Nơi hình thành nên Marcus Rashford hay Foden

Bóng đá Anh từng sở hữu những ngôi sao trẻ đầy triển vọng như Marcus Rashford, Paul Pogba hay gần đây là Hudson-Odoi, Foden. Nhưng đâu là môi trường giúp các CLB đỉnh cao của nước Anh, bên cạnh các học viện, đào tạo nên những viên ngọc đó?  

Các CLB bóng đá từ lâu đã có mối quan hệ đối tác chính thức với các trường học ở địa phương để đảm bảo các cầu thủ thuộc học viện của họ được giáo dục toàn diện. Những mối quan hệ đó rất quan trọng đối với sự phát triển của một cầu thủ.  

Ngày nay, danh tiếng của Trường Whitgift đã được khẳng định nhờ nơi đây là chốn ăn học của nhiều cầu thủ tài năng. Nổi tiếng nhất hiện là Callum Hudson-Odoi, cầu thủ của đội một Chelsea và là thành viên của ĐT U21 Anh đang dự VCK U21 châu Âu.

Đây cũng là trường cũ của thần đồng CLB Bayern Munich, Jamal Musiala, người mới vừa bước qua tuổi 18 nhưng đã có trận ra mắt ở ĐT Đức tại chiến dịch vòng loại World Cup 2022. Họ là hai trong số 16 cựu học sinh của Whitgift hiện đang tiến tới thi đấu chuyên nghiệp.

Trường Whitgift lúc này có 21 đội bóng với hơn 400 nam sinh. Họ sở hữu 4 sân bóng trong khuôn viên nhà trường, bao gồm 1 sân dành cho bóng đá 11 người, 2 sân dành cho bóng đá 9 người. Đó là một nền tảng để trường Whitgift phát triển tiềm năng bóng đá đáng kinh ngạc.

Không giống như các trường Rainhill, St Ninian's hay thậm chí là St Bede’s, trường Whitgift không có thỏa thuận chính thức với bất cứ CLB chuyên nghiệp nào để cung cấp dịch vụ giáo dục cho các cầu thủ thuộc học viện bóng đá của họ.

Jamal Musiala từng theo học trường Whitgift

Đôi khi, ý tưởng hợp tác kiểu này đã được đưa ra nhưng phía nhà trường luôn phản đối. Thay vào đó, họ muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với những CLB trong vùng như Chelsea, Fulham, Arsenal, Charlton Athletic và Crystal Palace.  

Hiện tại, 27 học sinh của trường đang duy trì mối liên kết với các học viện của các CLB. Điều đó nói lên rằng, trường Whitgift luôn tìm cách tạo điều kiện cho những cậu bé có đủ khả năng nhờ cơ sở vật chất hấp dẫn của mình.  

Cơ sở vật chất và tiêu chuẩn học tập tại ngôi trường được thành lập vào năm 1596 này rất nổi bật, nhưng với một hiệu trưởng coi trọng thể thao, những gì trường Whitgift cung cấp về giáo dục thể chất cũng chẳng thua kém các học viện bóng đá đang làm.

Thành công của trường về mảng thể thao gắn liền với hình ảnh của Hudson-Odoi và Musiala, những người đang truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo. Mỗi năm, trường tổ chức được 3 đội bóng chính thức bên cạnh 4 đội được phân hạng A, B, C, D cho các học sinh dưới 12 tuổi.  

Ba đội bóng chính thức sẽ cạnh tranh với các đội bóng ở trường khác thông qua các trận đấu đạt tiêu chuẩn quốc gia và học viện. Họ tận hưởng các đợt huấn luyện và giải đấu ở nước ngoài, và đã trở thành gương mặt thường xuyên trong các trận chung kết quốc gia.

Hudson Odoi cũng là một cựu học sinh của trường Whitgift

Các đội bóng của trường Whitgift đã 13 lần giành chức vô địch Cúp quốc gia của Hiệp hội Bóng đá các trường độc lập, 5 lần giành Cúp Hiệp hội Bóng đá của các trường học Anh (ESFA) năm lần ở các nhóm tuổi khác nhau kể từ năm 2016.  

Hudson-Odoi đã học 3 năm tại trường trước khi rời đi vào năm 9 tuổi để gia nhập học viện của CLB Chelsea. Còn Jamal Musiala cũng có 3 năm ăn học ở đây, trước khi đến Chelsea và sau này trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại Champions League cho Bayern Munich (17 tuổi 363 ngày).

Trước bộ đôi ngôi sao này, trường Whitgift cũng đã nuôi dưỡng tài năng của những ngôi sao bóng đá khác như Bertrand Traore (Aston Villa) hay Victor Moses, người đã đến Vương quốc Anh lúc 11 tuổi khi chạy tị nạn từ Nigeria. Moses đã gia nhập học viện của Palace và được gửi đến học tại Whitgift.

