Khi mới nghe đến cái tên Sheikh Jassim bin Hamad Al Thani hỏi mua MU, nhiều người sẽ nhầm tưởng đó là ông chủ hiện tại đang sở hữu PSG bên Pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ sở hữu PSG là quỹ QSI của nhà nước Qatar. Còn Sheikh Jassim là cổ đông chính của Ngân hàng Hồi giáo Qatar (QIB) - đơn vị đứng ra đấu thầu mua Quỷ đỏ thành Manchester.
Điều đó đồng nghĩa với việc QIB thuộc sở hữu cá nhân, không liên quan tới QSI nên không vi phạm luật của UEFA trong việc một chủ hai CLB. Do vậy, việc một nhóm cá nhân giàu có hay một cá nhân giàu có sở hữu MU sẽ không gây ra bất cứ vấn đề hay xung đột nào với quyền kiểm soát PSG hiện tại. Đây là lý do thứ nhất CĐV MU không phải lo lắng gì đến tư cách pháp nhân của người Qatar trong việc tiếp quản đội chủ sân Old Trafford.
Sheikh Jassim vốn là con trai thứ của cựu Thủ tướng Qatar giai đoạn 2007-2013 và gần như trùng tên với anh trai (chủ tịch quỹ QSI) của Tiểu vương Tamim bin Hamad Al-Thani (chủ Quỹ đầu tư Qatar QIA cũng là người sáng lập quỹ QSI) - người đã lên trao Cúp vàng thế giới cho Lionel Messi cùng đồng đội ở ĐT Argentina tại lễ bế mạc World Cup 2022. Mà QSI là chủ sở hữu của PSG hiện tại.
Để giải thích rõ danh phận của hai nhân vật này, chuyên gia đặc biệt về thể thao chính trị Jean-Baptiste Guegan nhấn mạnh: “Họ (QSI) thuộc dòng họ nhà Khalifa, một quyền lực tại Qatar. Còn Sheikh Jassim, người đứng đầu hỏi mua lại MU lại thuộc gia đình Jaber - một dòng tộc thế lực lớn khác ở quốc gia vùng Vịnh”.
Sheikh Jassim là người vô cùng kín tiếng. Tiểu sử và ảnh của ông không được giới thiệu trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Song, Sheikh Jassim lại là 'một người lớn lên tại Anh và một fan MU trọn đời'.
“Chúng tôi biết rằng, Sheikh Jassim sinh năm 1982. Cũng giống như Tiểu vương, ông từng theo học ở Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst, Vương quốc Anh. Ông ấy hiện là chủ tịch QIB, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Qatar. Sheikh Jassim là một trong những người đàn ông quyền lực nhất ở Qatar, một nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn.
Chính Sheikh Jassim là người khởi đầu cho cấu trúc dự án thể thao của Qatar. Đó là một tỷ phú rất quyền lực nhưng hiếm khi xuất hiện trước công chúng”, ông Guegan tiếp tục cho biết về Sheikh Jassim.
Đấy là lý do thứ hai mà giới mộ điệu MU có thể yên tâm khi QIB tiếp quản đội bóng trong tương lai gần. Bởi họ sắp có một ông chủ giàu có, yêu MU trọn đời, sẵn sàng chi rất, rất, rất nhiều tiền để khôi phục lại vinh quang trước đây của CLB cả trong lẫn ngoài sân cỏ và “khiến MU trở lại là trung tâm của thế giới”.
Rõ ràng, về mặt tư cách pháp nhân, Sheikh Jassim không liên quan gì đến PSG. Nhưng thực tế, Sheikh Jassim vẫn có mối liên hệ mật thiết với giới chủ PSG. Bởi QIA là cổ đông lớn của QIB do Sheikh Jassim đứng đầu.
“Họ cần một gương mặt đại diện cho dự án này. Điều đó có nghĩa dự án này độc lập hoàn toàn với cả QIA lẫn QSI. Nhưng khi chúng ta quan sát sự nghiệp, hành trình của Sheikh Jassim, thì sẽ thấy rõ đó là một sự lựa chọn liên quan trực tiếp đến gia đình trị vì Al-Thani.
Thoát đầu, có vẻ như chẳng liên quan gì đến một dự án mua lại MU, giống trường hợp của Sheikh Mansour, chủ tịch của Man City. Đó cũng là một người mà chúng ta rất ít khi thấy mặt. Song, ai cũng biết rõ đằng sau ông ấy là cả một nhà nước Qatar”, ông Guegan phân tích thêm.
Đây là lý do khiến các CĐV MU yên tâm khi CLB chuyển giao chủ sở hữu. Điều này giúp họ không vi phạm vào điều 2 của quy định Champions League từ UEFA: cấm 2 đội dự giải có chung chủ sở hữu.
Tóm lại, người Qatar dùng tư cách pháp nhân của Sheikh Jassim và QIB để thâu tóm MU. Tất cả đều nằm trong chiến lược mở rộng quyền lực mềm của nhà nước Qatar.
Bình Luận