M.U dẫn trước trên sân Wolverhampton và Southampton, nhưng rút cuộc họ lại rời sân với kết quả hòa. Còn khi gặp Crystal Palace tại sân nhà, thầy trò Ole Gunnar Solskjaer tưởng như đã hòa thì rút cuộc lại thua đau vào cuối trận đấu. Về mặt lý thuyết, câu chuyện trong 3 vòng đấu gần đây chỉ ra điều gì?
Khả năng bảo vệ điểm số ngay trong trận đấu là một nhược điểm của M.U. Đấy có thể khả năng điều chỉnh chiến thuật không cao của Solskjaer (hoặc đối phương thay đổi hợp lý trong khi Solskjaer không theo kịp trong việc đọc và phân tích thế trận). Đấy có thể là nhược điểm của hàng phòng ngự,khi đối phương tăng cường tấn công. Dù sao đi nữa, điều này vẫn liên quan đến khả năng cầm quân ngay trong trận đấu của Solskjaer.
Ưu thế mong manh, đến từ quả phạt đền khá sớm, do vậy không hề bảo đảm điều gì cho M.U trong trận đấu này.
Ngược lại là đằng khác, đấy chính là đề tài để khán giả Old Trafford hồi hộp theo dõi phần còn lại của trận đấu. Khả năng M.U mất điểm lần nữa, thậm chí thua ngược, là như thế nào?
Đội khách giữ bóng nhiều hơn (54,2%), sút cầu môn nhiều hơn (4 so với 3). Thống kê về số lần tắc bóng thành công và được hưởng phạt góc đều cao gấp đôi so với đội chủ nhà, khi hiệp 1 khép lại. Cảm nhận riêng thì tất nhiên mỗi người mỗi khác. Nhưng nếu cho rằng Leicester có vẻ như đã chơi tốt hơn sau khi bị dẫn bàn, cũng không đến nỗi vô lý.
Trận này, M.U mất Paul Pogba, chưa kể vài trụ cột khác, như Anthony Martial hoặc Luke Shaw, cũng vắng mặt vì chấn thương. Từ đội hình chính cho đến băng ghế dự bị, đấy không bao giờ là một lực lượng ổn thỏa đối với HLV Solskjaer.
Vậy, tóm lại thì M.U thắng ở chỗ nào? Không thể không bàn về vấn đề phong độ, khi mà Leicester bay bổng với một chỗ đứng trong “top 4” trước vòng đấu này (ngược lại, M.U gây nhiều thất vọng). Diễn tiến thực tế trên sân cũng cho thấy M.U không hề lấn lướt rõ rệt, không để lại ấn tượng đáng kể nào. Công bằng mà nói, trận đấu tương đối tẻ nhạt, trong khía cạnh giải trí. Và đấy chính là chỗ thành công của Solskjaer. Ông biết cách chặn đứng đà bay bổng của đối phương, vô hiệu hóa được cái hơn về phong độ của đối thủ. Đây là thành công của khâu chuẩn bị.
Trên thực tế, M.U có thể thiếu hẳn chút khả năng sáng tạo của Pogba. Nhưng bù lại, hàng tiền vệ M.U chống trả khá tốt khả năng lên bóng của đối phương, nhất là trong hiệp đầu. “Phá” dễ hơn “xây” đấy là quy luật muôn thuở trong cuộc sống (mà bóng đá luôn là một phần của cuộc sống).
Khi mà M.U tiếp cận trận đấu ngay trên sân nhà chủ yếu bằng việc ngăn cản đối phương chơi bóng, hơn là chính họ chơi bóng, thì đây có thể là chỗ mới mẻ - quá mới so với M.U của chính cầu thủ Solskjaer ngày xưa. Solskjaer giờ đã “biết người, biết ta”, sau thành tích chỉ thắng vỏn vẹn 1 trận suốt 4 vòng đầu? Hay Solskjaer, và quan trọng là cả những người trợ lý của ông trong ban huấn luyện, đã có cái nhìn thực tế, rằng M.U bây giờ không còn tư cách nhập cuộc với tư thế “kẻ cả”? Dù là kết luận nào đi nữa, cách nhập cuộc của M.U vẫn là hợp lý.
Tất nhiên, càng hợp lý khi M.U phải “chịu trận” trong hiệp 2, khi nhu cầu tấn công, ghi bàn của Leicester càng tăng cao. Thật ra, Leicester càng tấn công nhiều thì, bên cạnh sự vất vả của hàng thủ, những tình huống tạo được sóng do nơi hàng công của M.U lại cũng tăng lên. Chẳng phải họ không có cơ hội. Vẫn còn một chỗ cốt lõi: phản công là một trong những sở trường của M.U ngày nay.
Bạn chỉ có thể phản công nếu chịu nhường quyền tấn công cho đối phương, nói đúng hơn là nếu biết cách nhường cho đối phương tấn công. Đây cũng là chỗ để Solskjaer nghiền ngẫm, trong các trận tiếp theo?
Bình Luận