Ngoại hạng Anh đau đầu vì cầu thủ anti-vaccine Covid 19: Những gã 'tài xế say rượu'

Giải Ngoại hạng Anh đang trở nên hỗn loạn bởi câu chuyện tiêm hay không tiêm vaccine phòng Covid-19. Hai phần ba số cầu thủ thuộc siêu giải đấu này vẫn chưa tiêm phòng đầy đủ, và nhiều người trong số đó thậm chí khăng khăng từ chối.

Các quan chức giải đấu đang phàn nàn rằng phòng thay đồ các đội bóng đang bị “làm ô uế” bởi quá nhiều cầu thủ từ chối tiêm vaccine, do bị ảnh hưởng bởi các giả thuyết vô căn cứ về “kế hoạch cấy chip giám sát lên con người thông qua vaccine của Bill Gates”, hay thông tin chỉ cần uống vitamin là đủ phòng ngừa Covid-19.

Chính phủ Anh vẫn cho phép các trận đấu ở Premier League diễn ra ngay cả khi có cầu thủ chưa được tiêm vaccine. Hầu hết cầu thủ Newcastle góp mặt trong trận đấu cuối tuần qua với Wolves đều chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, bất chấp lời kêu gọi thống thiết “tiêm vaccine đi anh em” của thủ thành Karl Darlow, người đã quá hiểu mức độ khủng khiếp của căn bệnh sau thời gian dài nằm viện và sụt 5 kg trong quá trình chống chọi với virus.

Sẽ có những thay đổi, khi kế hoạch B của thủ tướng Anh Boris Johnson cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới là bắt buộc các cầu thủ khi tới thi đấu ở các sân đấu lớn tại Premier League phải sở hữu hộ chiếu vaccine. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả là không ít cầu thủ bị cấm tham dự các trận đấu.

Đổi lại, môi trường bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ trở nên “trong lành” hơn. Cho đến giờ ban tổ chức giải vẫn nơm nớp lo bùng phát Covid vì sự thiếu hợp tác trong chiến dịch tiêm vaccine của 2/3 số cầu thủ. Quy định mới trong mùa đông sắp tới của chính phủ Anh sẽ làm giảm thiểu nguy cơ này.

Nhiều khả năng, chứng nhận tiêm vaccine cũng sẽ chỉ được áp dụng cho thành viên đội khách hành quân đến các sân đấu lớn. Các thành viên đội chủ nhà có thể được miễn nếu như thực hiện kiểm tra Covid thường xuyên theo quy định.

Nhiều cổ động viên có thể sẽ phản đối vì lệnh bắt buộc họ phải tiêm vaccine trong khi cầu thủ thì không, nhưng chính phủ Anh có cơ sở để lo ngại. Họ không muốn việc bắt buộc tiêm chủng trở thành điều kiện để được thi đấu, điều này trái với những nguyên tắc thông thường.

Đáng buồn là đến cả một con người đầy quyền lực và danh tiếng như Gareth Southgate, HLV trưởng ĐT Anh và từng là huyền thoại của giải Ngoại hạng Anh, cũng không còn dám đứng lên thuyết phục cộng đồng tiêm vaccine nữa.

Southgate khiếp vía sau khi nhận bom thư chỉ trích

Sau khi công khai bày tỏ mong muốn những người trẻ tuổi hãy tiêm vaccine trên truyền thông, Southgate đã nhận một cơn mưa thư toàn là lời lẽ hăm dọa và chỉ trích. Rõ ràng nhận thức của cộng đồng về vấn đề này đang trở nên lệch lạc, và thậm chí ngay cả ở ĐT Anh, cũng chẳng mấy học trò bị thuyết phục bởi những lý luận của Southgate trước đó.

Theo thống kê của báo Anh, chỉ 7 trong số 20 đội Ngoại hạng Anh đạt tỉ lệ 50% đội hình tiêm vaccine đầy đủ. Nhìn chung, chỉ mới có khoảng 1/3 số cầu thủ của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid. Trong đó, 2/6 đội thuộc Big Six chưa hoàn tất tiêm phòng.

