MU: Toán quân hèn nhát và yếu đuối

Sự tầm thường đã kéo dài quá lâu tại MU này, đến mức giờ đây nó được chấp nhận một cách hờ hững, thậm chí vui vẻ trong bối cảnh nguy cơ xuống hạng hiện hữu. Đó thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.

MU: Toán quân hèn nhát và yếu đuối

Chỉ trong vòng 8 tuần, Ruben Amorim đã đi từ vị thế người hùng của Sporting Lisbon - được các cầu thủ công kênh sau chiến thắng ấn tượng 4-1 trước Man City trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà - đến hình ảnh một linh hồn lạc lối tại Old Trafford, gục xuống đau đớn như thể mang trong mình nỗi đau không thể chịu đựng.

Từ người hùng trở thành kẻ vô hình: đó là quỹ đạo dành cho bất kỳ HLV nào của MU bị cuốn vào vòng xoáy thời hậu Sir Alex Ferguson. Nhưng giờ đây, mô hình này diễn ra với tốc độ chóng mặt, khi một người từng được ca ngợi là HLV trẻ sáng giá nhất châu Âu giờ đây tự hỏi mình đã làm gì để phải chịu đựng cảnh này.

Công bằng mà nói, Amorim không cố gắng tô vẽ hay xoa dịu tình hình. Trái ngược hoàn toàn với những phát biểu kiểu "hãy tin vào quá trình" của Erik ten Hag, chiến lược gia người Bồ Đào Nha thẳng thắn thừa nhận sự thật từng không ai nghĩ đến: MU có nguy cơ xuống hạng, và tuyên bố: "Chúng ta phải chiến đấu". Nhưng "chiến đấu" lại là phẩm chất mà những cầu thủ này rõ ràng đang thiếu trầm trọng.

Khi nhắc đến cuộc đua trụ hạng ở Premier League, người ta thường nghĩ đến những từ như "chiến đấu" hay "tranh chấp". Bạn có thể thấy những đối thủ cạnh tranh suất trụ hạng của MU đang nhập cuộc với tinh thần này: Ipswich hạ gục Chelsea, còn Wolves đang dần vượt mặt Amorim để trở thành HLV người Bồ Đào Nha gây ảnh hưởng nhất tại bóng đá Anh.

Ở MU, dường như bất kỳ tia lửa phản kháng nào cũng đã bị dập tắt. Đừng nói đến chiến đấu vì kết quả, Marcus Rashford thậm chí còn không cố gắng chiến đấu để giữ vị trí của mình, chỉ tuyên bố rằng anh muốn ra đi. Joshua Zirkzee được mô tả là đã rơm rớm nước mắt lúc đi vào đường hầm sau khi bị chính các cổ động viên la ó. 

MU: Toán quân hèn nhát và yếu đuối

Liệu Zirkzee có ý chí để chứng minh họ đã sai không, hay chỉ đơn giản hy vọng, như đã ngầm thể hiện trong 33 phút thi đấu hời hợt trước khi bị thay ra, rằng Juventus có thể đến đặt vấn đề rồi "giải cứu" anh khỏi Old Trafford ở kỳ chuyển nhượng này?

Các cầu thủ đang sống dựa vào những thành tích trong quá khứ, và Lisandro Martinez là một trong những ví dụ rõ ràng nhất. Nhà ĐKVĐ thế giới từng được xem là trụ cột quan trọng ở hàng thủ MU, song hình ảnh đó dường như chỉ còn là ký ức xa xôi khi chứng kiến màn trình diễn của anh trong hiệp một trước Newcastle.

Với chiều cao khiêm tốn và khả năng chọn vị trí kém, Martinez là một trong những tội đồ dẫn đến cả hai bàn thua của Quỷ đỏ. Trong một đêm mà bản thân cần thể hiện vai trò thủ lĩnh, đảm nhận băng đội trưởng thay Bruno Fernandes bị treo giò, Martinez lại yếu ớt như phần còn lại. Dù được biết đến với biệt danh "gã đồ tể", tuyển thủ Argentina đã để MU trở thành một miếng mồi ngon cho đối thủ "xẻ thịt".