Còn ở Liverpool, các bức tường trong phòng truyền thống của trường Rainhill treo áo đấu của 10 cầu thủ ở CLB Liverpool từng học ở đây: Neco Williams, Curtis Jones, Trent Alexander-Arnold, Rhian Brewster, Rafael Camacho, Ben Woodburn, Sheyi Ojo, Jordon Ibe, Jerome Sinclair và Raheem Sterling. Nếu Paul Glatzel lọt vào kế hoạch của HLV Jurgen Klopp, con số sẽ tăng lên 11.

Mối quan hệ hợp tác của nhà đương kim vô địch Premier League với trường học này đã kéo dài hơn một thập kỷ. Việc Sterling, 15 tuổi, đến từ Queens Park Rangers vào năm 2010 đã khiến các quan chức học viện Liverpool nghĩ khác về cách giáo dục các cầu thủ trẻ nhất.

Hệ thống trường học liên kết với các CLB hàng đầu nước Anh

Đây là thời kỳ Liverpool chi rất nhiều tiền cho thanh thiếu niên từ các vùng khác của đất nước. Ví dụ như Sterling, Ibe, Ojo và Brewster, tất cả đều chuyển đến từ London hoặc khu vực lân cận. Việc đảm bảo tất các học viên đều học cùng một trường sẽ giúp họ dễ dàng ổn định hơn, đồng thời cho phép Liverpool đánh giá hành vi của mọi học viên theo cùng tiêu chuẩn.

Chẳng bao lâu, CLB đã đưa tất cả những học viên từ 11 đến 16 tuổi đến trường Rainhill, cũng như một số cầu thủ U18. Alexander-Arnold đã theo học tại St Mary’s, một trường tư thục ở Crosby, ngoại ô phía bắc thành phố Liverpool, trước khi chuyển đến Rainhill theo lời giới thiệu của CLB. Sự tiến bộ của anh đã được đánh giá từ cơ sở học viện của Liverpool ở Kirkby.

Hiệu trưởng điều hành của Rainhill cho đến năm 2019 là John Pout, một CĐV sở hữu vé mùa tại sân Anfield. Năm 2018, trường đạt thành tích tốt nhất trong số các đơn vị giáo dục trực thuộc các CLB ở Premier League. Tuy nhiên, năm ngoái, khu thể thao của trường đã bị đình chỉ sau khi một cậu bé bị đâm trên sân bóng.  

Đối với Man City, CLB này có liên hệ với 2 trường học. Một là trường điểm danh giá St Bede's, nơi các con của HLV Pep Guardiola cũng theo học. Còn một là trường trung học Barlow, nơi Man City gửi gắm những học viên triển vọng đến học.  

Đại diện của Man City đã gặp gỡ đội ngũ lãnh đạo của cả 2 trường để cam kết sẽ cung cấp cho các cầu thủ của họ cơ hội tốt nhất phát triển về mặt học tập và xã hội. Man City là một trong những CLB đầu tiên của nước Anh cung cấp học bổng cho các học viên của mình vào năm 2012.

Foden và Sancho lại từng ăn học ở ngôi trường danh giá nhất Manchester

Các học viên sẽ chỉ phải học từ sáng đến chiều 2 ngày trong 1 tuần, còn lại học nửa buổi 3 ngày còn lại. Khi không phải học, họ sẽ rời trường vào giờ ăn trưa và tập luyện tại Học viện Bóng đá Man City vào buổi chiều. Khi lên lớp 10 và 11, tối thiểu, họ được tập 1 ngày trọn vẹn tại học viện bóng đá. Phil Foden và Jadon Sancho là một trong những cầu thủ của học viện Man City từng theo học tại St Bede’s.

Trong khi đó, Man United đã có liên kết chính thức với trường Ashton on Mersey từ năm 1998. Quỷ Đỏ gửi các học viên đến học tập trong một môi trường có liên quan nhất đến bóng đá và giáo dục.  

Tarun Kapur, giám đốc điều hành của trường Ashton on Mersey, đã ký một thỏa thuận với cựu HLV Sir Alex Ferguson và cựu chủ tịch Martin Edwards của Man United về việc đào tạo kiến thức cho các học viên, đồng thời cung cấp sự linh hoạt trong việc đào tạo và thi đấu.  

Ông có mối quan hệ vẫn bền chặt với Marcus Rashford, một cựu học sinh nổi tiếng của trường. “Marcus Rashford đã ghi 2 bàn trong trận ra mắt của cậu ta, nhưng vẫn đến trường đúng giờ vào thứ Hai”, Kapur kể về cậu cựu học sinh đang ngày một nổi tiếng.

Học bổng Manchester United Schoolboy Scholars (MANUSS) được cấp cho những tài năng triển vọng nhất trong độ tuổi từ 11 đến 18. Mason Greenwood, Scott McTominay, Brandon Williams, Axel Tuanzebe và Jesse Lingard… đều là những người đã được nhận học bổng này.  

Trước đó, trường Ashton on Mersey đã giáo dục những Jonny Evans, Darren Fletcher, John O’Shea, Luke Chadwick và Danny Higginbotham. Các học viên người nước ngoài cũng đã theo học tại đây như Paul Pogba, Gerard Pique và Giuseppe Rossi.

    Bình Luận