Nói Pep vĩ đại nhất thế giới không phải vì HLV giành được mọi danh hiệu ở bóng đá cấp CLB - 17 danh hiệu lớn và còn tiếp tục tăng - mà bởi vì cách mà ông đã thay đổi bóng đá. Điều khiến Pep trở nên đặc biệt là việc ông không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo, mặc dù điều đó không cần thiết.
Cho dù các đội bóng của ông cũng đủ chất lượng để giành chiến thắng nhưng ông. vẫn thúc đẩy 100%. Một HLV trẻ coi Pep như minh sư đã nhận xét rằng, những gì trong đầu chiến lược gia 52 tuổi này đi trước phần còn lại nhiều năm ánh sáng. Cựu tiền đạo Thierry Henry cũng cho rằng Pep là “HLV vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Fernandinho nói rằng Pep có thể thuyết phục mọi người rằng những gì ông ấy nói ra sẽ là những gì chuẩn bị xảy ra trong một trận đấu. Sau đó, Pep sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết để giải quyết tình huống. “Cách tôi nhìn bóng đá bây giờ khác lắm. Tôi chưa bao giờ thấy như thế trước khi được gặp Pep”, tiền vệ của Man City nói.
Nhớ lại cuộc nói chuyện của cả đội trước chiến thắng chung kết Champions League 2011 của Barcelona trước Man United, tiền vệ Javier Mascherano kể rằng khi Pep Guardiola nói, cứ như thể ông đang đề cập đến một trận đấu mà họ đã trải qua rồi vậy. “Khi đang thi đấu, tôi đã nghĩ: Mình đã thấy điều này rồi. HLV đã nói với mình về điều đó rồi. Mọi thứ mà ông ấy nói sẽ xảy ra thì kiểu gì cũng đến”.
Trong khi đó, Ilkay Guendogan mô tả Pep Guardiola là một "thiên tài đọc trận đấu và bao quát mọi tình huống có thể tưởng tượng được".
Là truyền nhân của “Thánh” Johan Cruyff, kể từ thời điểm Pep nắm quyền tại Barcelona năm 2008, tất cả những gì ông muốn làm là "khiến cho bóng đá tốt hơn, đưa đội bóng của mình lên một tầm cao mới". Cựu HLV của ĐT Argentina, Jorge Sampaoli đã gọi Pep là "HLV có trí tưởng tượng nhất trong bóng đá".
Thêm vào đó, Pep có khả năng loại bỏ và sẵn sàng loại bỏ những cầu thủ không thể cam kết hoàn toàn với thứ bóng đá của Pep một cách triệt để. Những phẩm chất đó đã giúp Pep vượt xa phần còn lại của giới HLV nhiều năm ánh sáng.
Có một giai thoại gói gọn triết lý của Pep Guardiola xảy ra ngay sau khi ông tiếp quản Barca vào năm 2008. Thủ môn Victor Valdes kể: "Tôi nhớ cuộc nói chuyện đầu tiên với Pep, ở trong văn phòng của ông ta ở Nou Camp. Pep có một bảng chiến thuật với hai cục nam châm nhỏ ở hai bên cầu môn ngay bên ngoài vòng cấm.
Ông ấy nói: Cậu có biết 2 cầu thủ này là ai không? Sau đó, ông ấy nói tiếp: Đây là những trung vệ của bạn. Tôi không biết Pep đang nói về cái gì thì đột nhiên ông ta cao giọng: Khi cậu có bóng. Đây là nơi tôi muốn họ ở đó. Tôi đã nghĩ thằng cha HLV này bị điên.
Sau đó, Pep lại huấn thị: Cậu sẽ chuyền cho họ. Và từ đây chúng ta sẽ dàn dựng vở kịch. Đúng như thế, tôi vẫn nghĩ ông ta hoàn toàn bị điên. Nhưng bản thân tôi cũng hơi điên một chút, tôi cảm thấy đồng điệu với ông ta. Vì vậy, tôi trả lời: Các hậu vệ sẽ phải dũng cảm và ham cầm bóng. Pep gật đầu: Đừng lo, đó là công việc của tôi. Tôi sẽ đảm bảo rằng họ muốn nó. Và đó là cách mọi chuyện bắt đầu”.
