Ai thích lịch sử, có thể đã nghe hay đọc về một cái tên huyền thoại: Leonidas. Đấy là ngôi sao đầu tiên của bóng đá Brazil, là cầu thủ đầu tiên đưa cú sút “ngả bàn đèn” lên hàng nghệ thuật. Giá trị của Leonidas đối với lịch sử bóng đá Brazil giống như Johan Cruyff đối với bóng đá Hà Lan vậy.

Brazil bất ngờ “cất” Leonidas trong trận gặp Italia tại bán kết World Cup 1938, chỉ với mục đích “để dành” cho trận chung kết. Nào ngờ họ thua Italia. Rút cuộc, Leonidas trở lại chỉ để ghi bàn vào lưới Thụy Điển trong trận tranh hạng ba, như ông đã ghi bàn trong mọi trận đấu khác, để đoạt danh hiệu Vua phá lưới World Cup 1938.
Đấy là một trong những sự vắng mặt đáng tiếc, kỳ lạ, thậm chí “điên rồ” nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao. Và đấy cũng là quyết định mang tính “đặc sản Brazil”. Hồi Brazil đá trận chung kết World Cup 1998, siêu sao Ronaldo không có tên trong danh sách thi đấu, nhưng lại xuất hiện vào giờ chót, và đá vật vờ như cái bóng của mình. Người ta nói vui, nhưng chẳng đến nỗi vô lý: nếu Ronaldo vắng mặt ở chung kết World Cup 1998 và Leonidas có mặt trong trận bán kết World Cup 1938 (đều tại Pháp), Brazil bây giờ đã có thể sở hữu đến 7 chiếc cúp VĐTG!
Loạt trận cuối tuần qua có lẽ là một trong những loạt trận hiếm hoi mà bóng đá đỉnh cao được ghi nhớ bởi những sự vắng mặt. Cả Lionel Messi lẫn Cristiano Ronaldo đều vắng bóng trong trận El Clasico - lần đầu tiên sau hơn chục năm. Chelsea không có ngôi sao số một Eden Hazard nhưng vẫn đè bẹp Burnley 4-0. Sự vắng mặt của Hazard - chứ không phải sự có mặt của anh - càng nói lên rằng Chelsea của Maurizio Sarri đáng gờm như thế nào.
Ở M.U, sự vắng mặt (trong đội hình chính) của Romelu Lukaku có ý nghĩa gì?

Tùy cảm nhận riêng của mỗi người mà việc Jose Mourinho gạt Lukaku ra khỏi đội hình chính của M.U thuyết phục đến đâu về mặt chuyên môn. Nhưng có khác biệt rõ ràng: người ta đã bàn khá nhiều về sự vắng mặt của Lukaku. Và Mourinho đã giải thích vì sao Lukaku vắng mặt (ông có nói đúng sự thật hay không, lại là chuyện khác).
Alexis Sanchez không được như thế. Juan Mata càng không bao giờ. Anthony Martial cũng vậy. Trong những ngày này, Martial liên tục ghi được các bàn quan trọng, như thể anh là cứu tinh của M.U vậy. Nhưng hồi Martial phải mài đũng quần trên ghế dự bị, dẫn tới nguy cơ (sau đó là sự thật) mất chỗ trong đội tuyển Pháp dự World Cup, Mourinho đâu cần lý giải điều gì. Ông chỉ nói ngược: “Martial lẽ ra phải hiểu vì sao anh không có chỗ trong đội hình”. Mourinho cũng từng nói vậy về Henrikh Mkhitaryan, cầu thủ rút cuộc đành tháo chạy sang Arsenal. Đúng nguyên tắc: Mourinho không có trách nhiệm phải nói vì sao ông dùng hoặc không dùng một cầu thủ nào đó.
Hóa ra, Lukaku trở nên quan trọng hơn khi anh... vắng mặt. “Nhờ” anh vắng mà M.U đá có đường nét và thắng? Vâng, đây chỉ là một quan điểm.
Nhưng hệ lụy quan trọng của quan điểm này thì lại đáng để chính Mourinho phải suy ngẫm, hoặc phải... cố bào chữa. Thiên hạ sẽ lại hỏi tiếp: vậy sao Mourinho không “cất” Lukaku sớm hơn? Hỏi thế cũng đã đủ làm nhân vật Mourinho luôn cay cú hơn thua khó chịu lắm rồi. Mà nào đã hết: Lukaku chỉ là một ví dụ cụ thể. Khi nào Mourinho cũng phải vắt óc suy nghĩ: ai sẽ... ngồi ngoài trong trận kế tiếp của M.U?
Từ Leonidas xa xưa cho đến Lukaku bây giờ, bóng đá hấp dẫn ở chỗ: có khi vấn đề chỉ nảy sinh từ một sự vắng mặt (chứ không phải có mặt). Ngày xưa, Mourinho vang danh thiên hạ, đến nỗi sự vắng mặt của bản thân ông (bị UEFA tước quyền chỉ đạo) trở thành đề tài kỳ thú, buộc thiên hạ phải tranh cãi rần rần. Bây giờ, có ai đang mong được xem một trận đỉnh cao của M.U mà Mourinho... bị cấm chỉ đạo, để bàn không nhỉ?
M.U 2-1 Everton
Bình Luận