Premier League đang hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian ngắn tới đây, khi khoảng thời gian 8 tuần giữa hai đợt tiêm trôi qua, và sẽ có thêm nhiều cầu thủ hoàn tất mũi thứ 2. Nhưng khi mà vẫn đang có đông đảo cầu thủ tỏ ra nghi hoặc, điều đó chẳng có gì đảm bảo.

Việc Southgate “quay xe” không dám tiếp tục vận động cộng đồng là điều có thể thông cảm được bởi cuộc tranh luận giữa phe tiêm và phe không tiêm trong xã hội Anh vẫn đang vô cùng gay gắt, cộng thêm sự hiếu chiến đáng sợ của người hâm mộ. Nhưng những cầu thủ cương quyết nói không với vaccine thì khác.

“Thật buồn, nhưng chẳng biết phải làm sao nữa. Mớ thuyết âm mưu cứ thế lan tràn trong phòng thay đồ”, bác sĩ của một CLB Ngoại hạng Anh than thở. “Thậm chí vài gã rất thông minh cũng bị ảnh hưởng bởi những giả thuyết vô căn cứ ấy và từ chối tiêm chủng. Có cậu còn bảo tôi rằng anh ta chẳng cần vaccine, vì bổ sung vitamin là đủ khỏe rồi”.

“Mớ tin lá cải họ đọc và tin sái cổ, toàn từ mấy nguồn linh tinh trên mạng. Các cầu thủ cho rằng vaccine sẽ khiến họ vô sinh, rằng đó là âm mưu của Bill Gates, rằng thực ra chẳng có đại dịch nào cả. Họ tiêm nhiễm tư tưởng đó vào đầu các cầu thủ trẻ hơn và rồi câu chuyện dở hơi cứ thế lan truyền”.

Theo một vị sếp lớn ở Premier League, “tâm lý bầy đàn” khiến những tin đồn trở nên có vẻ thực tế trong các phòng thay đồ. “Vấn đề là thời gian các cầu thủ sử dụng mạng xã hội và các nhóm chat trên WhatsApp rất lớn. Đó là nơi phát tán những giả thuyết, những thông tin thiếu chính xác”.

“Chỉ cần một đến hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong phòng thay đồ đi rêu rao, sẽ có nhiều cầu thủ trẻ hơn trong đội không chịu tiêm vaccine. Rất khó để thay đổi tư tưởng đó”.

Xét về tiến độ tiêm vaccine, Ngoại hạng Anh đang thua xa Football League (các hạng đấu thấp hơn ở Anh), nơi các CLB đều đạt 70% số thành viên tiêm đủ 2 mũi từ cuối tháng 8. Số liệu mới sẽ được công bố trong tháng này, và chắc chắn sẽ càng ấn tượng hơn nữa.

Sự khác biệt đến từ số lượng lớn cầu thủ nước ngoài ở Ngoại hạng Anh. Trong một cuộc họp diễn ra tuần trước, một số nhà lãnh đạo cho rằng các cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi có xu hướng nghi ngờ mọi tuyên truyền của chính phủ, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia thiếu tính dân chủ.

Một HLV ở giải hạng nhất Anh cũng cho rằng sự khác biệt văn hóa giữa các dân tộc là một yếu tố dẫn tới sự chậm trễ tiêm vaccine trong cầu thủ: “Đây rõ ràng là một vấn đề tế nhị, nhưng luôn có những vấn đề lớn giữa các nhóm cầu thủ da màu, có lẽ xuất phát từ yếu tố văn hóa. Một vài cầu thủ thuộc nhóm này bảo tôi rằng vaccine sẽ gây hại cho họ. Trong 5 cầu thủ từ chối tiêm vaccine ở đội tôi, có tới 4 là người da màu”.

