Ngay từ sớm, tài năng của Rashford đã khiến những HLV tại MU choáng ngợp. "Tài năng của Marcus rất rõ ràng. Có những cầu thủ phát triển muộn, nhưng thường thì nếu ai giỏi nhất, họ đã giỏi từ năm 8 tuổi. Marcus có lối di chuyển rất mượt mà, thanh thoát. Cậu ấy có sự tự thúc đẩy bản thân và luôn tò mò học hỏi", Paul McGuinness - cựu HLV đội trẻ của MU - tâm sự.
Dù vậy, trong những năm đầu tại học viện, Rashford thường xuyên phải nghỉ tập vì gia đình không thể đưa đón anh do mẹ và các anh đều bận làm việc. Sau này, các HLV đội trẻ của MU như Dave Bushell, Eamon Mulvey hay Tony Whelan đã giúp đỡ tìm người đưa đón Rashford đến sân tập - một sự chăm chút đủ để thấy chân sút sinh năm 1997 triển vọng đến mức nào.
"Ngay cả khi các HLV đến đón đi tập, cậu ấy cũng có thể đang tâng bóng lên mái nhà hay tìm cách khống chế bóng rơi xuống, hoặc đá bóng vào thùng rác", McGuinness nói thêm. Năm 11 tuổi, Rashford trở thành cầu thủ trẻ nhất từng được chọn vào chương trình học bổng bóng đá Manchester United Schoolboy Scholars - vốn thường chỉ dành cho các cầu thủ từ 12 tuổi trở lên.
Rashford được đẩy nhanh quá trình phát triển và bắt đầu chơi bóng kiểu "cage football" (bóng đá trong lồng) cùng các đàn anh như Paul Pogba, Jesse Lingard hay Ravel Morrison. Điều này đã giúp Rashford nâng cao kỹ thuật và khả năng xử lý trong không gian hẹp khi đối đầu với những người hơn mình đến 4 tuổi.
Năm 2012, Rashford góp mặt trong đội U15 của MU giành ngôi á quân tại giải Marveld lần thứ 23. Đến năm 2014, tờ The Guardian gọi anh là tài năng sáng giá nhất của Manchester United trong loạt bài "Next Generation 2014", ca ngợi phong cách "bóng đá toàn diện" của Rashford.
Ở tuổi 16, Rashford lần đầu được tập cùng đội một MU dưới thời HLV David Moyes trong mùa 2013/14. Dù vậy, con đường trở thành cầu thủ Premier League không hề đơn giản.
"Marcus đã trải qua một chặng đường dài", McGuinness nói. "Khi 14-15 tuổi, cậu ấy phát triển thể chất quá nhanh, chân dài ra khiến mất đi sự phối hợp. Điều đó khiến Marcus bực bội, tâm trạng thất thường vì không làm được như trước. Về thể lực, cường độ ở mỗi cấp độ cao hơn đều tăng. Một trong những trận đầu tiên ở đội U18, Marcus đã kiệt sức ngay trong hiệp một. Nhưng chúng tôi vẫn giữ cậu ấy trên sân".
Nếu phải tìm ra cột mốc định mệnh của Rashford, ta phải bắt đầu từ trận đấu gặp Shrewsbury trong khuôn khổ vòng 5 FA Cup vào ngày 22/2/2016. Rashford khi đó 18 tuổi và không góp mặt trong chiến thắng 3-0 của MU. Anh vừa có một trận đá chính hiếm hoi cùng đội U21 đối đầu Man City hai ngày trước đó. Song những gì xảy ra tại sân Greenhous Meadow hôm ấy giống như "thiên mệnh" vậy.
Will Keane là người không may dính chấn thương háng, buộc phải rời sân chỉ sau 11 phút vào thay người. Nếu không có chấn thương ấy, Rashford có lẽ đã không có tên trên băng ghế dự bị trong trận lượt về Europa League gặp Midtjylland vài ngày sau.
Cũng sẽ không có "cuộc gọi khẩn cấp" khi Anthony Martial dính chấn thương lúc khởi động, ngay trước giờ bóng lăn khiến HLV Louis van Gaal thiếu một phương án thay người. Và dĩ nhiên, cũng sẽ không có cú đúp bàn thắng ngay trận ra mắt đội một MU - khởi đầu cho hành trình phi thường đưa Rashford bước ra ánh sáng.
Ý trời, đó chỉ có thể là ý trời...
Đây là trích đoạn từ bài viết "Marcus Rashford: Từ 'Cậu bé vàng' ở Old Trafford tới kẻ lang bạt tại Camp Nou". Mời bạn đọc theo dõi bài viết đầy đủ tại đây.
Bình Luận