Sau lâng lâng tự hào là… rưng rưng nước mắt. Đó là diễn biến tâm lý chung của các CLB Premier League, đặc biệt là Tottenham và Man City, hai đội bóng đóng góp nhiều sức người nhất cho World Cup, và tất nhiên cũng là 2 đội bóng chịu nhiều thiệt hại nhất.
Có tới 12 CLB Premier League có cầu thủ của 4 đội tuyển đã lọt vào bán kết World Cup 2018 (nghĩa là phải thi đấu nhiều hơn ít nhất 2 trận so với phần còn lại). Số cầu thủ tới từ Premier League thuộc 4 đội tuyển này lên tới 40 người. Tottenham là đội đóng góp nhiều cầu thủ nhất, với 9 người. Theo sau là hai đội bóng thành Manchester, mỗi đội góp 7 người. Trong số các CLB thuộc Big Six Premier League, “sướng” nhất là Arsenal. Chỉ có 1 cầu thủ của Pháo thủ lọt vào tới bán kết.
Nếu tính cả giải, Tottenham vẫn là đội “cống hiến” nhiều nhất cho World Cup 2018. Các cầu thủ của họ đã cùng nhau ra sân tổng cộng 4.816 phút. Theo sau lại là 2 đội bóng thành Manchester: cầu thủ Man City chơi 4.583 phút, còn cầu thủ Man United chơi 3.956 phút. Arsenal một lần nữa lại ở rất sâu phía sau, với chỉ 1.820 phút. Về quãng đường di chuyển cũng tương tự. Tottenham vẫn là số 1 khi cầu thủ của họ cùng nhau di chuyển một quãng đường lên tới 515,2km. Man City xếp thứ 2 với 511,3km. Man United xếp thứ 3 với 404,7km. Arsenal lại ở rất xa phía dưới, với chỉ 184,5km.
Tại sao chúng ta liên tục phải nhắc tới Arsenal ở đây? Là bởi Pháo thủ đang có cơ hội lớn để biến nguy thành cơ. Việc phải gặp đương kim vô địch Man City ở trận khai màn Premier League 2018/19 từng bị xem là một thách thức lớn, nhưng bây giờ thì nó đã trở thành một cơ hội để Arsenal của Emery có cú đề-pa mơ ước. Tất cả 7 cầu thủ Man City có mặt ở bán kết gần như chắc chắn sẽ không thể có mặt ở trận đấu đó. Những cầu thủ bị loại sớm hơn cũng khó có được sự chuẩn bị tốt nhất, do tập trung muộn hơn toàn đội gần 3 tuần.
Nhưng Man City thấy khổ 1, thì Tottenham thấy khổ 10. Lực lượng của Spurs không được dồi dào như của Man City. Hãy xem những ai có thể vắng mặt trong trận ra quân mùa giải mới? Đó là thủ thành Hugo Lloris. Cặp trung vệ Vertonghen, Alderweireld. Cặp hậu vệ biên Danny Rose và Kieran Trippier. Các tiền vệ trung tâm Eric Dier, Mousa Dembele. Và tiền đạo chủ lực Harry Kane. Hai cầu thủ đá chính khác là Son Heung-min và Christian Eriksen có thể trở lại sớm hơn, nhưng cũng không trong tình trạng tốt nhất.
Nhưng đó chỉ là hậu quả trước mắt. Về lâu dài còn có những hệ lụy nghiêm trọng hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc không có được một kỳ tập huấn trước giải đúng chuẩn (đủ khối lượng và chất lượng) có thể gia tăng nguy cơ chấn thương của cầu thủ trong thời gian mùa giải đang diễn ra.
Ngoài ra, việc các trụ cột vắng mặt cũng khiến hiệu quả của các bài tập chiến thuật giảm đi rõ rệt (như trường hợp của Tottenham là gần như về 0, bởi cầu thủ đá chính đâu có ai!) Đấy là chúng ta chưa nói tới hệ lụy về tâm lý. Cầu thủ “thành công” ở World Cup có thể để tâm hồn bay cao quá. Người “thất bại” thì có nguy cơ bị kiệt quệ về tinh thần.
Những HLV như Mauricio Pochettino hay Pep Guardiola có thể làm gì? Chẳng thể làm gì cả. Phải 3 tuần nữa, họ mới biết được những người hùng của mình trở lại trong tình trạng như thế nào…
Sự tự tin lên cao? Không phải mọi hệ lụy từ World Cup 2018 đều tiêu cực. Nhiều cầu thủ có thể trở lại với sự tự tin lên cao hơn sau khi đã để lại dấu ấn trên đất Nga. Một lần nữa, Tottenham lại là đội được quyền hy vọng nhiều nhất. Ở World Cup 2018, các cầu thủ Spurs ghi được 12 bàn, cùng PSG dẫn đầu. Cầu thủ M.U có 8 bàn, Man City có 5 bàn, còn Liverpool và Chelsea mỗi đội 4 bàn. 27 Ở World Cup 2018, có tới 43,2% số bàn thắng được ghi từ các tình huống cố định. Con số này ở Premier League mùa trước là 27%. Thành công của Anh từ chấm đá phạt có thể sẽ khuyến khích các CLB đầu tư nhiều hơn cho đá phạt, để tiến sát hơn con số 43,2% nói trên. |
Bình Luận