Ở một khía cạnh tươi sáng hơn, Wolves đã hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ đội hình và các nhân viên của họ từ trước khi mùa giải trước khép lại. Ảnh hưởng của chủ sở hữu Trung Quốc có lẽ giúp cho chiến dịch thêm suôn sẻ. Giám đốc điều hành Jeff Shi của Bầy cáo đã cảnh báo từ rất sớm về đại dịch và yêu cầu CLB có kế hoạch đi trước đón đầu.

Chẳng thế mà Wolves là đội bóng Ngoại hạng Anh đầu tiên cho phép nhân viên làm việc tại nhà từ tháng 3/2020, đồng thời vận động quyết liệt để UEFA hoãn trận gặp Olympiakos tại Europa League cùng tháng đó bởi lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra khi hành quân sang nước bạn.

Leeds cũng là một trường hợp gương mẫu, một phần nhờ vào việc sân Elland Road được sử dụng làm điểm tiêm chủng, phần khác bởi sự thống nhất ý chí từ trên xuống dưới trong đội hình, khởi đầu từ HLV Marcelo Bielsa. Toàn bộ đội hình Leeds chỉ còn 2 người chưa tiêm mũi 2 do mới gia nhập CLB vào mùa hè.

Sân Elland Road từng được trưng dụng làm điểm tiêm chủng

Cũng phải nói thêm rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến Leeds vô cùng nặng nề. Norman Hunter, nhiễm Covid từ tháng 4/2020, là một trong số 6 huyền thoại của The Whites kỷ nguyên Don Revie qua đời chỉ trong vòng 19 tháng. Đại dịch cũng đã cướp đi của tiền vệ Kalvin Phillips người bà kính yêu Val. Những mất mát ấy càng củng cố thêm nguyện vọng tiêm vaccine cho toàn đội.

Trong Big Six, Liverpool là một trong những đội tỏ ra khá tích cực trong nỗ lực tiêm vaccine. Theo HLV Jurgen Klopp khẳng định mới đây, 99% thành viên đội bóng đã hoàn tất 2 mũi vaccine, bao gồm cả ông và ban huấn luyện. Thậm chí ông còn chẳng cần thuyết phục cầu thủ, bởi ngay từ đầu họ đã chọn sẽ tiêm vaccine rồi.

“Vì sao tôi nghĩ cần phải tiêm vaccine ư? Tôi đã gọi cho các bác sĩ thân quen và hỏi họ rằng, tôi nên làm gì đây. Đó là cách tôi quyết định những việc như thế này. Không biết phải làm gì, hãy gọi chuyên gia trong lĩnh vực đó, và vị chuyên gia đó sẽ cho bạn câu trả lời”.

“Với tôi, việc tiêm vaccine cũng giống như việc lái xe say rượu ấy. Đôi khi uống dăm ba chén, chúng ta nghĩ mình vẫn lái xe được, nhưng luật không cho phép nên đừng lái. Luật sinh ra không phải để bảo vệ chúng ta, những kẻ say rượu, mà để bảo vệ những người khác khỏi những gã say như chúng ta. Và đó là lý do chúng ta phải tuân theo”.

“Chúng ta đều biết cồn sẽ giết chết bản thân, nhưng chúng ta vẫn cứ uống. Khi tiêm vaccine, vài người cho rằng nó không tốt cho cơ thể ta, dù các chuyên gia không nói vậy. Nhưng đó là giải pháp cho tình hình hiện nay. Vì thế nó cũng giống như câu chuyện lái xe say rượu. Tôi không tiêm vaccine để bảo vệ mình, tôi tiêm vaccine để bảo vệ những người xung quanh”.

“Tôi không hiểu vì sao chúng ta không khắt khe hơn về vấn đề này, cũng giống như khi chúng ta khắt khe với việc lái xe lúc say rượu vậy. Hai chuyện vốn chẳng khác gì nhau. Có lẽ tôi suy nghĩ hơi đơn giản, nhưng quả thực tôi hoàn toàn không hiểu nổi”.

