Còn ai nhớ về một Man City “vô đối” trên sân cỏ Premier League, nơi họ thi đấu mà như trình diễn, đã chuyền quả bóng vào tận khung thành đối phương mà người xem vẫn còn cảm giác thòm thèm, như thể những đường bóng thêu hoa dệt gấm đáng lẽ còn phải tiếp tục?
Còn ai nhớ rõ, tóm lại thì Man City xô ngã bao nhiêu kỷ lục trên đường chinh phục ngôi cao ở Premier League?
Có thể đã quên hết rồi. Người ta thậm chí có thể đã quên cả những câu chuyện chỉ vừa diễn ra ngay tại World Cup 2018, nói gì đến mùa bóng trước. Vì vậy, xin được nhắc lại một điều: đa số ngôi sao của Man City hiện đang gặm nhấm thất bại ở World Cup. Gabriel Jesus bị khán giả trung lập xem là “của nợ” trên hàng công Brazil. Raheem Sterling không hề ghi bàn, dù ít ra anh cũng có được niềm vui chung khi cùng đội tuyển Anh vào tận bán kết. Sergio Aguero thì ngược lại. Anh ghi bàn, nhưng cười không nổi với các đồng đội Argentina. David Silva và đội tuyển TBN về nước trong tư thế cúi đầu. Fernandinho là “tội đồ” của Brazil. Hậu vệ 57 triệu bảng Aymeric Laporte thì thậm chí không được gọi vào ĐT Pháp. Ngược lại, Leroy Sane may mắn không được đội Đức triệu tập.
Tóm lại, thật khó tưởng tượng tập hợp của những cầu thủ vừa nêu lại chính là đội bóng xuất sắc nhất, đẹp nhất, mạnh nhất, ở giải VĐQG danh giá nhất thế giới. Câu chuyện chỉ khẳng định lại một điều: World Cup quá khác so với đấu trường CLB, dù tất cả đều là bóng đá đỉnh cao.
Và bây giờ, giữa lúc World Cup đã khép lại trong khi mùa bóng mới ở đấu trường CLB chưa thật sự mở ra, mọi người lại “phải” chuẩn bị xem một loại hình bóng đá khác hẳn. Ngày xưa, đấy là các trận giao hữu, với những ý nghĩa và giá trị nhất định của bóng đá giao hữu. Ít ra, cầu thủ luôn có niềm vui chơi bóng, trong cái thời buổi mà người ta phải dàn xếp cả năm trời may ra mới tổ chức được một cuộc vui bóng đá mang tên giao hữu. Nếu là giao hữu với đối thủ đến từ trường phái xa lạ thì càng tuyệt vời. Nhưng bây giờ, bóng đá giao hữu không phải như vậy. “Giao hữu” là nhu cầu cuối cùng của những người trong cuộc, khi các đội bóng nổi tiếng đá giao hữu trong thời buổi này.
Các ngôi sao Manchester City sẽ có dịp gỡ lại thể diện sau một kỳ World Cup bết bát, hay Man City sẽ nhắc lại cho cả thế giới phải nhớ hình ảnh tuyệt vời của họ ở Premier League mùa trước? Chắc chắn là không rồi, cho dù đối thủ của họ ở trận đầu tiên của mùa giải mới ICC là Borussia Dortmund, cũng quá nổi tiếng. Đấy sẽ là “tour du lịch bóng đá”, cho cả các cổ động viên lẫn những cầu thủ có hoặc chưa có tên tuổi. Đấy còn là trách nhiệm có mặt, ra sân, làm cả những việc cần làm trước và sau khi ra sân, theo đúng hợp đồng đã ký với nhà tài trợ. Để làm gì thì đấy là việc của họ. Và đấy là việc làm ra rất nhiều tiền. “Cao sang” hơn thì giới chuyên môn mặc sức rao giảng: đây là vấn đề “team building” - khái niệm mới cả trong cuộc sống lẫn trong bóng đá mà những huyền thoại như Michel Platini, Johan Cruyff hoặc Diego Maradona chắc đều không biết, trong thời kỳ của họ...
Bóng đá kỳ lạ ở chỗ, đôi khi người ta chỉ cần thấy lại hình ảnh đội bóng ưa thích, qua truyền hình cũng được. Thi đấu, suy cho cùng, cũng chỉ là một khía cạnh của bóng đá. Thậm chí cũng chẳng cần xem. Cứ nghe nhắc lại cái tên Man City hoặc Dortmund, sau vài tuần coi như “không nghe, không gặp”, thế là quá đủ! Không phải tự nhiên mà giới làm ăn đổ tiền ra để có những trận giao hữu “vô thưởng vô phạt” trong thời buổi này. Đấy là cả một “ngành” đồ sộ trong bóng đá chuyên nghiệp.
Bình Luận