Alisson Becker vừa trở thành thủ môn đắt giá nhất thế giới khi được Liverpool mua về từ AS Roma với mức giá 66,8 triệu bảng. Vậy so với những thủ môn danh tiếng ở giải Ngoại hạng Anh, liệu tài năng của Alisson có thực sự nổi trội?
Nếu dựa vào những con số, thì David de Gea của M.U xứng đáng là ông vua ở Premier League. Trong mùa giải vừa qua, thủ môn có tên trong đội hình tiêu biểu giải Ngoại hạng 5/6 năm qua này chơi 37 trận và thực hiện tổng cộng 115 pha cản phá. Petr Cech của Arsenal cứu thua nhiều thứ 2, nhưng anh kém đồng nghiệp người Tây Ban Nha tới 23 pha trổ tài.
Không chỉ dẫn đầu về số lần cứu thua, tần suất cản phá của De Gea cũng đáng nể hơn cả. Tính ra, anh chiến thắng tới 80,3% trong những lần đối mặt với những pha oanh tạc, trong khi người xếp thứ 2 là Hugo Lloris của Tottenham chỉ đạt 70,1%.
Xét về 2 tiêu chí nói trên, Alisson không thua kém De Gea là bao. Thật vậy, mùa trước anh cũng chơi 37 trận và để lọt lưới 28 bàn giống như cựu thủ môn Atletico Madrid. Với 109 pha cản phá, người gác đền mới của Liverpool đạt tỷ lệ cứu thua thành công 79,3%. Chưa hết, nếu như De Gea không mắc sai lầm nào dẫn tới bàn thua thì điều tương tự cũng đúng với Alisson.
Tuy Alisson không xuất sắc hơn De Gea ở các tiêu chí nói trên, nhưng nhìn chung anh là người có thành tích sát với thủ môn của M.U nhất khi so sánh với các thủ thành khác ở giải Ngoại hạng. Nếu có mặt nào đó De Gea còn hạn chế, thì đó chỉ là khả năng xử lý bóng bằng chân. Về mặt này De Gea còn phải học hỏi Ederson và Hugo Lloris, 2 thủ môn nhờ có đôi chân khéo léo đã giúp Man City và Tottenham dễ dàng triển khai bóng từ phần sân nhà chứ không cần phải chuyền dài vượt tuyến.
So với Lloris và Ederson, Alisson còn chơi bóng bằng chân nổi hơn. Trong danh sách các thủ môn ở những CLB hàng đầu tại giải Ngoại hạng, anh là người duy nhất thực hiện quá 1000 đường chuyền ở mùa bóng vừa rồi (1082).
Đáng chú ý, thủ môn 25 tuổi người Brazil này có đến 854 lần đưa bóng đến đúng địa chỉ (nhiều nhất so với các đồng nghiệp kể trên). Với tỷ lệ chuyền chính xác đạt 78.9%, anh chỉ chịu xếp sau một mình Ederson (85.3%).
Với những gì Alisson đã làm được, rõ ràng Liverpool có lý do để mua anh với mức giá cao ngất ngưởng. Chưa biết thủ môn mới của Lữ đoàn đỏ chơi bóng ở giải Ngoại hạng như thế nào, nhưng bảng thành tích ấn tượng của anh ở mùa giải mùa qua cũng đủ để đội bóng vùng Merseyside chấp nhận chơi canh bạc mà cửa thắng của họ nhìn chung khá sáng.
Thành tích của Alisson so với các thủ môn hàng đầu giải Ngoại hạng Anh mùa trước
Thủ môn | Cech | Courtois | Karius | Ederson | D.Gea | Lloris | Alisson |
CLB | Arsenal | Chelsea | Liverpool | Man City | M.U | Tottenham | Roma |
Số lần ra sân | 34 | 35 | 19 | 36 | 37 | 36 | 37 |
Số phút thi đấu | 2040 | 3150 | 1710 | 3195 | 3330 | 3240 | 3330 |
Số lần giữ sạch lưới1 | 11 | 15 | 10 | 16 | 18 | 15 | 17 |
Số bàn thua | 48 | 34 | 14 | 26 | 28 | 35 | 28 |
Thời gian trung bình cho mỗi lần lọt lưới (phút) | 63,3 | 92,6 | 122,1 | 122,9 | 118,9 | 92,6 | 118,9 |
Số lần cứu thua | 92 | 76 | 31 | 58 | 115 | 86 | 109 |
Tỷ lệ cứu thua thành công (%) | 64,4 | 68,5 | 68,9 | 68,3 | 80,3 | 70,1 | 79,3 |
Sai lần tạo điều kiện cho đối phương dứt điểm | 7 | 1 | 0 | 6 | 3 | 8 | 4 |
Sai lầm dẫn đến bàn thua | 6 | 0 | 0 | 2 | 0 | 5 | 0 |
Số đường chuyền | 811 | 983 | 521 | 928 | 942 | 996 | 1082 |
Số đường chuyền thành công | 530 | 692 | 350 | 792 | 542 | 749 | 854 |
Tỷ lệ chuyền bóng thành công (%) | 65,5 | 70,4 | 67,2 | 85,3 | 57,5 | 75,2 | 78,9 |
Bình Luận