Được đầu tư hơn 500 triệu bảng, Liverpool có dám mua Haaland hay Mbappe?

Tập đoàn chủ sở hữu Liverpool, FSG, vừa nhận khoản đầu tư trị giá 538 triệu bảng từ quỹ RedBird, đổi lại là 10% cổ phần CLB. Khoản tiền này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược chuyển nhượng hè 2021 của Liverpool ra sao?

Đúng là tập đoàn Fenway Sports đã bổ sung vào quỹ thu nhập ròng của mình số tiền 538 triệu bảng, nhưng nếu cho rằng khoản tiền này sẽ giúp Lữ đoàn Đỏ cạnh tranh sòng phẳng với các “đại gia” trên TTCN vào hè tới là hoàn toàn viển vông.

Thay vào đó, Liverpool sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ mối quan hệ đối tác của FSG với Gerry Cardinale và Billy Beane. Đặc biệt là Beane, người đã khai sinh ra triết lý moneyball (kiếm tiền từ bóng đá) nổi tiếng, từng được dựng thành phim và đang là trào lưu của Premier League suốt 10 năm qua.

Lý thuyết cơ bản của triết lý này tập trung vào việc tìm ra những “viên ngọc thô” với giá rẻ, mài giũa họ trở thành ngôi sao rồi hưởng thành quả về mặt tài chính.

Không ai biểu trưng cho kỷ nguyên moneyball ở Anfield phù hợp hơn Philippe Coutinho, người được CLB đem về với giá 8 triệu bảng vào tháng 1/2013 trước khi bán đi 5 năm sau đó với giá 142 triệu bảng.

Trong những năm gần đây, chiến lược moneyball của Beane tạm được Liverpool xếp sang một bên để nhường chỗ cho những bản hợp đồng “bom tấn” như Alisson Becker (65 triệu bảng), Virgil van Dijk (75 triệu bảng) và Fabinho (40 triệu bảng). Đổi lại, họ có được 2 mùa giải đại thành công với 1 Champions League và 1 Premier League.

Bất chấp thực tế đó, FSG vẫn luôn hướng tới triết lý moneyball về lâu dài.

Coutinho là trường hợp mang tính biểu tượng cho triết lý moneyball ở Liverpool

Trở lại với khoản đầu tư của RedBird. Số tiền khổng lồ này đã đến vào thời điểm không thể lý tưởng hơn cho tập đoàn có trụ sở ở Boston, và rộng hơn là cho Liverpool của Jurgen Klopp. Song, số tiền ấy không phải để The Reds cạnh tranh mua Kylian Mbappe hay Erling Haaland trên TTCN hè 2021. Nó chỉ đảm bảo Liverpool sẽ hoạt động ổn định như thời điểm trước đại dịch mà không cần quá lo lắng về những tổn thất tài chính nữa.

Theo các báo cáo, Liverpool đã thua lỗ 120 triệu bảng (12 triệu bảng/tháng) trong 1 năm qua từ thời điểm CĐV không được phép đến sân vì dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề, các ông chủ đã quyết định vay nợ và mượn tiền dưới danh nghĩa FSG chứ không phải Liverpool.

Với khoản đầu tư lớn từ RedBird, Liverpool đã có một bệ phóng vững chãi hơn cho mùa giải tiếp theo, được dự báo sẽ tươi sáng hơn cho nhân loại và cho chính họ. Không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chấn thương, trên hết là không phải lo lắng về thất thoát tài chính, Liverpool vẫn đủ khả năng thách thức danh hiệu một cách sòng phẳng với Man City.

Khoản tiền từ RedBird không đưa Liverpool đến vị thế của những “đại gia nhà giàu” PSG hay Man City, nhưng nó cho phép GĐTT Michael Edwards, Klopp và hội đồng chuyển nhượng trở lại hoạt động một cách bình thường như năm ngoái.

Liverpool đã bị chỉ trích vì không đem về một trung vệ đẳng cấp nào ở kỳ chuyển nhượng mùa đông dù ai cũng thấy rõ đó là “gót Achilles” của họ. Edwards rốt cuộc chỉ đưa về Ozan Kabak theo dạng mượn và cầu thủ hạng nhất Ben Davies với giá 500.000 bảng.

Đó không phải là cách một CLB vĩ đại và luôn có chiến lược chuyển nhượng hợp lý như Liverpool hoạt động trên TTCN, nhưng tài chính không cho phép họ làm khác. Bản thỏa thuận với RedBird, vì thế, sẽ giúp họ dễ hoạt động hơn ở mùa hè tới, ngay cả khi có thất bại trong cuộc đua vào Top 4 Premier League.

Thêm vào đó, kế hoạch bổ sung 7000 chỗ ngồi cho khán đài Anfield Road cũng được khởi động trở lại, sau khi tạm hoãn kế hoạch này vào tháng 4/2020.

    Bình Luận