Brentford và Southampton cũng đi ngược lại với xu hướng chung ở Premier League với việc đạt tỉ lệ tiêm vaccine lên tới hơn 90%. Từ thực tế đó, một vị lãnh đạo giải đấu cho rằng các CLB nhỏ có lợi thế nhất định trong chiến dịch vận động tiêm vaccine.

“Môi trường ở các CLB nhỏ trong sáng và giản đơn. Với nhiều CLB lớn, một số cầu thủ ngôi sao nắm quyền lực vượt trội. Bản thân các cầu thủ thì không biết cách tự chăm sóc bản thân, vì vậy khi phải quyết định có tiêm vaccine hay không, họ sẽ bị động và phụ thuộc vào ý kiến của người khác”.

Thậm chí với một số trường hợp, tác động thực tế từ Covid-19 cũng không đủ để lung lạc tâm lý cố chấp. HLV Steve Bruce từng thừa nhận hồi tháng 8 rằng hầu hết cầu thủ của ông từ chối tiêm vaccine ngay cả khi thủ môn Darlow đã bị ốm liệt giường và sụt mất 5 kg vì virus. Và tình trạng đó không chỉ diễn ra ở một hai CLB thuộc giải đấu hàng đầu xứ sương mù.

Thủ thành Karl Darlow chia sẻ từng không thể nuốt nổi vì nhiễm Covid-19

“Chúng tôi có một cầu thủ ốm rất nặng vì Covid – cậu ấy sụt cân khủng khiếp và hầu như không di chuyển được trong 2 tuần, ấy vậy nhưng người bạn thân nhất của cậu ấy ở đội vẫn từ chối tiêm vaccine. Thật là quái dị”, một HLV cho biết.

Tình trạng này đang được ban tổ chức Ngoại hạng Anh lưu tâm. Quyết định miễn cách ly đối với những cầu thủ đã tiêm vaccine đầy đủ trở về từ “vùng đỏ” cũng là một cách giải quyết, dù trên thực tế có thể dẫn tới việc các CLB cố tình ngăn những cầu thủ chưa tiêm vaccine phục vụ ĐTQG. Khi ấy, án phạt nếu có đưa ra cũng là dành cho CLB, còn bản thân cầu thủ không hề ảnh hưởng.

Ban tổ chức Premier League và Football League cũng đã cố gắng “xóa mù” thông tin bằng cách tổ chức buổi họp Zoom cho các HLV và đội trưởng các CLB với chuyên gia y tế Jonathan Van-Tam. Ông này có nhiệm vụ ngồi rao giảng về chuyện có hay không tiêm vaccine bị vô sinh và những tin đồn vô căn cứ đại loại vậy.

Điều đáng tiếc là Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), tổ chức có sức ảnh hưởng khá lớn lên giới cầu thủ, lại không tham gia vận động tiêm vaccine. “PFA cần can thiệp nhiều hơn để thay đổi cách nghĩ của bộ phận cầu thủ từ chối tiêm vaccine, với mục tiêu sau cùng là bảo vệ các thành viên của chính họ”, một chuyên gia nhận định. “Họ đang ra vẻ tôn trọng tự do chọn lựa cá nhân, nhưng thay vào đó, điều họ nên làm là sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để xóa bỏ những nỗi sợ hãi vô cớ và từ đó đảm bảo an toàn cho giới cầu thủ”.

Mô hình của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ (NFL) có thể là một tấm gương cho Premier League. Nếu NFL không thể lên lịch lại các trận đấu bị hoãn do đợt bùng phát Covid giữa các cầu thủ chưa được tiêm phòng, đội bị dịch sẽ hủy trận đấu, một biện pháp ngăn chặn có thể được sử dụng ở quốc gia này nếu các câu lạc bộ không thể hoàn thành lịch thi đấu. 
Nếu không còn cách nào khác, chí ít thì những quy định mang tính răn đe đó cũng có thể khiến giới cầu thủ Anh cảm thấy cần thiết phải tiêm vaccine, thay vì những quy định lỏng lẻo núp dưới vỏ bọc “tôn trọng tự do cá nhân” của giải Ngoại hạng Anh.

    Bình Luận