Và cánh cửa đã được mở ra cho một thế giới mới. Kể từ đó trở đi, công việc của Pep là thuyết phục các cầu thủ thông qua các buổi tập là phải làm những gì ông muốn họ làm. Điều này đi ngược với thói quen tập luyện của cầu thủ. Hãy nhớ, bóng đá đã phát triển như thế nào: nó đến từ đường phố, từ mỗi cầu thủ và sáng kiến cá nhân.
Nhưng dần dần nó trở thành một quá trình tập thể có tổ chức hơn. Đội bóng Man City này là một phiên bản tối ưu của Pep. Mười một cầu thủ cùng hướng tới một ý tưởng duy nhất, đúng như giấc mơ của HLV. Trong quá khứ - tại Bayern Munich và Barcelona - khi Pep cảm thấy mình không còn điều đó nữa, ông thu dọn đồ đạc của mình và lên đường.
Pep Guardiola đã đẩy bóng đá sang những hướng đi mới. Vào năm 2008, khái niệm bóng đá thịnh hành là về các cấu trúc phòng ngự chắc chắn, có tổ chức, từ đó các pha chuyển đổi trạng thái nhanh chóng được thực hiện. Pep là người tiên phong trong việc xây dựng một đội bóng không sử dụng hàng thủ như một phương tiện để kết thúc trận đấu, mà là điểm khởi đầu của cuộc tấn công.
Pep Segura, cựu giám đốc thể thao của Barcelona, và có lẽ là người đã nghiên cứu nhiều nhất về ảnh hưởng và di sản của Pep, giải thích: “Ông ấy là HLV đầu tiên bắt đầu nghiên cứu cái được gọi là lý thuyết về các giai đoạn xây dựng của lối chơi tấn công.
Pep bắt đầu bằng cách biến những pha phá bóng thành những điểm khởi đầu cho một đợt tấn công, và sau đó đến gia đoạn xây dựng một đợt tấn công và những gì phải làm khi bóng lên đến giữa sân. Ông đã phát triển 2 giai đoạn đó và bắt đầu thực hiện ở giai đoạn thứ ba: chuẩn bị cho đường chuyền cuối cùng”.
Yêu cầu của Pep dựa trên các nguyên tắc đơn giản. Giữ quyền kiểm soát bóng, chơi đơn giản và chơi nhanh. Và đôi khi nó có thể phải trả giá. Trước đây, Bernardo Silva đã thừa nhận với một số đồng đội ở ĐT Bồ Đào Nha rằng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi ở Man City vì sự lặp lại liên tục, mặc dù chính những biện pháp này đã đưa anh đến đẳng cấp như ngày nay.
Guardiola giống như một giáo viên chủ nhiệm mà học trò chỉ đánh giá cao trong những năm sau khi tốt nghiệp nhưng lại cực căm ghét khi còn là thày trò bởi ông ta đòi hỏi ở cầu thủ quá nhiều thứ.
Không phải tất cả các cầu thủ đều phát triển theo nhu cầu đào tạo chuyên sâu của Pep. Những cầu thủ cầu tiến sẽ làm theo yêu cầu bởi vì họ muốn học cách đọc và hiểu biết về trận đấu tốt hơn, chọn vị trí tốt hơn và hỗ trợ đồng đội tốt hơn.
Có một áp lực tâm lý rất lớn đối với cầu thủ để làm được những gì anh ta phải làm cho đội. Trong đó, chúng ta thấy một trong những thuộc tính lớn nhất của Guardiola: khả năng thay đổi tâm lý và suy nghĩ của những cầu thủ không muốn bị thay đổi.
Kể từ khi rời Barcelona, Pep đã huấn luyện Thomas Muller, Franck Ribery, Silva, Kevin de Bruyne và Jack Grealish, tất cả những người này - bất chấp tính cách mạnh mẽ của họ - đã tiếp thu triết lý của ông. Dani Alves từng nói: “Nếu Pep bảo tôi nhảy khỏi tầng ba sân Nou Camp, thì tôi sẽ nhảy vì tôi nghĩ phải có lý do chính đáng cho việc đó”.
