Ngày 23/5/2011, M.U gặp Sheffield United trong trận chung kết lượt về FA Cup giải trẻ tại Old Trafford. Ở hàng tiền vệ, đội chủ nhà có Paul Pogba và Jesse Lingard, hai gương mặt thân quen tại Nhà hát của những giấc mơ. Thủ lĩnh của phía bên kia là Harry Maguire, đội trưởng hiện tại của Quỷ đỏ thành Manchester.
Có điều, không ai trong số ba cái tên kể trên gây được ấn tượng mạnh mẽ như nhân vật mang áo số 10, Ravel Morrison. Phân nửa trong số 4 bàn thắng của đội trẻ M.U hôm ấy được ghi bởi Morrison, linh hồn của đội trong chiến dịch chinh phục chức vô địch FA Cup giải trẻ thứ 10 trong lịch sử.
Nhưng một khởi đầu thuận lợi chưa bao giờ là tấm vé thông hành đưa các cầu thủ trẻ bước vào cuộc đời chuyên nghiệp. Nếu Pogba, Lingard hay Maguire đều ít nhiều khẳng định tên tuổi thì sau trận đấu 9 năm trước, cuộc đời của Morrison chỉ là một màu xám xịt. Morrison chỉ có thêm 3 lần khoác áo đội một M.U và tất cả đều diễn ra tại Cúp Liên đoàn. Một năm sau, anh bị bán sang West Ham, lang bạt kỳ hồ qua 7 màu áo nữa tại 4 quốc gia và 2 lục địa.
Trớ trêu thay, đội bóng chủ quản hiện tại của Morrison chính là… Shefffied United, và sự ngưỡng mộ họ nuôi dưỡng suốt gần thập niên với Morrison cũng chẳng thể giúp anh có vị trí chính thức. Từ đầu năm nay, Morrison bị đem cho mượn tại Middlesbrough.
Cuộc sống xã hội phức tạp, thiếu lành mạnh là lý do lớn nhất khiến Morrison đánh mất tương lai tưởng chừng tươi sáng và đầy hứa hẹn. Đúng ra, anh đã trở thành một mặt hàng đáng giá 100 triệu bảng trên TTCN như mô tả của Rio Ferdinand. Wayne Rooney còn khẳng định Morrison hội tụ mọi phẩm chất xuất sắc nhất của một tiền vệ. Vidic trong một buổi tập thậm chí còn bị Morrison xỏ háng tới 3 lần trong một phút ở một buổi tập.
“Morrison là một thiên tài bóng đá”, Sir Alex Ferguson viết trong cuốn sách Leading xuất bản hồi 2015. Cậu bé này là hiện thân của những gì tinh túy nhất có thể tìm thấy ở một cầu thủ tấn công đương đại: Nhanh, khỏe, khéo và đầy tinh quái.
14 tuổi, Morrison đã nổi lên như hiện tượng tại Carrington. 16 tuổi, Morrison lên tập cùng các “ông anh, ông chú” và khiến Darren Fletcher tròn xoe mắt. Sir Alex phải gọi Rooney và Ferdinand ra góc rồi ghé nhỏ tai: “Nhìn này, hồi bằng tuổi đứa nhóc này, các cậu còn kém xa nó”. Sir Alex vốn dĩ khá kiệm lời, không bao giờ cường điệu hóa và điều đó có nghĩa, khi ông phải thốt lên về một ai đấy, người đó ắt là bậc hiền tài.
“Morrison thông minh hơn Giggs, có tố chất bùng nổ với những bàn thắng đặc trưng theo phong cách Paul Gascoigne. Khi cậu ấy có bóng, tất cả đều phải dừng lại, tròn xoe mắt và trầm trồ thán phục”, Sir Alex trả lời Sky Sports vào năm 2012.
Nhưng cuộc đời là như vậy, chữ tài đi với chữ tai một vần. Vào ngày sinh nhật thứ 18, Morrison phải hầu tòa vì tội hành hung và đe dọa, nhận án quản thúc 12 tháng và khoản tiền phạt 1.445 bảng. Rồi cứ thế, Morrison trượt dài, trước sự bất lực của Sir Alex và các cộng sự. Họ không thể kìm hãm sự ngông cuồng của con ngựa bất kham bên trong Morrison. Bán anh sang West Ham năm 2012 là lựa chọn bất đắc dĩ, một quyết định vẫn còn ám ảnh Sir Alex tới bây giờ. Dù rất tiếc, nhưng ông không thể không làm vậy.
Ở tuổi 27, Morrison lẽ ra đang ở độ chín sự nghiệp. Rốt cuộc, anh vẫn đang mò mẫm trên con đường tìm lại chính mình, của một tài năng không bao giờ “phát tiết” vì lối sống buông thả.
Lỡ hẹn với sự nghiệp quốc tế Morrison từng là thành viên chủ chốt của các lứa trẻ Anh nhưng không còn cơ hội khoác áo Tam sư vì thói vô kỷ luật. Sau đó, anh được mời khoác áo ĐT Jamaica sau khi có quốc tịch quốc gia này hồi 2018. Lẽ ra, Morrison sẽ có trận đấu cấp quốc tế đầu tiên vào tháng 3 khi Jamaica gặp ĐT xứ Catalunya nếu không vì dịch Covid-19. |
XEM THÊM
Đội hình trẻ tiêu biểu của Premier League 10 năm trước giờ này ra sao?
Bình Luận