Man United có dám đá để thắng?

Mùa trước, M.U là đội duy nhất không thua trận nào trên sân đối phương ở Premier League. Cả hai ứng cử viên vô địch hùng mạnh nhất giải là Liverpool và Man City đều thua liểng xiểng.

- Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022

Man United không thua trận nào, nhưng hòa 7 trận, nghĩa là mất 14 điểm. Man City thua đến 2 trận, nhưng tính thêm 3 trận hòa nữa thì họ chỉ mất 12 điểm. Như vậy, trên sân đối phương thì MU kém Man City 2 điểm. Giải VĐQG là cuộc đua marathon mà trong đó đội mạnh mất ít điểm nhất sẽ vô địch. Cái khả năng “không thua” kia chẳng giúp gì cho thầy trò HLV Ole Gunnar Solskjaer.

Người Anh nghĩ ra cách tính điểm 3 cho mỗi trận thắng (trong khi mỗi trận hòa chỉ được 1 điểm), áp dụng vào giải VĐQG của họ cách nay đã 40 năm. Rút cuộc cả thế giới phải bắt chước cách tính điểm này. Nghĩa là nó ưu việt, dĩ nhiên. Và nghĩa là cái khả năng “bất bại” (trên sân đối phương) của MU ở Premier League mùa bóng vừa qua chính là cái điều đã lạc hậu những 40 năm.

Người xem có thể cảm nhận rất rõ chủ trương “đá để hòa” của MU, nhất là trong hàng loạt trận hòa 0-0 trước các đối thủ “cứng cựa”. Đấy không phải là cách đá cẩn thận. Đấy có thể là thái độ “hèn nhát”, hoặc là minh chứng, rằng MU của Solskjaer không có khả năng “đá để thắng” trước những đối thủ mạnh. Ở đây, người viết thiên về vế đầu nhiều hơn: Solskjaer không dám, hơn là MU không thể “đá để thắng”.

Solskjaer thường nhập cuộc với tâm lý sợ thua?

Cái áp lực có thể bị sa thải bất cứ lúc nào đã ám ảnh Ole Gunnar Solskjaer ngay từ khi ký vào bản hợp đồng chính thức. Từ đó nảy nòi tâm lý cầu hòa, chỉ mong trận đấu sớm kết thúc, mỗi khi MU gặp đối thủ mạnh, trên lý thuyết thì có thể thắng họ.

Bởi bất kỳ trận thua quan trọng nào của MU cũng sẽ trở thành đề tài ăn khách trên mặt báo, kèm theo đó là những lời bàn về khả năng MU sa thải Solskjaer. Trước khi Solskjaer được ký hợp đồng chính thức, MU - bất kể thắng hay thua - đâu có như vậy!

Thông thường, vấn đề phòng thủ liên quan chặt chẽ đến sự cẩn thận, và “cẩn thận” ở đây mang ý nghĩa tốt đẹp, là một ưu điểm. Người ta có thể cẩn thận… phạm lỗi. Mà hình ảnh điển hình là hành động nắm cổ áo đối phương - rất nhanh, dứt khoát, thông minh - của Giorgio Chiellini (Italia) trong trận chung kết EURO 2020.

Phải tuyệt đối loại trừ mọi nguy cơ nhỏ nhất và dĩ nhiên là sẵn sàng chấp nhận thẻ vàng đi kèm. Ở Premier League, MU cố thủ, nhưng rút cuộc lại thua Arsenal 0-1 vì quả phạt đền hoàn toàn không đáng có, do Paul Pogba tự chuốc lấy. Quá khác biệt.

Không đủ khôn ngoan để chơi cẩn thận khi cần, thà cứ ăn thua đủ, đá để thắng. “Dám” đại đi nào, Solskjaer. Bởi đằng nào thì đội bóng của ông cũng đâu có được cái sự khôn ngoan kiểu Chiellini kia. Vả lại, bây giờ ông đâu còn áp lực “sắp bị sa thải” nữa.

    Bình Luận