Đã bước sang đầu tháng 4. Ở thời điểm ấy, Premier League chỉ còn 6 vòng. Và M.U bỏ xa Man City 8 điểm. Vậy mà cuối cùng, chức vô địch mùa bóng 2011/12 lại thuộc về Man City của HLV Roberto Mancini. Họ toàn thắng 6 trận cuối cùng trong khi M.U hòa 1, thua 2 trong giai đoạn ấy.
Ở vòng 36, Man City thắng M.U 1-0 để không chỉ san bằng khoảng cách 3 điểm mà còn soán ngôi đầu bảng, nhờ hơn về chỉ số phụ. Song, đấy chưa phải là cao trào của cuộc đua tuy quá hấp dẫn và đầy kịch tính nhưng chẳng bao giờ là quá lạ trên sân cỏ Anh. Ở vòng cuối cùng, Man City bị QPR dẫn điểm cho đến tận phút 90. Dù gỡ hòa đi nữa, họ vẫn phải đứng dưới M.U. Edin Dzeko và Sergio Aguero ghi liền 2 bàn trong những phút bù giờ, giúp Man City giành lại chiến thắng, ngôi đầu bảng, cũng như danh hiệu vô địch!
Bóng đá Anh vẫn thường như vậy. Cần thêm dẫn chứng? Hãy hỏi những người hâm mộ trung niên của Arsenal và Liverpool. Đội bóng số 1 nước Anh dẫn đầu với khoảng cách 3 điểm và chỉ số phụ nhỉnh hơn 4 bàn so với Arsenal, trước vòng cuối cùng. Liverpool vẫn sẽ vô địch nếu “chỉ” thua Arsenal với cách biệt 1 bàn. Kết quả: Arsenal thắng 2-0, với Michael Thomas ghi bàn quyết định vào đúng phút chót của thời gian đá bù, trong trận cuối cùng. Arsenal vươn lên đồng điểm với Liverpool, đồng cả về chỉ số phụ đầu tiên (hiệu số bàn thắng - bại), và vô địch nhờ có tổng số bàn thắng nhiều hơn.
Đấy là truyền thống? Không sai. Nhưng còn có nhiều lý do quan trọng khác khiến bóng đá Anh, dù không quá hay về kỹ thuật, không siêu việt về chiến thuật, vẫn luôn hấp dẫn như vậy. Một là sự đồng đều về chất lượng, khiến các đội mạnh có thể gục ngã trước bất kỳ đối thủ nào. Cả vấn đề số lượng nữa. “Big Six” nói lên khác biệt rõ ràng giữa Premier League so với các giải đấu xung quanh. Tinh thần “đá để thắng” của đa số đội bóng (xuất phát từ nhu cầu giải trí của người xem) làm cho các trận đấu được cho là vô nghĩa (ít ra là với một trong hai đội) vẫn có chất lượng cao.
Cuối cùng là sự song hành giữa sức mạnh tài chính và khả năng tổ chức chặt chẽ của Premier League. Ở giải đấu này, người ta đâu chỉ tranh ngôi vô địch, tranh suất dự các cúp châu Âu, hoặc chiến đấu chống nguy cơ rớt hạng. Khoảng cách giữa đội bóng số 7 và 17 trong bảng xếp hạng có giá trị 20 triệu bảng - tương đương với quỹ lương nguyên mùa của một đội bóng trung bình hoặc yếu.
Tất cả những gì vừa nêu có liên quan chặt chẽ đến , từ nay đến cuối mùa. Trên nguyên tắc, ngoài Man City coi như vô địch thì M.U cũng chẳng còn gì để lo, trong khi Liverpool có xác suất trụ lại Top 4 rất cao. Chút hy vọng của Arsenal chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Điều này có nghĩa: hầu như chỉ còn Tottenham và Chelsea tranh nhau một suất cuối cùng. Tất nhiên, khoảng cách 5 điểm hiện thời đã chỉ rõ ưu thế đang thuộc về đội nào.
Vấn đề là khoảng cách 5 điểm có mức độ an toàn đến đâu. Hãy lưu ý các trường hợp M.U và Liverpool mất ngôi vô địch vào giờ chót, như đã nêu. Mặt khác, chúng ta cũng đã thấy rõ vì sao các đội trung bình - yếu ở Premier League luôn quyết chiến mỗi khi ra sân, kể cả trong hoàn cảnh có vẻ như chiến thắng cũng chẳng để làm gì.
Tottenham còn gặp Man City, và đặc biệt là phải trực tiếp gặp Chelsea. Nhưng thật ra, các trận gặp Brighton hoặc Watford cũng chẳng bao giờ đảm bảo chiến thắng cho họ. Với Chelsea cũng thế. Mùa này, đã bao giờ Chelsea hoặc Tottenham thắng được nhiều hơn 4 trận liên tiếp ở ! Đừng quá câu nệ họ sẽ gặp đối thủ nào, từ nay đến khi cuộc đua thật sự ngã ngũ.
Bình Luận