
“Tôi là người đặc biệt”
Những ai yêu mến Chelsea hẳn sẽ không bao giờ quên buổi họp báo ngày 2/6/2004 tại Stamford Bridge. Cả trăm phóng viên thể thao ở Anh và châu Âu đã đổ về sân bóng này để chứng kiến màn ra mắt của tân HLV trưởng Chelsea. Jose Mourinho - người vừa đưa Porto tới chức vô địch Champions League mùa trước, xuất hiện trước rừng ống kính và có một câu nói đi vào lịch sử: “Tôi là người đặc biệt”.
Phát biểu đầy ngạo nghễ khiến cái biệt danh “Người đặc biệt” gắn chặt với sự nghiệp của Mourinho. Lúc ông thăng hoa, người ta bảo ông quả thật là đặc biệt. Lúc ông thất bại, người ta cũng mang cái danh xưng ấy ra để mỉa mai. Nhưng đấy là những chuyện của sau này. Còn ở thời điểm cách đây hơn 1 thập kỷ, Mourinho quả thực có đầy đủ lý do để khẳng định rằng, ông là một, là riêng là duy nhất.
Mourinho đến Chelsea đúng vào lúc đội bóng này đang khát khao “lột xác” nhờ bầu sữa vô tận của tỷ phú Roman Abramovich. Họ đã trải qua 4 năm cố gắng dưới thời HLV Claudio Ranieri, người có biệt danh “Gã thợ hàn”. Giỏi xoay sở với nguồn lực hạn chế nhưng Ranieri lại thiếu cá tính và bản lĩnh của một người có thể làm nên nghiệp lớn. Vì thế, dù Chelsea giành ngôi á quân Premier League 2003/04 nhưng vẫn chẳng ai tin rằng, họ đủ khả năng lật đổ sự thống trị của bộ đôi M.U - Arsenal trong cuộc đua tới ngai vàng Ngoại hạng.
May thay, Abramovich đã có một quyết định thay đổi vận mệnh cho Chelsea khi tuyển mộ Mourinho. Cái cách nhà cầm quân 42 tuổi đưa Porto đến chức vô địch Champions League mùa 2003/04 và trước đấy là UEFA Cup 2002/03 đã thuyết phục tỷ phú người Nga rằng đây thực sự là một tài năng đặc biệt. Trên thế giới thời điểm ấy, không một HLV nào cùng độ tuổi với Mourinho lại có được bảng thành tích hoành tráng như ông.
Chiến công phi thường
Mourinho không bắt các CĐV Chelsea cũng như giới truyền thông phải đợi quá lâu. Ngay mùa đầu tiên tại Chelsea, ông đã đưa đội bóng đến chức vô địch Premier League 2004/05. Đấy là danh hiệu VĐQG đầu tiên của The Blues sau 50 năm và đấy cũng là lần đầu tiên sau một thập kỷ, bóng đá Anh chứng kiến một đội bóng khác ngoài M.U và Arsenal đăng quang tại giải Ngoại hạng.
Hành trình đến chức vô địch Premier League năm ấy của Chelsea có thể nói là phi thường, thật xứng với danh xưng “đặc biệt” của Mourinho. Họ khởi đầu bằng thắng lợi 1-0 trước Man United rồi thắng liền một lèo 3 trận nữa để bám sát nhà ĐKVĐ Arsenal với cùng 12 điểm sau 4 vòng và chỉ đứng sau vì kém hiệu số bàn thắng bại.
Và rồi đến vòng đấu thứ 12, The Blues đã chính thức vượt lên trên Pháo thủ nhờ đánh bại Everton 4-0 trong khi đội bóng của HLV Wenger bị Crystal Palace cầm hòa 1-1. Kể từ sau cú đổi ngôi ấy, thầy trò Mourinho không bao giờ trở lại vị trí thứ hai nữa. Họ băng băng lao đi như một cơn lốc và rồi, về đích với 95 điểm, trở thành nhà vô địch có điểm số cao chưa từng có trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh (đến mùa 2017/18, kỷ lục ấy mới bị Man City xô đổ).
Công bằng mà nói, Mourinho có thuận lợi lớn là ông được mua sắm cầu thủ thỏa thích nhờ túi tiền không đáy của tỷ phú Abramovich. Nhưng ngôi sao hay nhất thế giới khi ấy, theo quan điểm của Mourinho, là Petr Cech, Didier Drogba, Ricardo Carvalho và Arjen Robben đã gia nhập Chelsea để tăng cường sức mạnh rõ rệt cho đội bóng này.
Nhưng Người đặc biệt cũng cho thấy dấu ấn đặc biệt. Với Mourinho, Chelsea luân chuyển linh hoạt giữa hai sơ đồ: 4-4-2 kim cương, với Lampard chơi ngay phía sau 2 tiền đạo như cách mà Deco thi đấu tại Porto và 4-3-3 để khai thác tối đa cặp tiền đạo cánh hay nhất Premier League: Robben – Duff. Dù sơ đồ nào, Chelsea cũng đều chơi tuyệt hay. Họ không chỉ vô địch với số điểm kỷ lục mà còn trở thành đội quán quân có số bàn thua ít nhất lịch sử Premier League, khi chỉ 15 lần bị chọc thủng lưới.
Chiến lược gia trẻ tuổi ngổ ngáo người Bồ Đào Nha đã cho thấy tầm vóc của một thiên tài chiến thuật khi giúp Chelsea tạo ra hàng loạt kỷ lục ngay trước mũi hai HLV huyền thoại là Sir Alex Ferguson và Arsene Wenger. Cùng với Mourinho, Chelsea còn vô địch giải Ngoại hạng Anh mùa bóng tiếp theo để khẳng định sự thống trị tuyệt đối của một quyền lực mới tại xứ sở sương mù.
Thế song cực M.U - Arsenal, kể từ ấy, không bao giờ trở lại nữa. Từ bước ngoặt được Mourinho tạo ra, giải Ngoại hạng Anh chứng kiến thêm Man City và Leicester, những đội bóng cũng được chống lưng bởi chủ ngoại, lên ngôi vô địch. Nói Mourinho, bất luận thế nào, vẫn là Người đặc biệt cũng vì những dấu ấn lịch sử như thế.
Bậc thầy tâm lý chiến 77. Hiện tại, Mourinho đang là HLV có mạch bất bại sân nhà dài nhất cùng Chelsea tại Premier League với 77 trận liên tiếp không thua trải qua 2 nhiệm kỳ (2004-2007 và 2013-2015) của ông tại Stamford Bridge. |
XEM THÊM
Pochettino, đệ nhất bại thần tại Premier League
Bình Luận