Gây thất vọng trong bước đầu hội nhập, ngôi sao Alexis Sanchez làm giới hâm mộ M.U liên tưởng đến Angel Di Maria - một trong những bản hợp đồng tồi tệ nhất của đội chủ sân Old Trafford. Kỳ thực, đấy là hai trường hợp trái ngược hoàn toàn.
Khi nói về thất bại của Angel Di Maria, đấy là thất bại trong cả mùa bóng, và nguyên nhân của thất bại ấy thật ra là điều gây tranh cãi. M.U mua lại Di Maria với giá 59,7 triệu bảng (kỷ lục nước Anh ở thời điểm ấy), rồi lại bán ngay với giá chỉ còn 44 triệu bảng, chỉ sau đúng 1 mùa bóng (2014/15).
Đấy cũng là mùa đầu tiên HLV Louis van Gaal cầm quân ở M.U, và bản thân Van Gaal cũng đành ra đi, chỉ 1 năm sau khi chia tay Di Maria. Trước Van Gaal là một David Moyes “thất bại toàn tập”, và Ryan Giggs “đóng thế”. Tóm lại, đấy chính là giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong kỷ nguyên của M.U. Mọi chuyện, do vậy, có tính ngẫu nhiên rất cao.
Bao nhiêu cây bút “theo trend” đã dè bỉu Di Maria mà quên mất rằng chính họ từng tung hô ngôi sao này trong bước khởi đầu? Xin được nhắc lại: Di Maria chính là cầu thủ xuất sắc nhất M.U trong tháng 9/2014 (tháng đầu tiên mà anh thi đấu đầy đủ ở Premier League) và là tác giả “bàn thắng đẹp nhất trong tháng”. Di Maria vẫn cứ tỏa sáng như thế cho đến khi anh thường xuyên vắng mặt vì chấn thương trong tháng 11. Bây giờ, khi Sanchez thất bại trong bước khởi đầu tại M.U, chẳng biết người ta thấy anh giống với Di Maria (trong bước khởi đầu) chỗ nào, để so sánh!
Đấy vẫn chưa phải là bản chất của câu chuyện về hai ngôi sao Nam Mỹ. Sanchez lãnh lương khủng vì anh gia nhập M.U với giá chuyển nhượng gần như bằng không (rẻ mạt so với giá thị trường, hoặc coi như trao đổi, Henrikh Mkhitaryan qua Arsenal). Với một ngôi sao như Sanchez, M.U không hề sợ lỗ, vì nếu họ bán anh trong tương lai gần thì phí chuyển nhượng trở thành lãi, ít ra cũng là “gỡ” được chi phí lương bổng.
Quá khác với bản hợp đồng mang tính đầu tư lâu dài với Di Maria. Trong mọi trường hợp, nếu M.U không xây dựng được một lối chơi ổn định xoay quanh Di Maria thì chắc chắn đấy là thất bại rồi. Chỗ này, Sanchez rõ ràng là khác hoàn toàn. Đấy là lý do vì sao HLV Jose Mourinho dễ dàng để anh ngồi ngoài, khi Sanchez rớt phong độ. Mà phong độ, như người ta hay nói, chỉ là nhất thời.
Mourinho có lý: , đấy là việc của mùa tới. Hiện thời, tất cả gần như chỉ có tính chất “công nhật”. Dĩ nhiên, việc ráp nối mang tính “công nhật” này đang thất bại. Nhưng tóm lại, M.U mất gì từ nay đến cuối mùa bóng? Còn với Sanchez, trước mắt cứ tạm... đếm tiền, trong lúc chờ mùa bóng mới, với những kế hoạch mới, thậm chí đồng đội cũng mới.
Một cầu thủ như thế mà lại thành công trong lối chơi đồng đội mới là chuyện lạ. Cũng dễ hiểu vì sao Sanchez chơi rất cá nhân trong các trận đấu vừa qua. Còn chuyện anh thường... ăn một mình ở căng-tin, xem ra chỉ là chi tiết... lá cải. Đấy chỉ là đặc điểm, khoan bàn là ưu hay khuyết. Giả sử Sanchez ghi bàn quyết định để đem Cúp FA về cho M.U, bằng một nỗ lực cá nhân, có khi chuyện “ăn một mình” lại trở thành nguyên nhân thành công - cho cả Sanchez lẫn M.U!
10 - Trong 10 lần khoác áo M.U, có đến 5 trận Sanchez thậm chí không sút được cú nào đúng hướng khung thành, nói gì đến số bàn thắng! Tổng cộng, anh đã sút được 16 lần (chính xác 7) trong 10 trận, tính chung mọi giải (Premier League, Cúp FA, Champions League). Khác biệt lớn giữa Sanchez và Di Maria Họ đều là những tuyển thủ quốc gia kỳ cựu trong làng cầu Nam Mỹ, nhưng họ thi đấu trong những môi trường khác hẳn nhau. Ở đội tuyển Argentina, Di Maria chơi giữa những tài năng hàng đầu thế giới, nên sự ăn ý với đồng đội trở nên cực kỳ quan trọng. Ngược lại, đội tuyển Chile của Alexis Sanchez không có nhiều ngôi sao, nên giá trị cá nhân trong cách chơi của anh lại là điều mấu chốt dẫn đến thành công. |
Bình Luận