
- Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Hậu vệ Ben White, hầu như chẳng có gì đặc biệt để phải giới thiệu, vừa chuyển từ Brighton sang Arsenal với giá 50 triệu bảng. Tiền vệ Jack Grealish nổi đình nổi đám với giá chuyển nhượng gấp đôi, từ Aston Villa sang Man City. Còn nữa, gấp ba giá ấy, là con số mà Tottenham yêu cầu đối với tiền đạo Harry Kane của họ.
Điểm chung giữa White, Grealish, Kane: tất cả đều chưa có danh hiệu gì (và Kane đòi đi khỏi Tottenham chỉ để hy vọng có danh hiệu ở một CLB lớn). Đội bóng của họ cũng vậy. Brighton, Aston Villa, Tottenham chưa bao giờ đáng để giới chuyên môn nhìn vào vào học hỏi. Tháng tới, Grealish tròn 26 tuổi. Nhưng anh chỉ mới khoác áo ĐTQG được hơn chục lần. Đấy là mẫu cầu thủ mà dù được đưa vào sân từ ghế dự bị, rồi lại bị thay ra trong cùng một trận, vẫn thấy vinh hạnh lắm rồi. Vẫn còn hơn White. Sắp tròn 24 tuổi, hậu vệ này có chân trong đội tuyển Anh theo dạng “xách nước, bổ cam” và thế giới bóng đá đỉnh cao của anh xưa nay chỉ mới gồm vài chục trận chơi cho Brighton. Kane nổi tiếng nhất. Nhưng tóm lại, cũng chẳng làm được điều gì đáng kể, ở đẳng cấp cao thực thụ.
Sự phức tạp của bóng đá đỉnh cao làm cho việc so sánh giá chuyển nhượng, trong nhiều trường hợp, là hoàn toàn vô nghĩa. Dù sao đi nữa, thật khó hình dung cái giá ba trăm triệu bảng tổng cộng, cho 3 cầu thủ Ben White, Jack Grealish, Harry Kane. Rút cuộc, đội tuyển Anh chưa bao giờ vô địch châu Âu đã có hy vọng trở thành đội tuyển số 1 thế giới về… giá chuyển nhượng. Cách đây vài năm, vị trí này thuộc về đội tuyển Bỉ. Cứ như đội bóng của Eden Hazard và Kevin de Bruyne thống trị thế giới đến nơi. Rút cuộc, họ cũng vươn đến kỳ tích, lần đầu tiên được xếp thứ 3 ở đấu trường World Cup (thắng Anh).
Premier League chắc chắn là giải VĐQG giàu nhất thế giới. Nhưng giải đấu này càng giàu, thì giá trị chuyên môn của bóng đá Anh càng có vẻ nghèo. Lui tới trong mỗi mùa hè giới hâm mộ Anh chỉ biết đúng mỗi một điều: đội bóng của họ mua thêm được ngôi sao nào, được cấp bao nhiêu tiền để mua cầu thủ. Giới cầm bút gần như chỉ nói một chuyện: đội nào cần mua thêm ngôi sao nào để vô địch Premier League, vô địch Champions League! Vì sao Man City xưa nay chưa bao giờ vô địch Champions League (và chắc sẽ không bao giờ, cho đến khi xuất hiện một giải đấu khác, ý tưởng khác), thì chẳng thấy ai bàn – trừ phi vẫn chỉ bàn rằng thất bại vì chưa mua được ngôi sao này, ngôi sao khác.
Dự đoán những điều “khó nghe” về Grealish ở Man City thì e rằng không phải phép. Nhưng nếu sau này mới bàn thì dễ mang tiếng “bàn đề sau khi xổ số”. Pep Guardiola đi theo con đường cao cấp, huấn luyện bằng triết lý và hễ thành công thì tất yếu sẽ thắng hàng loạt, chứ không hài lòng với vài thành tích nhất thời? Có thể. Nhưng ông đến Man City, và… hỏng. Đội này quá giàu, nên công việc cho Guardiola lại quá nghèo nàn: rải tiền mua sắm thôi, chứ còn biết làm gì khác!
Bình Luận