Pep luôn đứng đầu trong mọi tình huống, luôn sửa sai, luôn đòi hỏi nhiều hơn. Đôi khi, các cầu thủ của ông có thể cảm thấy thất vọng. Nó đã xảy ra với De Bruyne trong trận bán kết Champions League ấn tượng trước Real Madrid vào tháng Năm. Tại một thời điểm, De Bruyne để mất bóng và Guardiola bày tỏ sự thất vọng. Quá bực tức, De Bruyne hét lên: "Im đi, tôi phát chán với việc nghe giọng của ông rồi."
Tiếng nói đó tiếp tục thúc đẩy các đội hướng tới thành công. Mỗi CLB mà Pep đã huấn luyện, ông đều nhào nặn ý tưởng của mình để phù hợp, mà không bao giờ từ bỏ bản chất của mình. Triết lý cơ bản không thay đổi. Các yêu cầu đối với cầu thủ của ông cũng vậy.
Pep dành phần lớn thời gian trong ngày để lên kế hoạch đi trước đối thủ một bước. Kiểu ngủ của ông rất khác thường, với những tin nhắn được gửi đến BHL vào đầu giờ sáng. Ông thường dựa vào những giấc ngủ trưa dài trong ngày để sạc lại pin.
Không nhiều người trong BLĐ ở các CLB của Pep Guardiola hiểu đầy đủ các quy trình của ông. Nhưng họ biết Pep làm việc. Khaldoon Al Mubarak, chủ tịch của Man City, biết rằng ông có một HLV với năng lực làm việc phi thường và đôi khi ông phải chấp nhận một số mối bất an của mình.
Pep chuẩn bị mọi thứ để giành chiến thắng. Nếu không đạt được kết quả như ý, ông sẽ trở nên "cuồng loạn", như một người bạn thân đã hài hước nói. Khaldoon đã chứng kiến điều đó sau trận hòa đầu tiên trong mùa giải thứ hai của Pep. “Không thể, tôi sẽ không bao giờ có thể làm những gì tôi muốn”, ông liên tục hét lên câu đó trong phòng riêng sau trận đấu.
Vai trò của Khaldoon là trấn an Pep và nhắc nhở HLV này về sự ủng hộ toàn diện của CLB. Pep cần sự bất an, kịch tính để nuôi sống bản thân. Nếu cần, ông thậm chí còn tạo ra mối bất an không có thật. Đó là sự pha trộn của nỗi ám ảnh, nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Pep phải cảm thấy rằng mọi thứ đều quan trọng. Đó là cách ông kiểm tra xem đam mê của mình có còn không.
Pep được biết đến là người yêu cầu trình bày món ăn ngon hơn. Ông muốn mọi hành vi hoàn hảo ở các nhân viên an ninh. Ông thích nhìn thấy nụ cười của những người đứng sau bàn tiếp tân. Ông muốn các cầu thủ cảm thấy các tiêu chuẩn là cao nhất mà họ từng trải qua.
Ông có 4 cuộc họp ngắn mỗi trận. Mỗi mùa, Pep có từ 6 đến 10 cuộc gặp với tất cả mọi người - từ bồi bàn và nhân viên y tế đến bác sĩ thể chất và lễ tân - trong một căn phòng ở trung tâm huấn luyện. Mọi người đều bị ép như cá mòi trong hộp. Ông nhắc nhở họ rằng họ phải tiếp tục thúc đẩy sự tiến bộ.
Nếu đội bóng của Pep thắng, người ngoài nói rằng ông là một thiên tài. Nếu đội bóng thua, họ nói Pep suy nghĩ quá nhiều, từ lười biếng nhất từng được dùng để nói về công việc của Pep. Họ cũng nói Barca, Bayern hay Man City thành công là nhờ dàn cầu thủ chất lượng nhưng không thấy cây gậy mà Pep thúc ép cầu thủ đi theo con đường đã vạch ra.