Khi sự uể oải của MU hóa thành dòng xoáy tụt dốc, câu hỏi đặt ra là: ai trên sân sẽ đủ bản lĩnh để ngăn chặn nó? Bruno Fernandes? Quá liều lĩnh. Lisandro Martinez? Quá nhiều sai lầm. Rasmus Hojlund? Quá vô hại.

Câu hỏi khó xử hơn là liệu những cầu thủ này có thực sự quan tâm đến tình cảnh tuyệt vọng của CLB hay không. Chẳng hạn, hãy nhìn Casemiro. Tiền vệ người Brazil, với hồ sơ sự nghiệp long lanh với 5 chiếc cúp Champions League, lại là biểu tượng cho phiên bản tồi tệ nhất của MU trong ký ức người hâm mộ. Ngôn ngữ cơ thể của Casemiro gợi lên cảm giác anh coi CLB này như một nơi "nghỉ hưu bán thời gian" đầy béo bở.

Cứ hễ không được lên tuyển, Casemiro lại biến mất ở Disneyland. Trên sân, dù là vai trò phòng ngự hay tiền vệ, tiền vệ 32 tuổi đều tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí còn tự bôi nhọ bản thân trong trận thua Newcastle với một cú sút thiếu lực đến mức suýt làm thủng mái nhà vốn đã xuống cấp của Old Trafford.

MU: Toán quân hèn nhát và yếu đuối

Trong tình thế ngặt nghèo như hiện tại, cầu thủ được đánh giá qua tinh thần và nỗ lực cống hiến cho từng pha bóng. Nhưng người hâm mộ MU tuyệt vọng tìm kiếm một ai đó phù hợp với tiêu chí này mà chẳng thấy.

Amorim buộc phải đặt niềm tin vào Hojlund - người được định giá quá cao với hợp đồng 5 năm trị giá 72 triệu bảng - song chỉ mất 7 phút để trách mắng tiền đạo này vì không dâng lên đủ cao. Khi MU bị dẫn 2-0 và cần tìm kiếm bàn gỡ, Amorim lại phải dựa vào Antony, một cầu thủ lười nhác và chưa ghi được bàn nào mùa này. Hẳn Amorim sẽ cảm thấy bị lừa dối khi xem lại "bản chào hàng" mà MU đã thuyết phục ông đến đây. Thật khó tin khi một CLB chi 1,8 tỷ bảng trong 11 năm lại cho ra đời một tập thể yếu đuối đến vậy.

Không có gì ngạc nhiên khi cầu thủ duy nhất còn mối liên hệ với kỷ nguyên Ferguson lại là người duy trì tinh thần thi đấu ở đẳng cấp cao. Jonny Evans, dù không còn là trung vệ đỉnh cao như thời kỳ đầu khoác áo MU, vẫn hiểu rõ áp lực và trách nhiệm đi kèm với chiếc áo này. "Tôi đã gắn bó lâu dài với CLB này, và áp lực là một phần của điều đó", anh nói vào tháng 10 khi Erik ten Hag đang đứng trước bờ vực bị sa thải. "Đó là một đặc quyền".

Những người không có di sản giống Evans lại khó lòng thể hiện cùng cảm xúc hoặc sự gắn bó. Dù là một Casemiro đã xuống phong độ hay một Antony bạc nhược, tất cả đều gợi lên cảm giác về những cá nhân chỉ đơn thuần "đi ngang qua" CLB.

Sự tầm thường đã kéo dài quá lâu, đến mức giờ đây nó được chấp nhận một cách hờ hững. Trong bối cảnh nguy cơ xuống hạng hiện hữu, đây là một vấn đề lớn, với một đội bóng đã quen với sự tầm thường đến mức đánh mất khát vọng vươn lên. Lời kêu gọi chiến đấu của Amorim lẽ ra phải là hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng ông dường như không nhận ra thực tế cay đắng nhất: tinh thần chiến đấu trong những cầu thủ này đã rời bỏ họ từ lâu.

TỪ KHÓA: MURuben Amorim
    Bình Luận