Di sản của Sir Alex
Không lâu sau khi Marcos Rojo ký hợp đồng 5 năm để gia nhập Man United từ Sporting Lisbon vào năm 2014, và thậm chí đã chụp hình ra mắt với HLV mới Louis van Gaal, văn phòng ở Old Trafford nhận được một cuộc gọi từ một từ báo nước ngoài. Phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của MU khi một tòa án ở Argentina đang xem xét triệu hồi Rojo trở về Argentina để đối chất trước những cáo buộc hành hung người hàng xóm cũ.
Vụ việc xảy ra từ tận năm 2010, nhưng MU không biết gì về nó cả. Họ đã chi 16 triệu bảng cho một cầu thủ mà hoàn toàn không biết rằng anh ta đang bị điều tra về một tội danh bị cho là nghiêm trọng. Thật may là Rojo không bị kết án, nhưng cũng vì vụ này mà anh ta đã phải chờ thêm một tháng mới được cấp giấy phép lao động. Dù thế nào thì sự vụ cũng đã khiến MU ngớ người ra.
Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra ở các đội bóng hiện đại. Và cả ở MU trước đây, MU thời Sir Alex. Trước khi Sir Alex ký hợp đồng với bất kỳ cầu thủ nào, ông đều tìm hiểu tất cả mọi thông tin về anh, những thông tin không chỉ liên quan tới khía cạnh kỹ thuật, mà còn cả tính cách nữa. Ông sẽ nói chuyện với tất cả những người từng làm việc với cầu thủ đó, với bản thân cầu thủ, thậm chí cả với gia đình và bạn bè của anh ta. Tất cả để đảm bảo rằng MU sẽ có được một cầu thủ phù hợp, cả về năng lực lẫn tính cách.
Điều đáng nói là Sir Alex không cần một hệ thống chuyển nhượng cồng kềnh để làm được tất cả những điều đó. Trong những năm cuối của sự nghiệp HLV, ông chỉ dùng có 12 tuyển trạch viên full-time. Quy trình cũng rất đơn giản. Sir Alex sau khi được giới thiệu về một cầu thủ nào đó - có thể là từ một người bạn cũ, hay một đồng nghiệp (mà mạng lưới của ông thì rộng khắp) - sẽ cử các tuyển trạch viên đi thu thập thông tin. Chính ông cũng sẽ thu xếp để trực tiếp theo dõi cầu thủ trên thi đấu. Nếu Sir Alex ưng ý, sau đó sẽ là quy trình kiểm tra lý lịch như đã nói ở trên. Chỉ có vụ Bebe là ông không tuân theo đúng quy trình, và tới giờ ông vẫn còn hối hận vì điều đó.
Đơn giản như vậy, nhưng MU trong những năm tháng dưới thời Sir Alex vẫn chiêu mộ được rất nhiều những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Phần lớn đều tiến bộ thêm khi đến MU, giúp cho giá trị của họ tăng vọt. Ví dụ tiêu biểu là Cristiano Ronaldo. Đó cũng là lý do ban lãnh đạo Quỷ đỏ tin rằng cách làm đúng nhất chính là "cách của Sir Alex". Chuyển nhượng MU giai đoạn hậu kỷ nguyên Sir Alex được tổ chức theo một mô típ quen thuộc: quyền lực thuộc về HLV. Vấn đề là, Sir Alex chỉ có một.
Niềm tin (mù quáng) vào các HLV
Cái gì đang đúng thì không nên sửa. Cách của Sir Alex vẫn mang lại thành công thì tại sao lại phải thay đổi. Với suy nghĩ ấy, giới lãnh đạo của MU quyết định "nhân bản" mô hình Sir Alex sau khi ông ra đi, bắt đầu với việc bổ nhiệm một người đồng hương của Sir là David Moyes làm HLV. Cũng như Sir Alex, Moyes được trao toàn quyền quản lý CLB, bao gồm cả công tác chuyển nhượng. Đó là một nhiệm vụ quá tầm với vị cựu HLV của Everton.
Chuyển nhượng của MU thời Moyes rối loạn tới mức đau đớn. Họ dành cả mùa Hè theo đuổi những tên tuổi lớn như Gareth Bale, Thiago Alcantara, Cesc Fabregas, để rồi cuối cùng chỉ có dược Marouane Fellaini, lại còn với cái giá đắt hơn cần thiết (do mua muộn). Tới mùa Đông, họ lại vội vàng mang về Juan Mata với giá kỷ lục (37 triệu bảng), chỉ để Moyes không biết sử dụng anh thế nào và đẩy sang đá cánh phải.
Moyes bị sa thải, nhưng chẳng có bài học nào được rút ra. MU lại làm điều y hệt với HLV mới Louis van Gaal, đấy là đặt trọn niềm tin vào những quyết định của vị HLV người Hà Lan. Trong mùa Hè đầu tiên, Van Gaal chi gần 150 triệu bảng để đưa về Rojo, Luke Shaw, Ander Herrera, Ángel Di María, Daley Blind và Falcao. Tất cả đều thất bại (Shaw mãi sau này mới chơi tốt).
