Khi Luton Town giành quyền thăng hạng lên Premier League, nhiều người thắc mắc điều này: giới quý tộc giàu xổi Man City sẽ phản ứng thế nào khi bước vào sân Kenilworth? Họ nghĩ gì khi đi qua lối vào chính nằm giữa một bãi đậu xe và đường cao tốc? Họ sẽ làm gì trong một phòng thay đồ nhỏ hơn tủ đựng chổi của sân Etihad? Chủ nhật này, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Hình ảnh các tỉ phú sân cỏ tiến vào khu vực đổ nát xung quanh một SVĐ xập xệ là một hình ảnh đáng chú ý. Bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử Premier League lại có sự chênh lệch về tài chính giữa 2 CLB đến vậy. Đây là cuộc đối đầu giữa David và Goliath một cách đúng nghĩa.
Chỉ cần nhìn sơ qua các số liệu, chúng ta biết tất cả những gì cần biết về khoảng cách giàu nghèo giữa hai CLB này. Mùa trước, Man City đã công bố doanh thu kỷ lục là 712 triệu bảng, lợi nhuận của họ tăng gấp đôi từ 41 triệu bảng lên 80 triệu bảng. Trong khi đó Luton kiếm được 17,7 triệu bảng, lỗ 6,4 triệu bảng.
Doanh thu trong ngày thi đấu tại Etihad mùa trước đạt 2,31 triệu bảng/trận, một con số sẽ còn tăng nữa khi quá trình nâng cấp khán đài phía Bắc hoàn thành, nâng sức chứa lên 62.000. Tại Kenilworth Road, trong cả mùa giải, doanh thu trong ngày thi đấu chỉ là 4,9 triệu bảng (hoặc 178.000 bảng/trận). Không có gì ngạc nhiên, vì giá vé cho trận đấu này là 36 bảng. Vòng sau, Man City tiếp Crystal Palace, giá vé rẻ nhất là 750 bảng.
Tuy nhiên, đây không phải là trận đấu cúp knock-out giữa siêu tỉ phú và bần nông cùng mạt mà là giữa 2 CLB cùng một giải đấu. Và như Luton đã chứng minh trong trận đấu giữa tuần với Arsenal, cho dù họ lép vế tiền bạc và ngôi sao nhưng họ vẫn có thể (hoặc suýt) quật ngã đối thủ.
Trong trận đấu với Arsenal, các CĐV Luton đã hét lên với những vị khách nổi tiếng: “Các ngươi chưa bao giờ biết mùi vô địch giải hạng Năm”. Rõ ràng, Arsenal hay Man City làm gì có cơ hội tham dự giải đấu mà Luton đã ở đó 14 năm trước. Đó là một sự kiêu hãnh pha đầy giận dữ.
Trong khi Man City có thể trả 100 triệu bảng cho Jack Grealish và lôi kéo Haaland bằng mức lương vượt 40 triệu bảng mỗi năm, thì bản hợp đồng kỷ lục của Luton là Ryan Giles, được mua từ Wolves vào mùa hè 2023 với giá 5 triệu bảng. Dưới sự quản lý xuất sắc của HLV Rob Edwards, họ cố gắng nâng cấp những người thừa ở CLB khác.
Giống như trung vệ Teden Mengi được mua từ MU với mức phí không được tiết lộ và hiện đang thi đấu rất hay, người ta phải tự hỏi: MU đã dùng người như thế nào. Hay Ross Barkley, đang trôi vào quên lãng ở Nice, đã gia nhập Luton theo diện tự do, cũng đã khiến cho Arsenal thất điên bát đảo như thời còn thi đấu ở Everton.
Edwards, với sự khiêm tốn điển hình, đã từ chối nhận bất kỳ công lao nào cho sự trở lại phong độ của Barkley, mà HLV này nhấn mạnh rằng chính cầu thủ này là người tự hồi sinh bản thân. Tuy nhiên, rõ ràng Edwards đã phát triển một khía cạnh thách thức mọi giả định về tài chính đem tới thành công trong bóng bóng đá.
Nguyên tắc chung là tiền càng nhiều thì vị trí ở giải đấu càng cao. Và trong khi hệ thống quản lý thông minh của Man City đã đảm bảo rằng họ kiếm được một số tiền thưởng xứng đáng cho số tiền bỏ ra, họ vẫn có mức chi trả lương cao thứ ba trong Premier League, chỉ sau Chelsea và MU.
Luton, cho đến nay, vẫn là đội chi lương thấp nhất trong giải đấu, tuy nhiên, trong số ba đội thăng hạng mùa trước, họ có vẻ có nhiều khả năng sống sót nhất. Thử thách đối với Edwards là duy trì cuộc chiến chống lại những kỳ vọng vượt qua tiêu chuẩn và giữ vững CLB ở khu vực an toàn.
Bởi vì mùa này, nhờ thu nhập từ bản quyền truyền hình tăng theo cấp số nhân đi kèm với việc thăng hạng lên giải đấu hàng đầu, doanh thu của Luton có thể lên tới 120 triệu bảng. Tiền lệ là Brentford, đội đã tăng từ 15 triệu bảng ở Championship 2020/21 lên 140 triệu bảng trong lần đầu tiên thi đấu tại Premier League.
Và Brentford là một hình mẫu tuyệt vời cho Luton học hỏi. Không giống như Blackpool, nơi lợi nhuận từ một mùa giải lớn phần lớn được chuyển vào tài khoản ngân hàng của công ty của các chủ sở hữu lúc đó, tại Kenilworth Road, hội đồng quản trị quyết tâm đầu tư số tiền thu được cho tương lai.
Phần lớn số tiền kiếm được sẽ được chi cho SVĐ mới trị giá 165 triệu bảng tại Power Court, dự kiến mở cửa vào đầu mùa giải 2025/26. Giống như việc Brentford chuyển đến ngôi nhà mới của họ, nếu họ có thể mở sân đấu có sức chứa 20.000 chỗ ngồi này sau vài năm tận hưởng mức thu nhập từ truyền hình mà Man City đã được hưởng trong 20 năm qua, mọi thứ sẽ trở nên rất khác đối với một CLB từng bị loại khỏi giải đấu vì sự quản lý tài chính yếu kém của mình.
Nhưng đó là chuyện của tương lai. Hiện tại, Edwards và nhóm của ông có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn. Và trên thực tế, họ có thể hy vọng rằng khi Haaland và những người đồng đội tỉ phú bước qua cánh cửa dẫn vào sân Kenilworth, sự chênh lệch giữa môi trường sẽ khiến đối phương bị sốc và sụp đổ.
Bình Luận