Pep Guardiola là HLV tiên tiến nhất trên thế giới. Ý tưởng của ông hoạt động trên 4 giai đoạn tấn công và phát triển chúng. Điều đầu tiên - quá trình đưa bóng lên - là điều mà Valdes đã giải thích. Từ giai đoạn mở đầu đó, phần lớn phụ thuộc vào việc có nhiều cầu thủ hơn đối thủ ở một khu vực cụ thể trên sân hay không.
Giai đoạn thứ hai - xây dựng lối chơi - dựa trên ưu thế về quân số đạt được bằng cách di chuyển cầu thủ vào các vị trí và đường tấn công khác nhau. Còn ai có thể nghĩ đến việc đạt được điều này bằng cách biến John Stones, một trung vệ, thành một trong những tiền vệ hiệu quả nhất của Man City?
Giai đoạn thứ ba là tạo ra đường chuyền cuối cùng, đường kiến tạo. Đây là điều mà Pep tin rằng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Giai đoạn đó là giai đoạn mà ông đã làm việc chăm chỉ hơn trong vài năm qua - sự di chuyển của hậu vệ cánh, tiền vệ trung tâm và tiền đạo trước đường chuyền cuối cùng. Ông sử dụng 10 phút cuối cùng của buổi tập để làm điều đó, thay vì để các cầu thủ sút bóng hoặc chuyền ngang.
Ông biết, bất chấp thành công của Man City, mình vẫn chưa toàn thành giai đoạn thứ ba đó, cũng như việc thiết lập giai đoạn thứ tư, “Dứt điểm” - thuật ngữ huấn luyện kỹ thuật để chỉ việc hoàn thiện một đợt tấn công.
Có cảm giác rằng văn hóa bóng đá vẫn chưa sẵn sàng cho những gì Pep muốn làm. Cầu thủ muốn có quyền tự do rê bóng khi họ muốn và sút khi họ muốn - chứ không phải khi họ được yêu cầu. Nhưng nó sẽ xảy ra. Đó là một phần trong quá trình tìm kiếm liên tục của Pep để tinh chỉnh cách suy nghĩ và cách chơi bóng.
Nhiều người đang xem và học hỏi từ Pep. Văn hóa bóng đá mới của ông vẫn ở đây. Chỉ tính riêng ở Premier League, có ít nhất 5 HLV được ông truyền cảm hứng - Thomas Frank, Marco Silva, Mikel Arteta, Erik ten Hag và Roberto de Zerbi, sắp tới là sự gia nhập của HLV thứ 6, Vincent Kompany.
Tuy nhiên, ảnh hưởng không phải là một chiều. Ngược lại, Pep Guardiola đã tiếp thu những điều học được từ De Zerbi của Brighton.
Nhưng trên bình diện bóng đá thế giới, tầm ảnh hưởng của Pep Guardiola đã lan toả. Bảy trong số tuyển thủ ở đội hình xuất phát của ĐT Tây Ban Nha trong trận chung kết World Cup 2010 thuộc biên chế Barcelona của Pep. 5 trong số 11 cầu thủ đá trận chung kết World Cup 2014 của ĐT Đức khoác áo Bayern do Pep huấn luyện.
Khi mọi người nghĩ rằng không có gì mới để phát minh về cách chơi bóng đá, Pep Guardiola đã chứng minh rằng họ đã sai. Ông đã tạo dựng được danh tiếng về việc nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy. Những thách thức mới đang ở phía trước.
Trong 2 năm nữa, khi hợp đồng hết hạn, Pep sẽ rời Man City. Xung quanh ông là những người đã chuẩn bị nền tảng cho sự xuất hiện của ông, và những người đã cho Pep những công cụ để đưa bóng đá đến một vị trí mới. Sau Man City, Pep có thể sẽ nhận được lời đề nghị từ các ĐTQG, một thách thức hoàn toàn xa lạ với HLV này.
Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta nên tận hưởng thứ bóng đá của Pep Guardiola - sản phẩm của một bộ óc tuyệt vời.
Bình Luận