Tệ hại nhất là Di Maria. Cầu thủ người Argentina vốn không muốn tới MU, và anh thể hiện một thái độ thiếu hợp tác khi phải làm điều đó. Chuyện còn tệ hơn khi Van Gaal không biết cách khai thác Di Maria thế nào trong hệ thống của mình. Di Maria rời đi chỉ sau một mùa, mang theo mối hận trọn đời với thành Manchester. Anh công khai nói ghét tất cả, thậm chí cả thời tiết và đồ ăn trong thành phố.
Để sửa sai, MU chọn cách… tin Van Gaal hơn nữa. Và thế là Memphis Depay, Matteo Darmian, Sebastian Schweinsteiger, Sergio Romero, Anthony Martial và Morgan Schneiderlin lần lượt cập bến Old Trafford. Trong số những bản hợp đồng này, chỉ có thủ thành Romero có thể được xem là thành công, nhưng là trong vai trò một thủ môn dự bị. Còn lại, tất cả đều thất bại đau đớn.
Schweinsteiger là một cú lừa. MU mua anh ta mà không biết rằng cầu thủ người Đức chỉ đá có 80 trận trong 4 mùa trước đó vì đủ loại chấn thương. Và Schweinsteiger sớm tỏ ra anh không thể thích nghi được với thứ bóng đá cường độ cao ở Anh. Depay cũng là một thất bại thảm hại. Nếu là thời Sir Alex, những cầu thủ như Depay không bao giờ có cơ hội đặt chân tới Old Trafford. Anh ta giỏi, nhưng có lối sống quá màu mè, thích rap, yêu xe sang và đồ hiệu đắt tiền. Van Gaal nghĩ là ông có thể thuần hóa được người đồng hương, nhưng ông đã sai.
Chuyện không có gì thay đổi khi Mourinho thay Van Gaal. MU tiếp tục đưa về những cầu thủ mới theo yêu cầu của vị HLV người Bồ Đào Nha, những cầu thủ có kinh nghiệm, mạnh mẽ cả về thể chất lẫn cá tính. Những người như… Paul Pogba. Tiền vệ người Pháp chính là hiện thân đỉnh cao của hành trình tiến hóa ngược ở MU. Sir Alex đã không thèm giữ cầu thủ người Pháp lại bởi biết rằng tính cách của anh ta sẽ gây hại cho đội bóng. Nhưng bằng một cách nào đó, Pogba vẫn trở lại, với mức giá kỷ lục thế giới. Và anh ta gây hại, đúng như Sir Alex dự đoán.
Ten Hag lãnh đủ
Trong nỗ lực sửa sai, MU bắt đầu kiện toàn lại hệ thống chuyển nhượng. Dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, số lượng tuyển trạch viên tăng mạnh, có lúc lên tới hơn 50 người. CLB cũng xây dựng phòng phân tích, chiêu mộ các chuyên gia hàng đầu và áp dụng công nghệ cao, trước mắt là ở khâu tìm kiếm cầu thủ. Có thời điểm MU tự hào tuyên bố họ có trong tay hồ sơ của 804 ứng viên cho vị trí hậu vệ phải.
Kết quả thì sao? Trong 804 ứng viên ấy, MU chọn Aaron Wan-Bissaka. Cầu thủ người Anh vốn là một chân phòng ngự xuất sắc, nhưng anh không giỏi trong những tình huống dâng cao chồng biên, điều mà Solskjaer mong đợi ở các hậu vệ biên của mình. Ngoài ra, Wan-Bissaka cũng bị cho là quá nhút nhát, khó tỏa sáng ở một đội bóng lớn nhiều áp lực như MU. Đó là những điều mà nếu Solskjaer và bộ sậu tìm hiểu kỹ hơn, họ đã có thể dễ dàng phát hiện ra.
Tương tự như thế, nếu Solskjaer và bộ sậu tìm hiểu kỹ hơn, họ đã có thể phát hiện ra tính cách đầy bất ổn của Jadon Sancho. Cầu thủ người Anh vốn đã là một nhân tố gây rắc rối từ ngày anh còn chơi cho đội trẻ Man City, và tiếp tục thể hiện sự vô kỷ luật khi ở Dortmund. Đội bóng Đức cố chiều Sancho vì tài năng của anh quá lớn. Họ tất nhiên giấu nhẹm chuyện này khi MU tới hỏi mua Sancho. Hệ quả là Ten Hag đang phải "lãnh đủ".
Vị HLV người Hà Lan được thừa hưởng một lực lượng được bốn HLV khác nhau xây dựng để chơi theo bốn kiểu khác nhau. Nhiều người trong đó gặp vấn đề lớn cả về chuyên môn lẫn tính cách. Tệ hơn, cũng bởi sai lầm trong chính sách hợp đồng của Quỷ đỏ (lương cao, thời hạn dài), Ten Hag không tài nào đẩy đi được những cầu thủ mà ông cho là không cần thiết. Harry Maguire chính là một điển hình. Quá trình tái thiết, do đó, sẽ chậm lại.
Đấy là chưa nói tới chuyện chính Ten Hag cũng có những sai lầm của riêng mình. Sau tất cả thì việc đặt trọn niềm tin vào một HLV chưa bao giờ là an toàn, nhất là khi HLV đó không phải là Sir Alex. Hành trình tiến hóa ngược của MU, do vậy, có vẻ vẫn chưa có điểm dừng.
Bình Luận