thách thức bộ ba hàng công và không được phép hài lòng khi vào sân từ ghế dự bị”, Jota nhớ lại những gì Juergen Klopp đã nói với mình khi chuyển tới từ Wolves. “Được thi đấu với những người giỏi nhất sẽ giúp bạn tiến bộ và tôi biết mình sẽ cải thiện được trình độ, đồng thời kiếm được một suất trong đội hình chính. Đó chính xác là những gì tôi đã làm ngay từ lúc bắt đầu”.

Trận ra mắt Liverpool của Jota là trước Arsenal vào tháng 9/2020. Anh phải ngồi dự bị và chỉ được tung vào sân ở phút 80. Nhưng chỉ sau 8 phút có mặt, Jota ghi bàn thắng đầu tiên cho đội bóng mới. Trước ngày sang The Reds 2 tuần, chàng trai sinh năm 1996 này cũng có bàn thắng ra mắt ĐT Bồ Đào Nha. 

Dường như đó là những đặc trưng của Jota: Nhanh, trực diện. Gần như ngay lập tức, anh chiếm được tình cảm của người hâm mộ Liverpool bởi khả năng hòa nhập thần tốc. “Tôi luôn thẳng thắn”, Jota chia sẻ. “Mục tiêu của tôi là ghi bàn. Tôi ở đây để ghi bàn”.

Mùa đầu ở Anfield, Jota ghi 13 bàn sau 30 trận, trong đó có 19 trận ở Premier League. Sang đến mùa 2021/22, mọi thống kê đều tăng đột biến. Jota trở thành trụ cột không thể thay thế khi nổ súng 21 lần sau 55 trận trên mọi đấu trường. Rất nhiều lần, Firmino phải ngồi dự bị cho gã “ma mới” này. Nhiệm vụ mà Klopp giao cho Jota đã hoàn thành.

Mọi thứ còn vượt quá kỳ vọng của Jota khi Mane quyết định chia tay Liverpool trong mùa Hè 2022. Nhưng khi người này đi thì người kia đến, Jota chưa bao giờ thiếu sự cạnh tranh ở Anfield. Hết Luis Diaz rồi tới Darwin Nunez đe dọa vị trí đá chính của Jota.

Cả hai tiền đạo này đều trải qua những khó khăn cùng cực để tạo nên sự khát khao và tham vọng như ngày nay. Nhưng Jota cũng có câu chuyện truyền cảm hứng của riêng mình. Đến tận năm 16 tuổi, anh vẫn phải trả tiền để được thi đấu cho đội bóng địa phương Gondomar.

“Thực ra không phải tôi mà là cha mẹ trả tiền”, Jota đính chính. “Ở Bồ Đào Nha hơi khác với Anh một chút. Bạn phải trả tiền hàng tháng để được thi đấu ở các CLB nhỏ. Chỉ đến khi tới Pacos, tôi mới nhận những đồng lương đầu tiên”.

“Sự khát khao đã theo tôi từ lúc tôi bắt đầu nhớ được. Trong suốt thời niên thiếu, tôi chưa bao giờ được thi đấu cho một đội bóng lớn. Tôi có những người bạn được chuyển tới Porto và Benfica. Tôi cũng đã thử việc ở đấy nhưng không được giữ lại. Thế nên khi cơ hội tới, tôi nắm lấy thật chặt. Khi ta còn trẻ, chắc hẳn ai cũng có niềm tin mãnh liệt. Nhưng thú thực là tôi không dám tin mình có thể với tới Liverpool. Chỉ là tôi thực hiện từng bước, ngày qua ngày”.

Diogo Jota

Cái chân trái dị biệt

Ở Liverpool, nhắc đến chân trái thì người ta nghĩ ngay tới Salah, tiếp đó là Andy Robertson, Harvey Elliott. Nhưng để Jota có được chỗ đứng tại Anfield như hiện tại, chân trái đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Trên thực tế, Jota là cầu thủ còn đang thi đấu sở hữu cái chân không thuận xuất sắc nhất Premier League.

Trong số 40 bàn thắng ở hạng đấu cao nhất nước Anh, Jota ghi 15 bàn bằng chân trái, 18 bàn bằng chân phải. Nếu không tính số bàn thắng bằng đầu thì tỷ lệ ghi bàn bằng chân không thuận của Jota lên tới 45%.

Christian Eriksen, Son Heung-min đều là những chuyên gia dùng chân trái nhưng vẫn kém Jota một bậc. Có lời giải thích nào cho khả năng này? Nếu như Sonny bị bố bắt dùng chân trái song song với chân phải ngay từ khi còn nhỏ thì với Jota, mọi thứ đến tự nhiên hơn rất nhiều.

“Khi còn nhỏ, tôi chơi ở vị trí tiền vệ lệch trái trong sơ đồ 4-3-3 của Gondomar”, Jota cho biết. “Tôi luôn là người duy nhất thi đấu ở khu vực đó. Vì thế tôi luôn phải dùng chân trái như một phần tất yếu. Tôi cũng không biết nữa, chỉ là có cảm giác tôi làm mọi thứ tốt hơn với chân trái”.

Do đó, không ngạc nhiên khi kể từ thời còn chơi cho Wolves, Jota đã xuất hiện rất nhiều bên hành lang trái. Không chỉ là những pha cắt vào trung lộ rồi dứt điểm bằng chân phải. Khi tình thế yêu cầu, Jota có thể sút ngay bằng chân trái. “Với chân phải, tôi sút mạnh hơn. Nhưng tôi sút bằng chân trái chính xác hơn”, Jota nhấn mạnh. “Đôi khi các đối thủ be hết chân phải và cho tôi cơ hội dùng chân trái. Tôi chỉ chờ có thế và lập tức sút thôi”.

Không chỉ sút, Jota còn có thể đi bóng bằng chân trái, qua đó gia tăng tính đột biến lên nhiều lần. Jota hài hước: “Tôi không coi mình là người đi bóng tốt nhất giải đấu. Các số liệu chứng minh điều đó. Nhưng nếu đối thủ không biết tôi sẽ dùng chân nào thì đó là một thuận lợi”.

TỶ LỆ BÀN THẮNG BẰNG CHÂN TRÁI Ở PREMIER LEAGUE 
(Chỉ tính những cầu thủ còn đang thi đấu với 40 bàn trở lên)
1. Diogo Jota (45%)
2. Christian Eriksen (44)
3. Son Heung-min (43)
4. Richarlison (36)
5. Danny Welbeck (34)

    Bình Luận